Bitcoin đang như "cục than nóng", người cuối cùng cầm sẽ chết theo!
(Dân trí) - Khi bong bóng Bitcoin vỡ, những người cầm cục than nóng này sẽ "chết" theo. Tuy nhiên, ai là người cuối cùng cầm cục than nóng ấy sẽ là người chết. Khi nó sập sẽ gắn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tại buổi Talk-show "Bitcoin và làn sóng Blockchain" vừa diễn ra sáng nay. Ông Hưng cùng một số chuyên gia công nghệ, pháp luật ngân hàng đã có những đánh giá toàn diện cũng như cảnh báo về đồng tiền ảo Bitcoin hiện nay.
Theo ông Hưng có hai lý do khiến đồng tiền Bitcoin tăng giá phi mã như hiện nay: Thứ nhất, nó là một công cụ mang tính đầu cơ. Hai nó có thể là công cụ chuyển tiền bất hợp pháp bởi tính ẩn danh.
Ông Hưng lấy ví dụ như bong bóng hoa tuylip, chỉ một nước Hà Lan cũng dẫn đến khủng hoảng kinh tế thế giới. Cùng đó, đồng tiền dựa trên công nghệ blockchain còn tạo sức hấp dẫn đối với một số quốc gia không minh bạch với chuyển tiền ẩn danh.
Do đó, những người có nhu cầu chuyển tiền ẩn danh thì Nhà nước cần đưa ra giải pháp như có thể biến ẩn danh thành có danh và quản lý việc chuyển tiền. Nhà nước cần đưa ra giải pháp ngăn chặn việc này để giúp phân tách người làm ăn bài bản với người lợi dụng câu chuyện biến tướng thành bán hàng đa cấp, lừa đảo hay thực hiện việc chuyển tiền ẩn danh khó kiểm soát.
Trước cơn lốc tăng giá của đồng Bitcoin hiện nay, vị chủ tịch SSI cảnh báo, khi bong bóng Bitcoin vỡ, những người cầm cục than nóng này sẽ "chết" theo. "Tuy nhiên, ai là người cuối cùng cầm cục than nóng ấy sẽ là người chết. Khi nó sập sẽ gắn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu", ông Hưng nói.
Chủ tịch SSI cũng cho rằng: Rủi ro khi bong bóng nổ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đây cũng là ngành kinh doanh tài chính nên buộc phải là ngành kinh doanh có điều kiện, tránh việc người cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm.
Tài sản ảo quản lý, lưu ký là vấn đề rất phức tạp. Nếu những người lưu ký có ý đồ xấu có thể thế chấp tài sản này, nhất là khi nó không sờ, nắm thấy được. Khi nhìn thấy rủi ro tiềm ẩn thì cần có quản lý Nhà nước.
Mọi người cần có sự hiểu biết để tự kiềm chế lòng tham nhưng việc để nó phát triển rồi đổ vỡ sẽ có thể gây mất lòng tin với công nghệ. Quan trọng nhất của công nghệ mới là con người, nhân lực trong lĩnh vực này. Nếu không có khung pháp lý thì sẽ không quản lý, bảo vệ mọi người trước sự lừa đảo nếu có của hoạt động này.
Tại tọa đàm, ông Dominik Weil và ông Nguyễn Việt Bách, đại diện của một sàn giao dịch Bitcoin tại Việt Nam cũng đưa ra nhiều ý kiến.
Ông Nguyễn Việt Bách thừa nhận, ứng dụng hiện nay của Bitcoin chủ yếu được mọi người nhìn nhận dưới góc độ đầu cơ nhiều hơn.
"Đa số mọi người đổ xô vào Bitcoin chỉ với mục đích này còn việc mua để sử dụng chúng tôi thấy không nhiều. Họ mua chờ khi giá lên để bán", ông Bách nói.
Còn ông Dominik Weil cho rằng: Khi Bitcoin được thảo luận nhiều như một "bong bóng" có thể gây khủng hoảng thì từ năm 1990 - 2000, bong bóng dotcom cũng khiến bất cứ công ty nào có chữ dotcom, mã chứng khoán đều tăng phi mã.
"Nếu nhìn tới bây giờ, những công ty lớn như Google, FB đều trưởng thành từ quả bóng dotcom đó. Và nếu so sánh thì tiền điện tử bây giờ cũng như vậy, cũng đang là 1 bong bóng. Tôi chỉ khuyên các nhà đầu tư cần biết kiềm chế bản thân, biết cân nhắc dành bao nhiêu phần trăm trong tài sản của mình", ông Dominik nói.
Ông Trương Thanh Đức, hãng Luật Basico cho rằng: Hiện bitcoin là một sản phẩm biểu hiện của công nghệ nhưng cũng là sản phẩm cần được thận trọng khi đầu tư. Nếu sau này có vấn đề xảy ra, thì nhà đầu tư không nên trách Nhà nước, chuyên gia không cảnh báo.
"Thực ra quả bóng đó không ai xì được, lợi nhuận quá cao trong thời gian ngắn tiềm ẩn rủi ro. Không ai biết nó sẽ vỡ ở chỗ nào nhưng chắc chắn lên nhanh sẽ vỡ, không thể nào khác được", ông Nguyễn Duy Hưng cảnh báo.
Nguyễn Tuyền