Vấn đề kinh tế trong tuần:

Bắt cựu "sếp" DongA Bank, ông Lê Chung Dũng "mất hút" ở nước ngoài

(Dân trí) - Tuần này, dư luận xôn xao trước thông tin nguyên Phó Tổng giám đốc PV Power "mất hút" ở nước ngoài. Hai ngày cuối tuần, thị trường tài chính Việt Nam lại rúng động về việc ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc DongA Bank bị bắt.

Thông tin ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bị bắt làm rúng động giới tài chính
Thông tin ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bị bắt làm "rúng động" giới tài chính

Bắt cựu Tổng Giám đốc và cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á

Ngày 10/12, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) đã ra thông tin báo chí về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46 - Bộ Công an) bắt giữ các cựu lãnh đạo ngân hàng này, trong đó có ông Trần Phương Bình - cựu Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - cựu Phó Tổng Giám đốc.

Đây là những cán bộ đã bị Ban kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hội đồng xử lý kỷ luật của Ngân hàng TMCP Đông Á đình chỉ chức vụ vào tháng 8/2015 và đã không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng gần 1 năm rưỡi qua.

Ngày 13/8/2015, Ngân hàng TMCP Đông Á bị đặt vào trình trạng kiểm soát đặc biệt bởi NHNN do những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của ngân hàng.

Sáng nay, NHNN cũng đã chính thức khẳng định sai phạm của ông Trần Phương Bình.

Hơn 23 năm qua, ông Trần Phương Bình được xem là thuyền trưởng, người gây dựng, dẫn dắt DongA Bank và là một tên tuổi "lẫy lừng" trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Việc ông Bình sa cơ, có thể coi là sai lầm của "thuyền trưởng".

Liên quan đến việc xử lý ngân hàng yếu kém, phát biểu trước rất nhiều đối tác quốc tế tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một số đối tác tư nhân của Việt Nam đang có kế hoạch mua lại một số ngân hàng yếu kém (đã bị mua lại với giá 0 đồng) tại Việt Nam.

Ông Lê Chung Dũng tại một hội nghị của PV Power Coal.
Ông Lê Chung Dũng tại một hội nghị của PV Power Coal.

Thêm một "sếp" doanh nghiệp lớn ngành Công Thương đi nước ngoài mất hút

Trong tuần, một thông tin cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả là việc ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) - một doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xin nghỉ phép, đi việc cá nhân ở nước ngoài hơn 3 tuần nay vẫn chưa về.

Theo PV Power, hết thời hạn nghỉ phép, ông Lê Chung Dũng đã không đến cơ quan làm việc mà lại tiếp tục có đơn gửi Tổng Công ty xin đi học khóa dự bị MBA của trường Đại học SP Jain School Of Management tại Singapore trong thời gian 6 tháng, ngày nhập học 20/10/2016.

Sau khi nhận được đơn xin đi học ở nước ngoài của ông Lê Chung Dũng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã không chấp nhận và nhiều lần liên hệ (qua điện thoại, email) cũng như gửi các văn bản yêu cầu ông Lê Chung Dũng trở lại Tổng Công ty để tiếp tục làm việc và giải quyết các thủ tục liên quan nhưng ông Lê Chung Dũng vẫn chưa trở lại Tổng Công ty làm việc.

Trong khi PV Power cho biết, theo quy định quản lý cán bộ, ông Lê Chung Dũng "không được bổ nhiệm lại và không còn là Phó Tổng giám đốc" thì một đơn vị khác là Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cũng phát thông cáo khẳng định ông Dũng không liên quan đến công ty này. Nguyên nhân khiến NT2 phải lên tiếng về vấn đề này đó là do hiện tại, PV Power đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 60% vốn điều lệ tại NT2.

Không đón chào doanh nghiệp chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường

Đầu tuần này, một sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đó là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 đã diễn ra tại Hà Nội. Tại diễn đàn này, cộng đồng DN đã đưa ra những phản ánh, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó, theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, dù có những cải thiện khá tốt nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách khá lớn so với các quốc gia trong khu vực. Ông Lộc cho rằng, “không thể chấp nhận những chính sách cản trở sau bao năm vẫn không chịu thay đổi”.

Phát biểu tại diễn đàn, lắng nghe những kiến nghị của DN và phản hồi của đại diện các bộ, ngành, Thủ tướng đánh giá cao vai trò, sự đóng góp của DN FDI, coi đây là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ: “Việt Nam không đón chào các DN chỉ coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại với những giá trị cốt lõi đã cam kết”.

Sau sự kiện này, tiếp lãnh đạo hai tập đoàn lớn của Trung Quốc đang bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực hàng tầng và môi trường, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc làm ăn tại Việt Nam, song, yêu cầu các nhà đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Trước đó, với tuyên bố của Thủ tướng về việc chống tham nhũng, loại bỏ quan hệ thân hữu cũng đã mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện các DN cho rằng, đây là một nhiệm vụ khó khăn, mà muốn làm được thì phải hoàn thiện về thể chế, luật pháp, minh bạch trong mọi quy định.

Liên quan đến câu chuyện cải cách, tại một sự kiện khác, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam dù cho TPP được cho là mang lại sự kỳ vọng cải cách và xuất khẩu lớn.

Tin vui là trong bảng xếp hạng "Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016" mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố mới đây, môi trường thương mại của Việt Nam đã cải thiện đáng kể và tăng 14 bậc lên vị trí thứ 73/136 nền kinh tế được đánh giá.

Bắt cựu "sếp" DongA Bank, ông Lê Chung Dũng "mất hút" ở nước ngoài - 3

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an truy tìm kẻ tung tin đồn "nhảm" đổi tiền

Chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020, đưa ra đánh giá tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm chạp, tỷ lệ vốn đưa ra thị trường thấp, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, trong quá trình bán vốn, không được để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước, nhất là liên quan đến đất đai ở những vị trí thuận lợi (đất vàng).

Trong khi đó, góp tham luận phân tích nguyên nhân tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa chậm, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho rằng, không ít lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn còn tâm lý thích làm "ông chủ giả" tiêu tiền Nhà nước thay vì làm "ông chủ thật", chịu áp lực của đại hội đồng cổ đông.

Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tin đổi tiền là "thất thiệt" và "có dụng ý xấu". Thủ tướng giao cho ngành công an và một số đơn vị chức năng "tìm ra thủ phạm, tìm ra những kẻ phao tin đồn nhảm làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến kinh tế vĩ mô".

Chưa có ai ở Hà Nội trúng xổ số kiểu Mỹ trong tuần ra mắt

“Xổ số kiểu Mỹ” Vietlott đã chính thức có mặt Hà Nội từ sáng 5/12 và được rất nhiều người dân tò mò đến mua và chơi thử. Tuy nhiên, tâm lý của hầu hết khách hàng đều chơi thử một lần để biết, mua 3 - 5 vé chơi cho vui và cũng chưa có ý định mua đều, chơi nhiều.

Mặc dù vậy, trong tuần, người thứ 6 trúng giải đặc biệt (Jackpot) xổ số Mega 6/45 lại không phải ở địa bàn Hà Nội. Vé trúng giải được xác định bán ra tại TPHCM.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về hoạt động của Vietlott, trong đó có việc các địa phương chưa đồng tình với khẳng định của Bộ Tài chính rằng hoạt động của Vietlott không ảnh hưởng đến xổ số kiến thiết, lo ngại việc đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương sẽ bị ảnh hưởng do doanh thu xổ số kiến thiết giảm.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều địa phương ở ĐBSCL đã đồng loạt chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc kinh doanh vé số tự chọn của Vietlott.

Lượng tiêu thụ bia tại nhà của người Việt gia tăng
Lượng tiêu thụ bia tại nhà của người Việt gia tăng

“Uống để say”, người Việt mua bia về nhà nhiều hơn

Báo cáo phân tích ngành bia mới được Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố đã đưa ra một con số thống kê khá thú vị về xu hướng tiêu dùng bia tại Việt Nam. Theo đó, trong vài năm qua, lượng tiêu thụ bia tại nhà gia tăng khiến bia lon ngày càng trở nên phổ biến trong khi bia chai thì thu hẹp. Chai bia uống xong có thể trả lại hãng bia và do đó được các nhà hàng ưa chuộng hơn.

“Lý giải xu hướng này, một chuyên gia trong ngành đã chia sẻ với chúng tôi rằng do tâm lý “uống để say” của người Việt Nam, nhiều người thấy việc uống bia tại nhà an toàn và thoải mái hơn”, báo cáo của VCSC cho hay.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của một hãng bia lớn là Sabeco (SAB) đã liên tục "cháy hàng" ngay sau khi niêm yết. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ chuyển nhượng tự do của mã này rất khiêm tốn, chỉ trong khoảng 5%. Cuối phiên thường không có dư bán, dư mua lớn và khớp lệnh cũng rất hạn chế.

Trong kế hoạch kiểm toán 2017 của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến cơ quan này cũng sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của 2 doanh nghiệp ngành bia là Sabeco, Habeco.

Biến động thị trường vàng cuối năm

Tuần này chứng kiến sự biến động mạnh của giá vàng trong nước. Điển hình, trong phiên giao dịch ngày 6/12, tại thời điểm 10h, giá vàng SJC đã tăng thêm 350.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước đó, lên mức cao nhất 1 tháng. Do đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 4,5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước thì cơ quan này sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.

Trong khi đó, có thể thấy lòng tin của người Việt vào kênh tiết kiệm vẫn rất lớn. Bằng chứng là theo dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9/2016 đã tăng mạnh 17,08%, đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng.

Bích Diệp