30.000 tỷ đồng "đổ vào" 5 đại dự án "thua lỗ nặng nề, nguy cơ phá sản"
(Dân trí) - Trước tình trạng một số dự án, công trình quy mô lớn hàng nghìn tỷ đồng nhưng phải bỏ hoang hoặc thua lỗ nặng nề, đại biểu Tô Văn Tám nói, trong khi hàng triệu người dân đang nhọc nhằn mưu sinh, chỉ cần có thêm vài ba trăm ngàn đồng mỗi tháng là đã có cơ hội cải thiện cuộc sống, mới thấy sự lãng phí là quá lớn, quá khổng lồ!
Tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trong những tháng đầu năm và đề xuất, kiến nghị thực hiện những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dư luận đang hết sức quan tâm về một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, không tạo thêm việc làm, nộp ngân sách Nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước.
Cụ thể, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động.
Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động.
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai.
Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.
Sau khi tiếp nhận báo cáo, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhẩm tính, tổng giá trị đầu tư của những dự án này lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.
"Thử so sánh hàng ngàn tỷ đồng đầu tư lãng phí không hiệu quả trong khi hàng triệu người dân đang nhọc nhằn lao động mưu sinh hàng ngày, chỉ cần có thêm vài ba trăm ngàn đồng mỗi tháng là đã có cơ hội cải thiện cuộc sống mới thấy sự lãng phí là quá lớn, quá khổng lồ!", ông Tám chua xót nói.
Vị đại biểu cho rằng, qua rà soát, điều tra, phải chấn chỉnh lại quá trình đầu tư, lấp những lỗ hổng trong quá trình đầu tư. Đồng thời, ông Tám cho rằng, phải xác định rõ trách nhiệm pháp lý của quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư. Trách nhiệm của tập thể đến đâu, trách nhiệm cá nhân đến đâu, phải xác định rõ để từ đó xử lý thỏa đáng. Cử tri mong muốn và yêu cầu như vậy!
"Đầu tư không hiệu quả từ tiền thuế người dân đóng góp là có lỗi lớn với dân, làm suy giảm niềm tin của người dân", ông Tô Văn Tám nhìn nhận. Đồng thời, đưa ra đề nghị: "Thủ tướng cam kết xây dựng một Chính phủ là kiến tạo, hành động, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Và cử tri mong muốn Thủ tướng vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện kiểm tra, rà soát các chương trình đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả mà lâu nay dư luận hết sức quan tâm".
Trong khi đó, cũng đề cập đến hàng loạt dự án ngàn tỷ đồng bị bỏ dở, gây lãng phí nghiêm trọng, đại biểu Phan Văn Tường (Phú Thọ) cho rằng, nếu lãng phí là sản phẩm của cơ chế thì Chính phủ cũng phải đánh giá, nhận xét tình hình, đưa ra Quốc hội bàn, đồng thời khuyến khích báo chí và toàn dân tham gia phát hiện những tổ chức, cá nhân không tiết kiệm, lãng phí lớn để ngăn chặn.
Báo cáo của Chính phủ cần đầy đủ số liệu về lãng phí để từ đó Quốc hội xem lại những chính sách pháp luật đã thông qua. Trong các giải pháp của Chính phủ đề nghị phải bổ sung các giải pháp trong việc xác định trách nhiệm người đứng đầu - ông Tường góp ý.
Bích Diệp