60 địa phương, 21 bộ ngành "phớt lờ" lệnh Thủ tướng?

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ ngành, địa phương trước ngày 20/4 phải báo cáo tình hình giải quyết vướng mắc, kiến nghị doanh nghiệp song đến 22/4 mới chỉ có Lào Cai, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước và VCCI là đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Thủ tướng đích thân mời doanh nghiệp dự hội nghị

Như tin đã đưa, dự kiến Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 29/4 tới. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo tình hình giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo lĩnh vực phụ trách, trên địa bàn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/4, để tổng hợp, đồng gửi Văn phòng Chính phủ (VPCP).

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thông tin về sự kiện diễn ra sáng nay (22/4), ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng cho biết: Đến thời điểm hiện tại chỉ có 3 địa phương là Lào Cai, Quảng Nam, Thanh Hóa và Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đã gửi báo cáo. Như vậy, còn tới 60 địa phương và 21 bộ, cơ quan ngang bộ chưa báo cáo theo yêu cầu Thủ tướng.

"Cá nhân tôi cho rằng, nếu tôi ở địa vị họ, kể cả khi chưa chuẩn bị kịp thì vẫn cần báo cáo là chưa kịp" - ông Hà nhìn nhận.

Họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016
Họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016

Điểm đáng chú ý của hội nghị lần này, theo ông Hà đó là tinh thần "doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp FDI", coi đây là một bộ phận của doanh nghiệp Việt Nam, nhằm thể hiện sự đối xử bình đẳng và quan tâm của Chính phủ đối với tất cả các doanh nghiệp; Khẳng định vai trò của doanh nghiệp và kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển đất nước.

"Lần này, giấy mời là Thủ tướng đích thân mời chứ không phải là VPCP hay VCCI mời. Thủ tướng chỉ đạo giấy mời phải thân thiện và trân trọng, chứ không phải là tờ giấy A4 cứng nhắc mang tính triệu tập" - ông Hà chia sẻ.

Lãnh đạo VPCP cũng cho hay, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 được tổ chức với quy mô rất lớn, với khoảng 500 đại biểu tham dự, trực tuyến với 62 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, hội nghị sẽ do Thủ tướng chủ trì và có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo bộ ngành và các địa phương; các tổ chức, ủy ban thuộc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; khoảng 300 đại biểu là doanh nghiệp tại hội trường Thống Nhất, 50 đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các hiệp hội; 20 đại biểu từ các doanh nghiệp cổ phần hóa và 10 đại biểu từ các hợp tác xã...

Nội dung chính của hội nghị là đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng thể chế, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết các kiến nghị trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ yếu là giải quyết những vướng mắc ở khâu thực thi chính sách như khắc phục tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, cửa quyền, làm khó doanh nghiệp...

Dừng hình sự hóa chủ quán cà phê: Sự việc nhỏ, thông điệp lớn

Theo chương trình nghị sự, sau khi nghe báo cáo của VCCI và góp ý, hiến kế của các doanh nghiệp tham gia, đại diện các bộ ngành, ủy ban nhân dân tỉnh theo thẩm quyền của mình sẽ trả lời ngay tại hội nghị về những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ chứng kiến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và TPHCM ký cam kết với VCCI tạo điều kiện, môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Buổi chiều ngày 29/4, Thủ tướng sẽ tiếp tục họp với các địa phương để bàn về những vấn đề chưa được giải quyết trước và trong hội nghị. Ngay sau cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức họp báo để thông báo kết quả hội nghị.

Dự kiến, sau khi hội nghị diễn ra, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề và trình Chính phủ vào phiên họp thường kỳ tháng 4 (vào 5-6/5) để Chính phủ thảo luận và thông qua.

Còn theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, việc gặp doanh nghiệp là quyết định đầu tiên của Thủ tướng khi vừa lên nhậm chức, điều này chứng tỏ Thủ tướng quan tâm đặc biệt đến hỗ trợ doanh nghiệp.

Hơn nữa, theo ông Lộc, việc Thủ tướng chỉ đạo TPHCM dừng ngay việc hình sự hóa chủ quán cà phê mới đây là một minh chứng rõ cho điều này. Theo ông Lộc, đó là "sự việc nhỏ và có thông điệp lớn".

Theo đó, Thủ tướng mang lại thông điệp về tính an toàn của môi trường kinh doanh, rằng người dân và doanh nghiệp sẽ được Chính phủ và Nhà nước bảo vệ.

"Thông điệp này rất quan trọng vì môi trường kinh doanh không phải cần thuận lợi mà hơn thế còn phải an toàn. Sự an toàn của môi trường kinh doanh là yêu cầu đặt ra trong phát triển nền kinh tế" - ông Lộc nhìn nhận.

Ngoài ra, thời điểm diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngay sát những dịp kỷ niệm lớn, do đó, phải "thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa trong cải cách thể chế".

VCCI khuyến khích các doanh nghiệp cũng như người dân hiến kế, VCCI sẽ nhận và tổng hợp để gửi lên Thủ tướng. Việc hiến kế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho môi trường kinh doanh phải là công việc của cả cộng đồng, chứ không phải chỉ là công việc của mấy trăm đại biểu tham dự hội nghị ngày 29/4 sắp tới.

Bích Diệp

60 địa phương, 21 bộ ngành "phớt lờ" lệnh Thủ tướng? - 2