1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cải tổ Bộ Công Thương: Có dám đụng đến "con ông, cháu cha"?

Ngay khi Bộ Công Thương triển khai phương án lấy ý kiến kiện toàn cấu trúc, tinh giản bộ máy sau những lùm xùm về nhân sự, nhiều chuyên gia đánh giá cao nhưng vẫn còn kỳ vọng rất nhiều từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, là một trong những cán bộ từng làm việc trong ngành công thương, cho rằng: Việc cải tổ bộ máy, tinh giản biên chế đáng ra phải làm lâu rồi, vì bộ máy nhà nước đã phình quá to. Tuy nhiên, khi cải tổ phải có nguyên tắc rõ ràng, còn nếu chỉ từ 35 cục, vụ, viện chuyển thành còn 28, bớt được 7 thì cũng không đáng kể.


Ông Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại,

Ông Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại,

“Việc tinh giản phải thực chất, làm cho bộ máy được kiện toàn và vững mạnh hơn, còn hiện tại mới chỉ là nhập vào chứ không phải trên cơ sở xác định lại chức năng nhiệm vụ, xác định lại biên chế rõ ràng nên nhân sự không có thay đổi nhiều. Theo tôi thì mới chỉ bớt được mấy ghế phó cục, vụ, viện mà thôi”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng, cách làm của Bộ Công Thương phải bài bản hơn, nếu làm như kế hoạch công bố trên các phương tiện truyền thông vừa qua là vẫn vội vàng, cần có tính toán kỹ và triển khai triệt để hơn.

Cũng theo ông Nam, hiện công tác “cải tổ” của Bộ Công Thương mới chỉ dừng lại ở các cục, vụ, viện, còn bộ phận các trường học, doanh nghiệp thì chưa thấy nhắc tới. “Tôi cho rằng, Bộ Công Thương hiện vẫn quản lý theo thời bao cấp, can thiệp vào sản xuất kinh doanh quá nhiều là không cần thiết”, ông Nam nói.

Về vấn đề này, ông Nam cho rằng: Bản thân doanh nghiệp phải tự chủ hoạt động, nếu cổ phần hóa hết sẽ càng tốt vì họ sẽ bắt buộc phải tinh giản bộ máy vì hoạt động với mục đích lợi nhuận chứ không còn hoạt động kiểu hành chính nữa. “Các doanh nghiệp của Bộ Công Thương quản lý cần rà soát lại, đơn vị nào hoạt động không có lợi nhuận thì phải giải tán. Phải triển khai cổ phần hóa để doanh nghiệp tự chủ quản lý kinh doanh”, ông Nam nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết: “Cải tổ như Bộ Công Thương đang triển khai là đúng hướng như theo tôi chưa ăn thua, mới cắt 7 cục, vụ, viện. Giờ Bộ Công Thương có nhiều đơn vị sự nghiệp như viện, trường học, tiêu tốn ngân sách như thế nào cũng cần phải được rà soát lại. Ngoài ra, khối doanh nghiệp của Bộ Công Thương quản lý cũng còn lớn”.


Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI)

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI)

Xét ở góc độ hành chính, ông Hải cho rằng cải tổ lần này của Bộ Công Thương như công bố là có giảm bớt đầu mối nhưng quan trọng là bổ nhiệm người như thế nào. Bộ máy tinh gọn nhưng nhân sự phải “khỏe”, còn nếu nhân sự vẫn yếu kém thì hoạt động vẫn không hiệu quả. “Đặc biệt là việc cải tổ có dám “đụng chạm” đến những cán bộ “con ông, cháu cha” hay không? Tôi được biết, ở Mỹ và một số nước có Luật chống gia đình trị. Do đó Chính phủ, Quốc hội cũng nên tính tới vấn đề này trong thời kỳ hội nhập để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ trong công tác sắp xếp, bố trí nhân sự”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, Bộ Công Thương chỉ nên chuyên tâm quản lý nhà nước, giao doanh nghiệp về cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho đúng chức năng, nhiệm vụ hơn. Hiện Bộ Công Thương đang quản lý khối các doanh nghiệp, tập đoàn rất lớn như Petrolimex, Habeco, Sabeco, Tập đoàn hóa chất, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Than khoáng sản…“Theo tôi, Bộ trưởng Bộ Công Thương nên sớm có kế hoạch cải tổ khu vực doanh nghiệp, chỉ đạo từng bước cổ phần hóa, thúc đẩy các đơn vị này niêm yết và bàn giao về cho SCIC quản lý”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ cho biết: “Tôi thấy việc Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thực hiện kiện toàn cấu trúc, tinh giản bộ máy là tin mừng, hoan nghênh Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Nếu như Bộ trưởng đã tính toán mọi bề mà tinh giản biên chế, tinh giản đầu mối thì đó là việc rất đúng. Vì bấy lâu nay, dư luận và nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đưa ra đánh giá về việc bộ máy của chúng ta rất cồng kềnh. Tôi ủng hộ, vì Quốc hội cũng đã yêu cầu, Hội nghị TƯ 4 khóa 12 cũng đã có Nghị quyết về tinh giản bộ máy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dũng cảm thực hiện việc này thì rất tốt”.


Ông  Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ

Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, những ý tưởng của Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra đang được nhiều người ngóng chờ và kỳ vọng. Việc thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, của Quốc Hội, đó là phải làm sạch đội ngũ cán bộ, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói “Đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ này phải phục vụ nhân dân, phải hành động, kiến tạo, liêm chính”.

Ông Hùng cũng cho rằng, khi triển khai phải sắp xếp những người không đủ khả năng, tạo cơ hội cho họ làm ở nơi khác, không làm khổ nhân dân nữa. Việc cải tổ bộ máy không thể làm theo phong trào được mà phải làm với sự cân nhắc rất kỹ. “Mong tất cả những người tới đây bị xử lý mà do thiếu năng lực, thiếu tư cách thì nên suy nghĩ và cám ơn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vì đã ngăn chặn không để cho họ sa vào vi phạm nữa. Bởi nếu anh dốt, anh có chức, quyền anh càng có nguy cơ phá hoại lớn, nên việc Bộ trưởng cho nghỉ, chuyển sang làm việc khác chính là đã cứu những người không đủ năng lực, kém phẩm chất, không để họ rơi vào bờ vực thẳm của những sai lầm”, ông Hùng phân tích.

Ông Hùng cũng cho biết, khi triển khai, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng phải cân nhắc thật kỹ, minh bạch, thấu lý, đạt tình, với mục đích chung là tinh giản biên chế, không có định kiến, hằn học…. có như vậy công tác cải tổ và tinh giản mới đạt được hiệu quả.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết đang triển khai lấy ý kiến cán bộ trong Bộ về dự kiến kiện toàn, tinh giản bộ máy cho phù hợp. Công tác cải cách hành chính sẽ tinh giảm từ 35 đầu mối xuống chỉ còn 28 đầu mối.

Trong đó, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và 2 vụ; Vụ Thị trường thương mại Miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp;

Ngoài ra, Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước kia tách ra từ Vụ Tổ chức cán bộ), nay nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam (trước kia là Văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại TPHCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương; Các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành 2 Vụ Châu Âu, Mỹ và Á Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về 2 Vụ Á, Phi và Âu Mỹ; Hai viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp ) nhập thành một viện. Đồng thời, Bộ cũng sẽ thành lập thêm Cục Phòng vệ Thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý Thị trường còn lại giữ nguyên.

Theo Thanh Xuân
Dân Việt