Sinh viên không tham gia BHYT là vi phạm pháp luật
(Dân trí) - Theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực từ năm 2010 thì học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia. Dù vậy, tùy trường có thông báo hoặc kiểm soát việc thu BHYT khá nghiêm và cũng có trường thì chỉ quan tâm đối với sinh viên năm nhất.
Thu bảo hiểm y tế, trường làm căng, trường “du di”
Mới đây, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) công bố danh sách sinh viên sẽ bị kỷ luật cảnh cáo vì không tham gia BHYT năm học 2015-2016. Phía nhà trường cũng cho biết “cực chẳng đã” mới kỷ luật sinh viên vì theo luật BHYT tất cả sinh viên, học sinh đều bắt buộc tham gia bảo hiểm và trước đó trường đã dành 3 tháng để sinh viên đóng bảo hiểm hoặc nộp bản sao thẻ BHYT do tham gia ở nơi khác.
Dù ra danh sách kỷ luật nhưng theo ông Văn Chí Nam, Trưởng phòng Công tác Sinh viên của trường thì “trường vẫn gia hạn thời gian để sinh viên phản hồi , điều chỉnh đến hạn cuối vào ngày 19/2. Nếu sinh viên không ý kiến hoặc cố tình không đóng bảo hiểm thì nhà trường mới chính thức có quyết định kỷ luật”.
Thực tế không phải chỉ có trường ĐH Khoa học tự nhiên mới thực hiện nghiêm việc thu BHYT trong sinh viên. Trước đó, ở trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) còn ban hành quy định y tế học đường trong đó nêu rõ “nếu sinh viên không tham gia BHYT sẽ tạm dừng học 1 học kỳ kế tiếp”. Có lẽ vì quy định khá gắt gao như thế nên các sinh viên tuân thủ việc đóng bảo hiểm khá tốt.
Các trường như ĐH Giao thông Vận tải , ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng…cũng có thông báo rằng sinh viên không tham gia BHYT sẽ bị nhà trường trừ điểm đánh giá rèn luyện trong năm học theo quy định. Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Công tác sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng thì nhà trường thực hiện thu BHYT bắt buộc theo đúng quy định. Điều đáng mừng là sinh viên trong trường đóng bảo hiểm đầy đủ nên không xảy ra trường hợp nào bị nhắc nhở hoặc thậm chí phải trừ điểm rèn luyện.
Còn đại diện trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thì cho biết thống kê toàn trường số lượng sinh viên không đóng BHYT chiếm tỉ lệ không nhiều. Cách xử lý đối với những sinh viên này chỉ là trừ điểm rèn luyện.
Trong khi đó, ở trường ĐH Công nghệ TP.HCM vấn đề thu bảo hiểm chỉ bắt buộc đối với các sinh viên năm 1 khi phải làm thủ tục nhập học. Còn đối với sinh viên từ năm 2 trở đi thì nhà trường sẽ thông báo hỗ trợ sinh viên mua bảo hiểm các năm tiếp theo, nếu sinh viên không đăng ký mua bảo hiểm qua trường thì các em có thể đăng ký mua qua địa phương hoặc nơi làm thêm. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh – Truyền thông trường ĐH Công nghệ TP.HCM thì “Hiện nay ở các địa phương cũng có hoạt động rà soát việc mua BHYT, bên cạnh đó các sinh viên nhiều em học giữa chừng lại bảo lưu sang năm khác học nên trường không thể bắt đóng BHYT trước. Do đó trường không thể đưa ra kỷ luật nếu sinh viên không tham gia”.
Tương tự, ở trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng chỉ kiểm soát việc đóng BHYT đối với những sinh viên mới nhập học vào trường năm 1.
Trường không đủ chỉ tiêu sẽ bị xử lý
Trước vấn đề trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội, TPHCM. Ông Sang khẳng định, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên nói riêng và các đối tượng khác nói chung chiếu theo Luật Bảo hiểm Y tế hiện nay là bắt buộc, không còn khái niệm tự nguyện. Do đó, học sinh, sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế sẽ bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Chỉ tiêu bảo hiểm y tế được thành phố đặt ra cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên là 100%. Những trường không thực hiện đủ chỉ tiêu thì sẽ bị Bộ GD-ĐT hoặc Sở GD-ĐT xử lý, hình thức xử lý như thế nào đối với các trường là do ngành giáo dục quyết định. Vì vậy, hình thức xử lý kỷ luật hạ điểm rèn luyện, cảnh cáo hay những vấn đề có liên quan là việc nội bộ của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, để tránh những căng thẳng không cần thiết có thể xảy ra giữa nhà trường và học sinh, sinh viên ông Sang khuyến cáo các trường cần tổ chức tư vấn kỹ lưỡng về Luật Bảo hiểm Y tế để học sinh, sinh viên nắm rõ và thực hiện theo đúng các quy định. Học sinh, sinh viên cũng cần tìm hiểu và nắm bắt tinh thần chung của Luật Bảo hiểm Y tế để có thái độ tích cực và hợp tác. Bên cạnh trách nhiệm và nghĩa vụ thì tham gia bảo hiểm y tế sẽ mang lại rất nhiều quyền lợi cho các em và gia đình khi chẳng may đau ốm.
Lê Phương – Vân Sơn