Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào tuyên bố "chống quan hệ thân hữu" của Thủ tướng
(Dân trí) - Đồng Chủ tịch Diễn đàn VBF - ông Ryu Hang Ha cho hay, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và FDI đều trông đợi tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm thành hiện thực, theo đó, sẽ xóa bỏ tình trạng quan hệ thân hữu, nhóm lợi ích, sân sau, ưu đãi ngầm...
Như đã đưa tin, mới đây, tới dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, xóa bỏ cơ chế "xin-cho", “duyệt-cấp", lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi...
Theo đó, “phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng: Quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm. Không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực”.
Bàn về tuyên bố của Thủ tướng, tại buổi gặp mặt báo chí trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra chiều ngày 4/12, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), Đồng Chủ tịch Liên minh VBF chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng trông đợi tuyên bố của Thủ tướng sẽ thành hiện thực.
Ông Ha cho biết, tại Hàn Quốc trên thực tế vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề tham nhũng hay vấn đề thân hữu. Lần này ngay cả Tổng thống Hàn Quốc cũng đang bị vướng phải bê bối chính trị về vấn đè trên. Tuy nhiên, vào tháng 9 vừa rồi, Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành một luật chống tham nhũng rất mạnh mẽ. Chính nhờ chính sách đó đã thổi luồng gió mới vào xã hội, vào những người thi hành công vụ tại quốc gia này.
"Tôi nghĩ rằng việc phòng chống tham nhũng nên bắt đầu từ những vị lãnh đạo. Chỉ khi những lãnh đạo thể hiện được quyết tâm về chống tham nhũng triệt để thì công cuộc này mới thành công", ông Ryu Hang Ha nhìn nhận, đồng thời bày tỏ: "Chúng tôi mong rằng, Việt Nam có thể loại bỏ được tư tưởng quan hệ thân hữu như tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc".
Trong khi đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều quan trọng trong chống tham nhũng đó là phải chấn chỉnh, tuyên truyền về đạo đức công vụ, song quan trọng nhất là phải tạo được một nền luật pháp với chế tại đủ mạnh, có cơ chế giám sát của người dân, của DN và của công luận.
"Chúng ta phải xây dựng được một thể chế về kinh doanh làm sao đơn giản nhất, pháp luật phải rõ ràng. 1+1= 2 chứ không phải bằng 3. Người dân phải biết rõ cái gì bị cấm, cái gì không bị cấm; quy định luật pháp phải rõ ràng chứ không phải là có thể diễn giải bằng nhiều cách khác nhau, chồng chéo, phức tạp, không minh bạch… và tạo cơ hội cho một bộ phận công chức tham nhũng", ông Lộc nêu quan điểm.
Theo Chủ tịch VCCI, với tình trạng pháp luật chưa minh bạch, môi trường kinh doanh "nước đục thả câu", sự phán quyết đúng - sai còn thuộc về phía công chức thì vẫn còn cơ hội trục lợi, còn tạo điều kiện cho những thỏa thuận ngầm. Cho nên, ông Lộc đánh giá, vấn đề là thời gian tới cần phải tạo được nền tảng vững chắc, minh bạch về mặt luật pháp để tham nhũng không có cơ hội phát sinh.
Đồng Chủ tịch VBF cũng hiến kế rằng, mô hình trung tâm hành chính công cũng chính là một trong những phương án có thể góp phần giảm tham nhũng khi công khai minh bạch mọi quy trình, thủ tục giữa doanh nghiệp, người dân và cơ quan hành chính Nhà nước. Theo đó, DN và người dân tới cơ quan công quyền giải quyết công việc sẽ không còn phải vào một phòng "đóng kín", dễ xảy ra những thỏa thuận ngầm.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc lưu ý rằng, xây trung tâm dịch vụ hành chính công không nhất thiết phải thật hoành tráng, mà chỉ cần một chỗ để các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính có thể tập trung một nơi, giám sát lẫn nhau. Nhà nước cũng không có tiền để đầu tư xây dựng những tòa nhà hoành tráng, thậm chí, có thể thuê của tư nhân, miễn là phục vụ tốt nhất cho công việc.
Hơn nữa, với việc đẩy mạnh giao dịch thông qua internet, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa công chức và người dân, DN... đây cũng là cách để loại bỏ được những nguy cơ tham nhũng.
Ông Lộc cũng cho rằng, cùng với việc nâng cao đạo đức thực thi công vụ thì phải có chế độ trả lương thỏa đáng, có thưởng phạt rõ ràng… Tóm lại, các chính sách thực thi phải đồng bộ thì mới không tạo điều kiện cho tham nhũng phát sinh và loại bỏ được chi phí không chính thức cho người dân và DN.
Về phần mình, VCCI có chủ trương phối hợp với Nhóm Công tác của VBF thành lập một liên minh DN liêm chính của Việt Nam, nói không với hối lộ và thực hiện liêm chính.
Bích Diệp