1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bỏ việc văn phòng, lái Grab, tài xế “té ngửa" mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - “Khi chuyển sang Grab, chúng tôi phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia cao hơn nhiều, tới 28,6%. Tức là chạy được 1 triệu, chúng tôi phải gửi lại Grab 300.000 đồng, sau đó trừ xăng xe, khấu hao thì chẳng còn được bao nhiêu. Tội nhất hôm nào bị công an giao thông phạt thì thôi, hôm đấy coi như công cốc”, một tài xế lái Grabcar chia sẻ.

Một tài xế cho biết việc Uber sáp nhập với Grab khiến cho các tài xế không nhiều lựa chọn. Khi chuyển sang Grab, họ phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia cao hơn nhiều, tới 28,6%.
Một tài xế cho biết việc Uber sáp nhập với Grab khiến cho các tài xế không nhiều lựa chọn. Khi chuyển sang Grab, họ phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia cao hơn nhiều, tới 28,6%.

Tại Việt Nam, Grab đang là một nghề thu hút một lượng lớn lao động có phương tiện hoặc vay tiền đầu tư ô tô để trở thành tài xế.

Lượng xe được Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng và tham gia hoạt động ở mạng lưới Grab lên tới vài chục nghìn chiếc. Con số này chắc hẳn đã tăng lên rất nhiều sau khi Uber sáp nhập vào Grab.

Để thu hút đối tác, Grab quảng cáo: “Thu nhập cực hấp dẫn, trung bình từ 26 - 33 triệu đồng khi hoạt động toàn thời gian mỗi tháng. Không những vậy còn tăng đến 35 triệu đồng vào mùa cao điểm như mùa mưa, lễ. Với đối xe chạy từ 4 - 5 tiếng/ngày, thu nhập thêm mỗi tháng có thể lên đến 15 triệu đồng”.

Phải thừa nhận việc trở thành tài xế Grab đã tạo thu nhập cho không ít người, nhưng “ẵm về” mức thu nhập lên tới 35 triệu đồng như Grab quảng cáo thì là chuyện khó.

Anh Trung, một lái xe Grab nói: “Tổng thu nhập lên đến 30-35 triệu đồng là có nhưng phải chạy thật chăm chỉ. Và đó cũng là chưa trừ tiền chiết khấu cho Grab, chưa trừ khấu hao xe, nếu xe đi vay thì còn phải trả lãi vay nữa nên nói chung cuối cùng tiền bỏ túi cũng chẳng nhiều”.

Anh Trung trước đây là dân văn phòng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Sau nghe nói chạy Grab “kiếm nhiều tiền lại thoải mái thời gian, thích đi hay thích nghỉ lúc nào cũng được”, anh Trung bỏ tiền tiết kiệm cùng với vay mượn thêm người thân tậu ô tô chạy.

Lúc đầu nghĩ làm lái xe Grab sẽ rất thoải mái, nhưng thực tế theo lời kể của anh Trung, thì không phải vậy. Grab có chính sách phân loại tài xế chạy chuyên nghiệp và những người chỉ chạy khi rảnh rỗi. Nếu rảnh rỗi thì mức ưu tiên nhận chuyến và thưởng ít hơn. Và chạy chuyên nghiệp rồi thì vẫn tiếp tục được Grab phân loại thông qua tỷ lệ “sao”, tỷ lệ huỷ chuyến, nhận chuyến…

“Nói chung cực lắm, nếu mới lái chưa có nhiều kinh nghiệm thì thấy chẳng ăn thua gì chị ạ, chỉ mong đút túi 15 triệu là tốt rồi”, vị tài xế chia sẻ.

Trên một chuyến xe Grab khác, anh Tính - trước đây từng lái Uber kể: Việc Uber sáp nhập với Grab đưa ra cho các tài xế không nhiều lựa chọn. Khi chuyển sang Grab, chúng tôi phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia cao hơn nhiều, tới 28,6%.

"Tức là chạy được 1 triệu, chúng tôi phải gửi lại Grab 300.000 đồng, sau đó trừ xăng xe, khấu hao thì chẳng còn được bao nhiêu. Tội nhất hôm nào bị công an giao thông phạt thì thôi, hôm đấy coi như công cốc. Ai chứ tôi chẳng bao giờ được 20 triệu đồng/tháng", vị tài xế này kể.

Anh này cũng than thở việc Grab rất mạnh tay trong việc xử lý vi phạm đối với tài xế. Việc khóa (tạm thời hoặc vĩnh viễn) tài khoản đối với các lái xe là việc rất dễ xảy ra nếu “dính” vi phạm dù nhiều khi chuyện bực mình xảy ra đôi khi xuất phát từ yếu tố khách hàng.

“Có hôm khách đặt chuyến, chờ mãi đến 20 phút mà chẳng thấy khách đâu, gọi thì chẳng nghe máy, huỷ thì không được. Cũng có khách đặt xe rồi mới đi đánh răng, rửa mặt rồi bắt tài xế đợi cả nửa tiếng. Trong khi mình đã cố gắng chạy giờ sớm (từ 5h - 7h sáng) để tránh tắc đường, gặp 1-2 khách như thế thì buổi sáng chạy được bao nhiêu đâu”, anh Tính than thở.

Anh Tính cũng chia sẻ thêm, kể từ khi chuyển sang lái Grab anh không bắt được nhiều khách nước ngoài như hồi lái Uber. “Xưa lái Uber ngày nào cũng có vài chuyến chị ạ. Tiền thì Tây hay ta cũng thế, nhưng đa phần khách Tây họ lịch sự lắm, toàn ra điểm đón rồi mới gọi xe chờ tài xế, chẳng mấy khi phải đợi họ, hoặc đợi thì 1-2 phút thôi”, anh Tính kể.

Mới đây trên mạng xã hội, câu hỏi “Các bác cho hỏi thời điểm này mua xe chạy grab ăn thua không?” của một thành viên trên diễn đàn về ô tô thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Nhiều ý kiến cho rằng "không ăn thua" hay “giờ lái Grab phải cày như trâu thu nhập mới khá chút”, "chịu khó thì vẫn làm được". Một số thành viên khác cho biết họ cũng lái Grab nhưng vẫn phải chạy song song thêm một số ứng dụng mới, chịu khó chạy thì cũng kiếm được 20 triệu đồng/tháng...

Bỏ việc văn phòng, lái Grab, tài xế “té ngửa" mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng - 2

Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Giám đốc HTX GTVT Toàn Cầu từng cho biết, không phủ nhận từ khi Grab, Uber vào Việt Nam, với cách làm mới áp dụng lợi thế của công nghệ 4.0, đã tiếp cận khách hàng nhanh chóng, chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút được một cộng đồng đông đảo khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, Uber và Grab đã thúc đẩy các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, ông Tuấn cho rằng nhiều thông điệp của Grab không hẳn như họ nói. Cụ thể như thông điệp “thu nhập của lái xe Grab lên 35 triệu đồng/tháng” đã thu hút được một khối lượng lớn người lao động tuy nhiên thực tế lại không phải vậy.

Hồi đầu năm 2018, báo chí cũng rầm rộ đưa tin về việc hàng trăm tài xế tập trung trước trụ sở Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam tại phố Duy Tân (Hà Nội) để phản đối, đòi hạ chiết khấu của dịch vụ GrabCar. Theo các lái xe có mặt tại đây, mức chiết khấu 28,6% đang áp dụng là quá cao.

Nhiều tài xế đã phản ánh, sau khi thu hút được một lượng lớn đối tác, hãng taxi công nghệ này dần tăng chiết khấu, giảm hỗ trợ, trong khi các chi phí khác ngày một tăng khiến đời sống lái xe chồng chất khó khăn...

Nguyễn Khánh

Bỏ việc văn phòng, lái Grab, tài xế “té ngửa" mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng - 3