An Giang:

Thầy giáo trẻ lấy tiền lương… nuôi học trò nghèo

(Dân trí) - Hơn 10 năm qua, thầy giáo Nguyễn Quốc Thắng (35 tuổi) bám trụ nơi “thâm sơn cùng cốc” dạy chữ cho học trò vùng Bảy Núi (huyện Tịnh Biên, An Giang). Riêng những học trò nghèo, thầy Thắng sẵn sàng lấy tiền lương mua sách, vở, quần, áo… giúp các em tiếp tục đến lớp.

Trò nghèo “níu chân” thầy giáo trẻ

Năm 2005, tốt nghiệp ngành Cao đẳng Sư phạm tiểu học (Trường ĐH An Giang), thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Thắng về công tác tại điểm lẻ trường Tiểu học “B” An Hảo (ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang). Điểm lẻ “B” An Hảo nằm giữa 2 ngọn núi (núi Dài và núi Cấm), xung quanh là rừng núi, không điện, nước sạch và trạm y tế.

Nhớ lại những ngày mới về trường, thầy Thắng cho biết: “Do trường nằm sâu trong rừng nên thầy trò đến trường thông qua những con đường mòn… Những hôm trời mưa chỉ biết xắn quần, lột dép đi, lần đá mà đi. Riêng giáo viên lên đây giảng dạy, BGH tận dụng văn phòng ấp làm nhà công vụ cho giáo viên. Nhưng lo nhất là “những vị khách” không mời mà đến, như rắn, rít… Có khi đang ngủ một con rắn từ trên nhà rớt xuống. Bởi vậy, khi đi ra khỏi nhà, dùng chanh bôi lên chăn, màn… đuổi rắn, rít. Nếu không sẽ phải “ăn ngủ” với những vị khách lạ này”.

Điểm lẻ trường tiểu học B An Hảo giữa núi Dài và núi Cấm. Hiện có khoảng 71 học sinh đang theo học
Điểm lẻ trường tiểu học "B" An Hảo giữa núi Dài và núi Cấm. Hiện có khoảng 71 học sinh đang theo học

Theo thầy Thắng cho biết, do xung quanh điểm trường là núi nên có mưa dông là bà con bị “oanh tạc” ghê lắm, vì mưa, gió không có đường ra. Thầy Thắng chia sẻ: “Cuộc sống ở đây những năm về trước khó khăn lắm, tuy nhiên mình khó một, bà con khó mười. Nhất là các em nhỏ gia đình nghèo, muốn học cái chữ, gian nan lắm. Cũng từ điều này, tôi quyết định ở lại và công tác tới nay”.

Mùa hè, các giáo viên khác về quê thăm gia đình, còn thầy Thắng vẫn ở lại trường dạy thêm, bổ sung kiến thức miễn phí cho các học sinh có học lực kém. Vừa qua vì muốn học trò mình có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, thầy Thắng tìm mua một chiếc tivi, về cho các em học tập bằng giáo án điện tử.

Hiện tại, nơi thầy Thắng sinh sống (cũng là nơi thầy đang công tác - PV) phải dùng điện năng lượng mặt trời. Riêng nước sinh hoạt, hoàn toàn phụ thuộc vào lượng “nước trời ban”, vì vẫn chưa có hệ thống nước sạch về tới điểm trường.

Trích lương... nuôi học trò nghèo

Qua tìm hiểu, trong khoảng thời gian 10 năm làm “nghề gõ đầu trẻ” tại trường tiểu học “B” An Hảo, thầy Thắng luôn cháy hết mình với nhiệm vụ dạy học và các công tác ngoại khóa. Đặc biệt, với học sinh nghèo, thầy Thắng dành nhiều thời gian tìm hiểu, động viên và dạy thêm miễn phí cho các em. Đáng nói, dù nguồn thu nhập chưa cao, thầy Thắng nhận nuôi 4 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Em Trần Quốc Chí - một trong 4 em học sinh được thầy Thắng nhận nuôi, cho biết: “Đầu năm học rồi hai anh em cháu được thầy Thắng nhận nuôi. Thầy mua sách vở cho tụi em đi học. Buổi trưa bọn cháu còn được ăn cơm với thầy và được thầy dạy bảo nhiều điều hay lắm”.

Thương học trò nghèo, thầy Nguyễn Quốc Thắng quyết định ở lại trường. Hiện nay, thầy trích lương của mình để nuôi 4 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thương học trò nghèo, thầy Nguyễn Quốc Thắng quyết định ở lại trường. Hiện nay, thầy trích lương của mình để nuôi 4 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Để lo cho “các con” của mình, thầy Thắng dậy sớm, tranh thủ mua đồ ăn chuẩn bị buổi ăn sáng và trưa. Hết giờ học buổi sáng thầy trò quây quần bên mâm cơm trưa tại phòng thầy Thắng. Ăn xong, thầy Thắng đưa các cháu qua lớp, trải chiếu cho các cháu ngủ. Buổi chiều tan học, các cháu về nhà. Hôm nào trời mưa, thầy Thắng lại dắt bọn trẻ về giao tận tay cho phụ huynh.

Ông Trần Quốc Khách - ông nội cháu Quốc Chí cho biết: “Cha mẹ tụi nhỏ không còn ở chung với nhau, bỏ hai anh em cháu Chí cho vợ chồng tôi nuôi. Mình già cả rồi làm gì ra tiền lo cho tụi nhỏ ăn học. Cũng may đầu năm học rồi, thầy Thắng đến chơi và biết cảnh khó của gia đình nên thầy nhận nuôi hai cháu. Thầy dẫn chúng nó đi mua tập vở, quần áo… Nhờ đó mà tụi nhỏ được tiếp tục đến trường.

Mỗi buổi sáng, thầy Thắng dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn cho các con của mình. Hết giờ học buổi sáng, thầy trò quây quần bên nhau trong buổi cơm trưa
Mỗi buổi sáng, thầy Thắng dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn cho "các con" của mình. Hết giờ học buổi sáng, thầy trò quây quần bên nhau trong buổi cơm trưa

Ông Trần Văn Dũng - Phó trưởng ấp Tà Lọt, cho biết: Đời sống bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, đầu năm học người dân chúng tôi lại thấy thầy Thắng cùng các thầy cô khác đến từng nhà các em có hoàn cảnh khó khăn, vận động ra lớp. Cũng từ những chuyến thực tế này, thầy nhận ra em nào có hoàn cảnh khó khăn quá là đi vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Còn em nào “khó khăn dài hạn” thì nhận cưu mang luôn.

Thầy Nguyễn Thành Trung - nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học “B” An Hảo, cho biết: “Thầy Thắng là một giáo viên trẻ tâm huyết với nghề, hết lòng với học sinh nghèo. Khi tôi còn làm hiệu trưởng tại trường đã nhiều lần đề bạt thầy Thắng làm Phó hiệu trưởng và đề xuất khen thưởng “Người tốt, việc tốt”… Nhưng thầy đều từ chối”.

Nói về những kỷ niệm nhớ nhất trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm. Thầy kể: “Từ ngày đặt chân về trường đến nay có nhiều điều đáng nhớ lắm, từ mớ rau, con cá đến đọt rau rừng… Tất cả các món quà đều xuất phát từ tấm chân tình của các phụ huynh miền sơn cước mang đến tặng cho mình. Tuy nhiên, món quà trong ngày 20/11 - năm đầu tiên tôi về trường là nhớ nhất. Hôm đó các em học sinh tặng tôi một bó bông trang thật to…Tôi nghĩ chắc phụ huynh có lời nhắc bảo vui: Thầy về đây dạy là tiêu rồi!”.

Nguyễn Hành