“Thời đại 4.0, giáo dục Việt đang đâu đó ở giai đoạn… 2.0”
(Dân trí) - Nếu thử so sánh với tương quan của thời đại (hiện là cách mạng công nghiệp 4.0), trình độ phát triển giáo dục nước nhà đang chậm hẳn 2 giai đoạn. Điều đó đặt ra thách thức lớn cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam.
Đó là nhận định của GS.TS. Nguyễn Lộc (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) tại hội thảo "Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" do Học viện Quản lý Qiáo dục tổ chức ngày 15/11 ở Hà Nội. Tại đây, hơn 10 đoàn đại biểu đến từ Mỹ, Italia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Philipin, Lào đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Giáo dục nước nhà chậm 2 giai đoạn so với thời đại
GS.TS. Nguyễn Lộc (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho hay: Hiện đang có một số nghiên cứu bàn về việc phân chia các giai đoạn phát triển của giáo dục theo tiếp cận của thời đại công nghiệp 4.0. Một trong những mục đích của việc phân giai đoạn này nhằm xác định xem giáo dục của quốc gia mình đang ở giai đoạn nào, từ đó có thể đề ra những canh tân cần thiết để bắt kịp yêu cầu của CMCN 4.0.
Theo đó, Ong J.C.B đã tổng hợp và phân giáo dục làm 4 giai đoạn là Giáo dục 1.0, Giáo dục 2.0, Giáo dục 3.0, Giáo dục 4.0 trong các khoảng thời gian tương đương với các cuộc cách mạng công nghiệp; theo 8 đặc trưng của giáo dục: Trọng tâm, Chương trình giáo dục, Công nghệ, Trình độ kỹ thuật số, Giảng dạy, Trường học và Đầu ra.
“Nếu chỉ xét riêng một số đặc tính như chương trình, công nghệ, dạy học và trường học, ta thấy giáo dục Việt Nam đang chủ yếu tiếp cận chương trình theo đơn ngành và đa ngành, sử dụng công nghệ ở mức độ giấy và bút chì và máy tính và máy tính xách tay; dạy học chủ yếu là một chiều hoặc hai chiều; mô hình nhà trường là gạch, vữa và gạch kết hợp nhấp chuột.
Các phân tích trên có thể cho ta hình dung một cách hết sức sơ lược rằng giáo dục Việt Nam đang đâu đó ở giai đoạn Giáo dục 2.0”, GS.TS. Nguyễn Lộc nhận định. Do vậy, việc tiến tới Giáo dục 3.0 và Giáo dục 4.0 đặt ra nhiều thách thức lớn.
Trên thực tế đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của nước ta đã từng bước đạt chuẩn và bước đầu tiếp cận phương thức giáo dục, quản lý tiên tiến. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn đọng như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu: Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém, đội ngũ bất cập về số lượng, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tư duy về chỉ đạo giáo dục chậm đổi mới, vẫn nặng nề về chỉ đạo, quản lý theo hành chính, mệnh lệnh, cơ chế xin - cho, hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn về số lượng, trình độ chuyên môn phẩm chất đạo đức của cán bộ quản lý đã được xây dựng khá chi tiết nhưng ít có tác dụng…
Nhà quản lý giáo dục thời đại 4.0, cần phẩm chất gì?
Đại biểu Trần Đình Bình (ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN) nhấn mạnh, kỹ năng quản lý giáo dục ở thế kỉ 21 với 4 đặc điểm chính: toàn cầu hóa; quốc tế hóa; tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thông tin; kinh tế thị trường, kinh tế tri thức. Do đó, mỗi nhà trường phải xây dựng chuẩn cán bộ quản lý giáo dục, bồi dưỡng thường xuyên các kỹ năng và phẩm chất đạo đức mới bắt kịp xu hướng thời đại.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (Học viện Quản lý Giáo dục) quan điểm: “Nền giáo dục trong bối cảnh hiện đại cần được đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm và ưu tiên phát triển các phương tiện công nghệ hỗ trợ giảng dạy. Để thực hiện thành công sự đổi mới đó, những nhà quản lý giáo dục phải là những người tiên phong, phá bỏ mọi rào cản trong tư duy để lôi cuốn được sự tham gia của đông đảo các lực lượng trong xã hội”, bà Hạnh quan điểm.
Theo TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, nhà quản lý giáo dục thời nay phải phát triển năng lực quan trọng nhất - năng lực thích ứng (Adaptability Quotient - AQ).
“Để cải thiện AQ, nhà quản lý giáo dục cần nhận rõ điểm mạnh, yếu, nhu cầu giá trị của bản thân và môi trường tồn tại để học cách thích ứng, phải kiểm soát được cảm xúc của bản thân, chuyển các cảm xúc lo lắng thành tích cực; tạo sự thoải mái để sẵn sàng thích ứng điều mới; biết đồng cảm, chia sẻ với người khác trong tổ chức; phát triển khả năng giao tiếp, thuyết phục, xây dựng mối quan hệ để tạo sự kết nối và đồng thuận trong quá trình thay đổi nhằm thích nghi và phát triển”, TS. Hạnh chia sẻ.
Kỹ sư Ngô Thanh Hải (Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên) thẳng thắn: "Có thể nhận thấy, giáo dục việt Nam trong suốt quá trình phát triển và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao đang thiếu và yếu. Điều này đã và đang là hạn chế không nhỏ tới sự phát triển của ngành giáo dục để đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập sâu rộng”.
Theo ông Hải, những sự thay đổi của thời đại đòi hỏi cán bộ giáo dục phải được chuẩn bị chu đáo và thường xuyên về chuyên môn - nghiệp vụ quản lý chủ yếu thông qua đào tạo - bồi dưỡng. Họ phải được trang bị những kiến thức về lý luận quản lý hiện đại, nghiệp vụ quản lý thiết thực mang tính chuyên nghiệp, đặc biệt cần có các kỹ năng quản lý của thế kỷ 21: kỹ năng giáo tiếp và liên nhân cách; định hướng đạo đức và trí tuệ; kỹ năng quản lý sự thay đổi; khả năng khơi dậy và nuôi dưỡng động lực; có tầm nhìn chiến lược; kĩ năng phân tích và giải quyết vấn đề; kỹ năng xây dựng tư duy toàn cầu, dám nghĩ dám làm; nhạy bén với xu thế thị trường; sử dụng công nghệ thông tin; có năng lực đối ngoại...
GS.TS. Phạm Quang Trung và PGS.TS. Nguyễn Thành Vinh (Học viện Quản lý giáo dục) bàn về việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn khung năng lực hiệu trưởng, chủ tịch, chủ tịch hội đồng trường đại học trước yêu cầu đổi mới giáo dục đại học và cuộc CMCN 4.0.
Theo, GS.TS. Phạm Quang Trung, chuẩn khung năng lực là căn cứ quan trọng để các cấp quản lý đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả đội ngũ hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường. Đồng thời, là thước đo để họ tự phấn đấu, tự hòa thiện bản thân nhằm đạt chuẩn khung năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo và hội nhập sâu rộng.
Sử dụng công nghệ để giải quyết thức thức trong quản lý giáo dục
Phát biểu tại hội thảo, TS. Kim Kwang Kun và TS. Yoon Sung Yeon (Hàn Quốc) cho rằng, công nghệ chính là một công cụ để giải quyết thách thức trong quản lý giáo dục. Theo đó, khi chúng ta nói về giáo dục thời đại 4.0 là nói đến khả năng sử dụng dữ liệu để hướng tới bản chất của giáo dục thời đại 4.0 - giáo dục cá nhân hóa.
Nghĩa là giáo dục đó phải phù hợp với từng người học, cá nhân sinh viên, người lao động. Và cán bộ quản lý giáo dục phải am hiểu và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ mục tiêu giáo dục cá nhân hóa. “Chẳng hạn, với công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp cho sinh viên dịch vụ nhận thức bản thân, hỗ trợ xác định cho người trẻ vấn đề định hướng nghề nghiệp qua phân tích bằng công nghệ. Từ đó, tư vấn cho sinh viên biết họ phù hợp năng lực nghề nghiệp nào, cần phát triển năng lực nào…”, TS. Kim Kwang Kun chia sẻ.
Ngoài ra, hai chuyên gia Hàn Quốc cũng nhấn mạnh một số kỹ năng cần có của người cán bộ quản lý hiện đại: kỹ năng tạo dựng mối quan hệ, tự kiểm soát, hoàn thiện khắc phục; có động lực cá nhân và đạo đức minh bạch.
Liên quan đến vấn đề ứng dụng công nghệ, TS. Nguyễn Thị Thanh Thương (Khoa cơ bản - Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng: Việt Nam hiện nay có khoảng 1/3 dân số biết đến mạng xã hội Facebook và thường xuyên sử dụng, con số đang tăng trưởng mỗi ngày. Chính vì vậy, các trường đại học có thể tạo Facebook của trường mình, của các phòng, ban, khoa và sử dụng facebook của các cá nhân quản lý như một kênh hiệu quả để thiết lập diễn đàn trao đổi, cung cấp các chương trình học bắt kịp xu hướng phát triển cuộc CMCN 4.0, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đồng tình rằng, khả năng thích ứng, không ngừng tiếp thu điều mới vô cùng quan trọng với các nhà quản lý giáo dục thời đại 4.0.
GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Trường Đại học Giáo dục) dẫn lại câu nói của nhà bác học Charles Darwin Darwin: "Những giống loài tồn tại được không phải là những giống loài khỏe nhất hoặc thông minh nhất mà là những giống loài thích ứng với sự thay đổi tốt nhất".
Lệ Thu