Bán hàng Trung Quốc đội lốt: Khaisilk ồn ào rồi thôi, Mumuso chỉ phải nộp phạt?

(Dân trí) - Khaisilk từng gây ồn ào dư luận sau khi "lộ" thông tin bán khăn lụa nhập từ Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có mức xử phạt nào được đưa ra. Trong khi đó, thương hiệu tự gắn mác Hàn Quốc là Mumoso có thể chỉ bị xử phạt hành chính vì hành vi lừa dối người tiêu dùng tương tự.

Mumuso tự quảng cáo là chất lượng Hàn Quốc nhưng có tới hơn 99% là hàng Trung Quốc.
Mumuso tự quảng cáo là chất lượng Hàn Quốc nhưng có tới hơn 99% là hàng Trung Quốc.

Khaisilk lao đao vì “làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc"

Hồi cuối năm 2017, Tập đoàn Khaisilk rơi vào vòng xoáy giận dữ của dư luận sau khi một khách hàng phản ánh trên trang Facebook cá nhân về việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “made in China".

Trao đổi với báo chí sau đó, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk - người đã từng được lên trang bìa của Forbes Việt Nam (số tháng 12/2013) đã thừa nhận những sản phẩm trên là hàng nhập từ Trung Quốc. Ông này cúi đầu xin lỗi khách hàng và hứa bồi thường thiệt hại.

Ông chủ Khaisilk đã thừa nhận việc Khaisilk nhập khăn Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam từ giữa những năm 90 khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái cho tới khi người mua phát hiện chiếc khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk có tới 2 nhãn mác một là “Made in China” và một là “Made in Vietnam”.

Ngay sau đó, hàng loạt cơ quan như Cục thuế thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội vào cuộc điều tra doanh nghiệp này về việc làm giả nhãn mác, xuất xứ của hàng hoá.

Vụ việc như một "cú đấm" vào những người tiêu dùng yêu hàng Việt bởi mỗi chiếc khăn của Khaisilk luôn được bán với giá rất cao trên thị trường.

Tại thời điểm đó, người đứng đầu ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Khaisilk có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức doanh nghiệp. "Đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và cũng là tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Nhưng quan trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta", ông nói.

Văn phòng Chính phủ đầu năm 2018 có thông báo ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, về việc xử lý các vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức trong vụ Khaisilk. Tuy nhiên, tới thời điểm này vẫn chưa có thông tin mới về việc xử phạt này.

"Thương hiệu Hàn Quốc" bán hàng xuất xứ Trung Quốc

Thời gian gần đây, người tiêu dùng tiếp tục “xôn xao” về việc thương hiệu Mumuso tự quảng cáo là của Hàn Quốc nhưng bán tới 99,3% sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau khi tiến hành kiểm tra, Bộ Công Thương khẳng định, Mumuso Việt Nam đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Mặc dù có nhiều dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khi "treo đầu dê bán thịt chó" nhưng căn cứ vào quy định hiện hành, hành vi vi phạm của Mumuso Việt Nam được cho là chưa đến mức yêu cầu phải đóng cửa mà chỉ cần yêu cầu khắc phục các lỗi mắc phải và xử phạt hành chính.

Trong văn bản báo cáo nhanh kết quả kiểm tra Công ty Mumuso Việt Nam được đoàn kiểm tra thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng gửi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra đề xuất xử phạt hành chính đối với Mumuso. Mức xử phạt hành chính tối đa được xác định chỉ trên dưới 500 triệu đồng.

Trong đó, việc Mumuso nộp hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh, nhưng không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp có thể xử phạt 60-80 triệu đồng. Doanh nghiệp đã thành lập và hoạt động tại 14 cơ sở bán lẻ nhưng không làm thủ tục cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng.

Mumuso Việt Nam là mô hình kinh doanh giữa công ty và các cửa hàng đối tác nhưng chưa thực hiện báo cáo về hoạt động nhượng quyền thương mại tới Sở Công Thương có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng có thể bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.

Về cạnh tranh, doanh nghiệp quảng cáo có thể khiến khách hàng hiểu nhầm người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm liên quan đến Korea (Hàn Quốc) có thể bị phạt tiền 80-140 triệu đồng; hoạt động thương mại điện tử không đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có thể bị phạt 20-40 triệu đồng.

Ngoài ra, trong văn bản báo cáo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Cục Quản lý thị trường đề nghị Bộ trưởng giao Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức điều tra toàn diện Mumuso theo Luật Cạnh tranh.

Phương Dung

Bán hàng Trung Quốc đội lốt: Khaisilk ồn ào rồi thôi, Mumuso chỉ phải nộp phạt? - 2