1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

500.000 tấn đường thẩm lậu vào Việt Nam bằng đường nào?

Với con số khổng lồ 500.000 tấn đường thẩm lậu vào Việt Nam, ngành thuế nhà nước ước tính sẽ thất thu trên 2.000 tỷ đồng. Để đối phó với nạn đường lậu, UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo cương quyết, nếu địa bàn nào xảy ra điểm nóng về buôn lậu mặt hàng đường thì người đứng đầu chính quyền địa phương ở đó phải chịu trách nhiệm.

Thuê cả sà lan vận chuyển đường lậu

Khi giá đường trong nước cao hơn so với giá đường ngoại, lập tức giới “đầu nậu” buôn lậu ráo riết vận chuyển hàng qua biên giới. Năm 2016 và nửa đầu năm 2017 được đánh giá là thời gian hoạt động buôn lậu diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới.

Đường không chỉ thẩm lậu qua biên giới tỉnh An Giang vào Việt Nam mà còn mở rộng ra các tỉnh miền Tây. Ở miền Trung, đường lậu vượt sông Sê Pôn (Quảng Trị) để “đột kích” qua của khẩu Lao Bảo. Một số cảng biển ở vùng phía Bắc còn có sự thâm nhập ồ ạt của đường lậu Trung Quốc với giá rẻ bèo.


Xe máy của dân buôn lậu chở đường qua biên giới

Xe máy của dân buôn lậu chở đường qua biên giới

Vùng đất biên giới An Giang được biết đến với các con sông kéo dài, tiếp giáp với đất Campuchia. Chính vì thế, các kho hàng lậu chứa đường gần các xã Khánh Bình (An Phú), Vĩnh Xương (Tân Châu), thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên - An Giang) luôn sẵn sàng di chuyển đi tiêu thụ.

“Đầu nậu” bỏ tiền thuê xe tải 40 tấn hay thậm chí cả sà lan trên 100 tấn, sau đó ngụy trang các bao đường để âm thầm vận chuyển. Nhằm tránh cơ quan chức năng bắt vụ lớn, một số “đầu nậu” chẻ hàng đưa qua ghe nhỏ, xe vận tải nhỏ dưới 6-7 tấn để tăng cường bủa hàng đi khắp nơi. Hầu hết, đường lậu đưa về thị trường lớn TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh miền Đông tiêu thụ.

Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, các xe tải nhỏ lợi dụng trời tối để đi phân phối đường cho các đại lý chủ yếu tại quận 5, quận 6, Bình Tân. Thường sau 12 giờ đêm, các xe tải vùng ngoại thành mới bắt đầu “đổ bộ” vào trung tâm để giao hàng, né bị phát hiện theo dõi.

Giá đường trong nước với đường Thái Lan chênh lệch nhau ít nhất từ 2.000 đồng/kg trở lên. Với hàng ngàn tấn đường lậu, “đầu nậu” sẽ bỏ túi khoản tiền lớn. Ông D. chủ một công ty mía đường Quảng Ngãi cho biết: “Một thời gian dài, công ty lao đao vì bọn buôn lậu dùng bao bì, nhãn hiệu của công ty để đóng gói. Mặc dù đã cho nhân viên đi cảnh báo, nhắc nhở nhưng các đại lý “ruột” vẫn lén lút mua đường lậu với giá rẻ để bán kiếm lời”.

Trước đây, khi đường lậu về, giới con buôn sẽ xé bao bì mang nhãn Thái Lan để bỏ vào bao trắng không nhãn hiệu. Tuy nhiên, được sự tiếp tay đắc lực của các “mắt xích” khác, bao bì nhái giả các đơn vị chế biến có tiếng như Minh Long, Thuận Thảo, Quốc Đại hay Giang Húa được dùng đóng gói. Khi đường lậu tràn ra thị trường, người tiêu dùng không biết làm thế nào để phân biệt thật giả lẫn lộn.

Người đứng đầu chính quyền chịu trách nhiệm

Đường lậu ồ ật thâm nhập TP.HCM làm thất thu ngân sách, chao đảo thị trường. Trước tình hình đó, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan như Cảnh sát kinh tế, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực cảng biển, cửa sông, bến bãi, tàu thuyền nhằm ngăn buôn lậu.

UBND TP yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để buôn lậu. UBND của 24 quận, huyện cần sớm phát hiện các hành vi vận chuyển, tạm trữ, kinh doanh mặt hàng đường nhập lậu. Nếu nơi nào để xảy ra điểm nóng về buôn lậu đường thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đây được xem là động thái mạnh mẽ, cứng rắn để ngăn chặn buôn lậu có hiệu quả.


Quản lý thị trường TP.HCM bắt một vụ vận chuyển đường lậu bằng xe tải lớn

Quản lý thị trường TP.HCM bắt một vụ vận chuyển đường lậu bằng xe tải lớn

Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, hiện nay mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh đường cát nhập lậu tăng gấp đôi so với trước. Nếu giá trị đường lậu trên 100 triệu đồng thì sẽ xử phạt 90 triệu đồng đối với cá nhân, 180 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, nếu có dấu hiệu buôn lậu (đưa hàng qua biên giới) thì sẽ chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để khởi tố.

Tuy nhiên, việc chứng minh đối tượng đưa hàng qua biên giới vào Việt Nam để cáo buộc tội buôn lậu là rất khó. Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, đại diện Cục Cảnh sát chống buôn lậu (C74 - Bộ Công an) cho biết, nhiều trường hợp trinh sát của Cục đeo bám đối tượng từ bên kia biên giới, sau đó dùng máy quay phim quay lại cảnhđưa hàng về nội địa. Khi đó mới có bằng chứng chắc chắn buộc đối tượng buôn lậu thừa nhận hành vi sai phạm.

Nhiều chuyên gia nhận định, hạn chế đường cát Thái Lan, Campuchia nhập lậu cần thực hiện đồng loạt các biện pháp, việc UBND TP đặt trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương sẽ phát huy tác dụng tích cực. Bởi địa phương là nơi hiểu rõ hoạt động buôn bán thị trường do mình quản lý.

Theo Thanh Tuấn
Dân Việt