Biến dạng BOT giao thông:

10 cơ quan quản lý 1 dự án BOT, sao vẫn đội vốn!?

(Dân trí) - "Quá trình đầu tư làm rất đúng, chuẩn theo quy trình, một quy trình rất phức tạp, nhiều cơ quan giám sát. Thế nhưng vẫn có dự án bị đội vốn, vậy vấn đề giám sát, công khai minh bạch đã chuẩn mực chưa?”

Đây là câu hỏi của T.S Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các dự án BOT giao thông” do Báo Giao thông tổ chức chiều ngày 2/6.

Theo ông Ánh: Có hai vấn đề trong quản lý các dự án BOT giao thông, đó là có hay không chuyện thất thoát và không minh bạch trong xây dựng, thu phí hoàn vốn.

“Hệ thống công khai giám sát hiện mới chỉ dừng ở 2 mối quan hệ là cơ quan quản lý Nhà nước - chủ đầu tư. Còn liên quan đến chủ thể thứ ba - người sử dụng dự án BOT, lại chưa được tiếp cận các thông tin minh bạch, công khai về dự án. Đối với người sử dụng và nộp phí BOT, nghi vấn tiêu cực của BOT, vị trí đặt trạm BOT đã hợp lý chưa là cái họ kêu nhiều nhất", ông Ánh nói.

10 cơ quan quản lý 1 dự án BOT

Tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi về quy trình cấp phép - quản lý dự án BOT, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng - Phó Trưởng ban PPP, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Quy trình từ chủ trương, triển khai xây dựng và vận hành dự án BOT đều được thực hiện chặt.


Trạm thu phí BOT đang gây nhiều ý kiến trái chiều về khoảng cách cho phép trong quy định và trên thực tế (ảnh Ngọc Thắng)

Trạm thu phí BOT đang gây nhiều ý kiến trái chiều về khoảng cách cho phép trong quy định và trên thực tế (ảnh Ngọc Thắng)

Trước tiên, dự án phải căn cứ quy hoạch kinh tế - xã hội các địa phương, tiếp đến phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Khi quyết định chủ trương đầu tư thì phải có đầy đủ các bộ ngành tham gia như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, chính quyền các tỉnh…

"Quá trình từ cấp phép tới xin ý kiến các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư đầy đủ thì sau đó Bộ GTVT sẽ chính thức cho phép tiến hành dự án. Như vậy rất là công khai và minh bạch. Thông thường, một dự án như vậy có sự tham gia của hơn 10 đầu mối cơ quan", ông Nguyễn Viết Huy nói.

Ông này khẳng định: Sau khi chọn xong nhà đầu tư, tổ liên ngành đại diện các bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền địa phương tiến hành đàm phán với nhà đầu tư về hợp đồng, tài chính, mức thu phí, thời gian hoàn vốn… Hợp đồng chỉ được ký kết khi dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trong thời gian qua, vấn đề được quan tâm lớn nhất chính là việc minh bạch thu phí giữa các liên danh chủ đầu tư dự án với nhau. Bởi tổng vốn đầu tư dự án sẽ tác động trực tiếp đến lãi vay ngân hàng, nếu tổng vốn đầu tư ít đi, công khai số vay bao nhiêu, lãi suất bao nhiêu thì sẽ biết được thời gian dự án thu phí bao nhiêu, mức thu phí ra sao. Tuy nhiên, hiện minh bạch vẫn là câu hỏi ngỏ cho các dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Hiện có 5 vấn đề cần minh bạch, cần quan tâm nhất, đó là chủ trương và quy mô thế nào. Thứ hai là lựa chọn nhà đầu tư ra sao. Thứ ba là phương án tài chính của dự án. Thứ tư là quá trình đầu tư xây dựng và thứ năm là thu phí hoàn vốn, chống thất thoát thế nào. Thời gian qua chúng ta có phần chưa thực sự quan tâm công khai những vấn đề này để người dân biết, nắm rõ để từ đó kiểm soát.

“Thời gian qua, Bộ GTVT đã áp dụng thu phí một dừng thông qua phần mềm có thể biết được có bao nhiều xe đi qua, thậm chí loại xe gì và thu bao nhiều tiền đều có thể kiểm soát được. Tới đây, Bộ GTVT đang triển khai thu phí không dừng, khi đó không có sự can thiệp của con người nên không thể thất thoát một xu nào khi xe qua trạm. Chúng tôi đang chỉ đạo đến năm 2020, tất cả các dự án BOT chuyển sang thu phí không dừng”, ông Trường khẳng khái nói.

Hầu hết trạm thu phí BOT… đều hợp lý!?

Về tính toán điểm đặt trạm BOT, ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Bộ GTVT đã có những tính toán hợp lý các trạm BOT để đảm bảo khoảng cách, mật độ các trạm thu phí được hợp lý nhất. Chúng tôi đã rà soát lại tất cả các trạm thu phí, hầu hết các trạm đều đảm bảo các tiêu chí đã đưa ra từ trước. Chỉ có một số trạm đặc thù vì thu cho hầm, hay các dự án gần nhau.

Trả lời câu hỏi tại sao thu phí đồng thời với nhau giữa các dự án BOT giao thông xây mới hoàn toàn và các dự án BOT chỉ cải tạo, nâng cấp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng: "Nhà đầu tư đầu tư vào dự án đều mong được hoàn vốn sớm nhất. Đầu tư hết bao tiền thì tôi phải hoàn vốn lại. Nâng cấp ít tiền hơn thì thời gian hoàn vốn ít hơn”.

Ông này khẳng định: “Đối với những dự án nâng cấp, nếu mức phí thấp hơn, thời gian thu phí dài hơn. Điều này còn phụ thuộc vào các ngân hàng cho vay, vì họ bao giờ cũng muốn rút ngắn thời gian hoàn vốn. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu theo hướng quy định, phí thấp nhưng kéo dài thời gian.

Còn theo ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính, các mức thu phí Bộ này duyệt dựa trên đề nghị của Bộ GTVT và có rà soát, thẩm định theo quy định về trần thu phí.

“Dự án làm mới hay tăng cường (thảm mặt đường) đều là hoạt động đầu tư được tính toán trên cơ sở phí đầu tư và lưu lượng… Bộ GTVT có trách nhiệm xây dựng kịch bản đàm phán thống nhất mức phí đối với chủ đầu tư. Theo quy trình, trên cơ sở Bộ GTVT với chủ đầu tư thống nhất xây dựng kịch bản thu phí, Bộ Tài chính sẽ ra quyết định mức phí với dự án. Tức là trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT cùng chủ đầu tư, Bộ Tài chính sẽ thẩm định lại và ra quyết định mức phí được thu”, ông Tuấn Anh nói.

Nguyễn Tuyền

10 cơ quan quản lý 1 dự án BOT, sao vẫn đội vốn!? - 2