Quay cuồng với học thêm, trò quen “bám” vào thầy

(Dân trí) - Các nhà giáo dục, quản lý của TPHCM tiếp tục trao đổi về vấn đề dạy thêm học thêm trong buổi đối thoại “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM tổ chức ngày 11/9.

Từ học thêm đến học…. bám!

Nói về việc dạy - học thêm tràn lan như hiện nay, TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay tình trạng nay đang gây hậu quả xấu cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Học ở trường, học ở ngoài, học đến nỗi không có thời gian để ăn ngủ làm mất đi tuổi thơ. Việc học như là khổ sai nên dần dần các em sợ việc học học, ngại tự học chứ không xem học tập là một niềm vui nên không thể duy trì khả năng học tập trong thời gian dài.

Ông Hồ Thiệu Hùng: Học sinh đi học đến mức không có thời gian để ăn và ngủ (Ảnh: Hoài Nam)
Ông Hồ Thiệu Hùng: Học sinh đi học đến mức không có thời gian để ăn và ngủ (Ảnh: Hoài Nam)

Theo ông Hùng, học sinh quen dựa dẫm thì sẽ “bám” vào giáo viên, thì vào đại học hay học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ gì cũng “bám”. Nguy hiểm vô cùng vì muốn xây dựng xã hội học tập thì người học phải biết tự học là chính.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TPHCM cho có học sinh có nhu cầu và em không có nhu cầu học thêm đó là điều bình thường. Có sự bức xúc vì chúng ra có trường hợp “biến” học sinh không có nhu cầu thành có nhu cầu.

Việc khuyến khích các em tự học là rất tốt nhưng thực tế là lại không đáp ứng được chương trình sách giáo khoa và thi cử nặng nề như hiện nay. Trong khi phần lớn học sinh và phụ huynh đều mong muốn học để vào ĐH, CĐ. Việc đề thi ngày càng phân hóa cao thì các em lại phải đi học thêm.

Từ nhỏ đã đi học thêm làm trẻ thấy việc học như là cực hình dẫn đến sợ học về lâu dài (Ảnh: Hoài Nam)
Từ nhỏ đã đi học thêm làm trẻ thấy việc học như là cực hình dẫn đến sợ học về lâu dài (Ảnh: Hoài Nam)

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, dạy thêm học thêm là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng” của thành phố. Phụ huynh bức xúc thì vì có tình trạng một số giáo viên cố tính o ép học sinh hoặc đối xử không công bằng, giáo viên ở bậc trung học vẫn nắm trong tay “quyền” về bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút. Tuy nhiên, nhu cầu học thêm ở bậc trung học thì còn vì chương trình học nặng, đề thi phân hóa cao, nếu không học thêm thì các em khó có thể làm tốt bài thi.

Tăng cường tính tự học và học hai buổi/ngày

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, dạy học thêm tràn lan đang mang đến hậu quả rất xấu khi người dạy xuất phát từ lợi ích kinh tế còn học sinh đi học thêm khi không có nhu cầu. Chưa kể, nó còn dẫn đến hậu quả người học và cả phụ huynh ỷ lại vào giáo viên, nhà trường trong việc học tập của con trẻ.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ học thêm làm hình thành tâm lý ỷ lại cho học sinh và cả phụ huynh (Ảnh: Hoài Nam)
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ học thêm làm hình thành tâm lý ỷ lại cho học sinh và cả phụ huynh (Ảnh: Hoài Nam)

Theo TS Hồ Thiệu Hùng, cần nhìn thẳng vào đồng lương của nhà giáo. Có thể nói ở bậc tiểu học dạy thêm chủ yếu vì thu nhập. Chúng ta có thể tuyệt đối cấm dạy thêm học thêm, nhà trường có trách nhiệm phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi. Hay đưa hẳn dạy thêm học thêm ra ngoài trung tâm ngoài nhà trường và giáo viên dạy trường không thì không được tham gia dạy thêm. Nhưng để làm được điều này thì không thể “bỏ qua” việc đảm bảo thu nhập cho nhà giáo.

Sĩ số đông, chương trình học nặng trở thành một gánh nặng trên lớp cho thầy vào trò. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa, Xã hội HĐND TPHCM cho hay cần tăng cường nhiều hơn số trường học 2 buổi, phân cấp khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường nhiều hơn nữa. Đồng thời phải đổi mới và đồng bộ chương trình, giáo án cũng như cách đánh giá thi cử.

GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ, chúng ta không thể phủ nhận hiện tại các em học sinh đi học thêm còn để ứng phó với chương trình học mà giờ chính khóa chưa đáp ứng được. Như vậy, phải “xử lý” chương trình, còn không trên lớp thầy và trò vẫn coi trọng kiến thức mà không tập trung và kỹ năng. Trong khi đây mới là yếu tố quan trọng để các em có phương pháp và kỹ năng tự học.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để cải thiện sĩ số học sinh, tăng cường trường học 2 buổi, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục… Hơn nữa, thành phố cũng sẽ bắt tay vào thực hiện xây dựng bộ sách giáo khoa phù hợp với đặc thù của địa bàn, trong đó chú trọng đến việc giảm tải, chú trọng đến thực hành, kỹ năng cho học sinh.

Còn thực tế giữa “bộn bề” của học thêm dạy thêm như hiện nay, có những mặt trái và có cả việc xuất từ học nhu cầu, từ mong muốn nâng cao việc học thì các đại biểu có chung ý kiến, không dễ để có “lời giải” nào để tìm được một sự đồng thuận hoàn toàn vì nhu cầu của mỗi người khác nhau. Nên chắc chắn những quyết định liên quan đến dạy thêm học thêm khó tránh các ý kiến trái chiều.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)