1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Quản lý doanh nghiệp Nhà nước: Không để lỗ, không "phá phách" vẫn tồn tại được

(Dân trí) - Người quản lý doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ cần không để xảy ra lỗ lớn, không “phá phách” thì vẫn tồn tại được. Chính sự an toàn này đã khiến các lãnh đạo DNNN không có động lực để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn.

Muốn thoái vốn, cổ phần hóa nhanh phải cần thêm người

Phát biểu tham luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020 đang diễn ra chiều nay (6/12) tại Hà Nội, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho rằng, việc chậm thoái vốn, cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua xuất phát một phần lớn do những lý do chủ quan.

Theo đó, ông Nghị đánh giá, nếu như lãnh đạo DNNN không có sự quyết liệt, không tự giác và thực sự có trách nhiệm với đất nước thì sẽ không thể đẩy nhanh được tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Ví von những vị Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN như những “ông chủ giả”, ông Nghị cho rằng, làm một ông chủ giả “xài” vốn Nhà nước sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc làm một ông chủ thật phải bỏ tiền ra mua cổ phần DN. Trong khi đó, tư thế của những “ông chủ giả” trong DN cũng không khác gì “ông chủ thật”.

“Đối với những ông chủ giả như chúng tôi thì trách nhiệm rất nhẹ nhàng, chỉ cần bảo toàn vốn thôi chứ không chịu áp lực về thu nhập, chi tiêu, làm sao để chia cổ tức, làm thể nào để trả lương, đảm bảo thu nhập người lao động….”, ông Nghị thành thực chia sẻ.

Trong khi đó, theo đánh giá của đại diện Tập đoàn Dệt may thì những quy định, yêu cầu về bảo toàn vốn tại DNNN đã rất lạc hậu. Theo đó, người quản lý DN chỉ cần không để xảy ra lỗ lớn, không “phá phách” thì vẫn tồn tại được. Chính sự an toàn này đã khiến các lãnh đạo DNNN không có động lực để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, biến mình trở thành một người “làm thuê”, chịu áp lực rất mệt mỏi mà đại hội đồng cổ đông đặt ra như chia cổ tức bao nhiêu phần trăm, tăng doanh thu, tăng lãi bao nhiêu…

Thế nên, với tư cách là một người đi trước, lãnh đạo của một tập đoàn đã cổ phần hóa, ông Trần Quang Nghị đề nghị “các ông chủ giả chúng ta hãy tích cực đẩy nhanh tiến độ như chủ trương mà Chính phủ đã đề ra”.

Với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, đại diện Tập đoàn Dệt may thẳng thắn chia sẻ rằng, để tạo áp lực để cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thì chỉ “hô hào thôi là chưa đủ”.

Theo đó, ông Nghị góp ý, Chính phủ cần những “đặc phái viên”, cử những con người cụ thể xuống DN làm cầu nối, nếu DN phản ánh bị trì trệ, vướng mắc ở đâu thì gỡ luôn ở đó. Theo ông, lực lượng nhân sự này không hề thiếu, có thể thuê theo thời vụ, làm “tai mắt” của Chính phủ để giải quyết nhưng vấn đề bức xúc gây ra trì trệ tiến trình cổ phần hóa…

Có nhà đầu tư chỉ mua doanh nghiệp chỉ để hưởng lợi thế

Ngoài ra, ông Trần Quang Nghị cũng cho rằng, trong bán vốn mục tiêu hiện đang đặt ra là bán được giá, ai bán giá cao nhất thì bán, tuy nhiên, nên sàng lọc để chọn được những nhà đầu tư tham gia bằng cả khối óc và trái tim, chứ không nên thu hút những nhà đầu tư mua cổ phiếu DN bằng những mục đích khác.

Bởi theo ông, trên thực tế đang có tình trạng, có nhà đầu tư mua DN chỉ để hưởng lợi thế, sau đó “đập đi xây lại” và không còn kinh doanh theo lĩnh vực, ngành nghề mà Chính phủ mong muốn. Vì vậy, cổ đông chiến lược của DN phải là người đi đường dài cùng DN, có tâm huyết, đồng cảm với người lao động và có trách nhiệm với đất nước.

Liên quan đến vấn đề nắm cổ phần chi phối DN sau khi cổ phần hóa, thoái vốn, ông Nghị cho biết, thực tế, nếu Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối thì các “ông chủ giả” vẫn yên vị đến khi về hưu, nhưng nếu không chi phối nữa thì nước ngoài tham gia và giúp DN hoạt động hiệu quả hơn.

Nếu Nhà nước vẫn chi phối thì mọi vấn đề, DN vẫn phải xin ý kiến chủ sở hữu, mà ông chủ thì nhiều việc bận quá. “Tôi đang lái một DN có thể chạy với tốc độ 90 km/h mà nay cứ chạy theo 50 km/h thì rất sốt ruột, nên đề nghị Chính phủ với tinh thần kiến tạo sẽ tạo điều kiện cho DN chạy với tốc độ nhanh hơn nữa”, ông Nghị chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng phản ánh, trong quá trình chuẩn bị thoái vốn, cổ phần hóa DNNN trên địa bàn, có một số công chức tâm tư, dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng muốn xin nghỉ luôn. Hiện Hà Nội đã xin ý kiến Bộ Nội vụ có chính sách đặc thù, đãi ngộ, tạo điều kiện cho những đối tượng công chức này được “nghỉ hưu non”.

Bích Diệp