Phụ huynh lo canh cánh tiền đóng góp đầu năm học mới

Nhiều bậc phụ huynh lại canh cánh một nỗi lo đóng các khoản tiền, lạm thu… trong khi điều kiện, hoàn cảnh nhiều gia đình rất khó khăn.

Bước vào năm học mới, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, ở Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh tất bật lo chuyện mua sắm từ sách vở, dụng cụ học tập đến quần áo… để các con đến trường được tươm tất. Nhưng điều chị Nga trăn trở mỗi đầu năm học là các khoản phí phải nộp, nhất là học phí cho con.

Chị Nga cho biết, hai con chị một cháu lớp 3 một cháu đã lên lớp 9, bình quân mỗi cháu đóng trên 10 khoản thu các loại cho nhà trường, cả tiền bảo hiểm y tế, thân thể do nhà trường thu hộ. Các khoản thu đầu năm học thường được nhà trường phân loại thành các khoản bắt buộc, thỏa thuận, tự nguyện. Tự nguyện nhưng không đóng cũng không được, vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con cái…

Để con được đến trường, nhiều phụ huynh phải chạy vạy lo tiền đóng đầu năm (Ảnh minh họa)
Để con được đến trường, nhiều phụ huynh phải chạy vạy lo tiền đóng đầu năm (Ảnh minh họa)

Còn chị Nguyễn Thị Thủy, nhà ở quận Thủ Đức thì cho biết: Gia đình chỉ có 1 cháu học lớp 3, nhưng cứ đến đầu năm học thì hai vợ chồng chị lại sốt sắng chuyện tiền học, tiền bán trú cho con. Do đều là công nhân, anh chị đành phải gửi con học ở trường theo lịch bán trú, sáng đưa đi tối đón về, nên học phí cũng tương đối cao đối với đồng lương của anh chị.

Đầu năm học này, dù nhà trường chưa thông báo là đóng bao nhiêu tiền, nhưng chị Thủy cũng như những phụ huynh khác đã phải tạm ứng cho mỗi cháu riêng tiền ăn hơn 500.000 đồng/tháng. Trong khi đó, hàng năm mỗi tháng tiền bán trú của con là gần 1 triệu đồng/tháng.

Về nguyên tắc, các khoản học phí của nhà trường đều phải được công khai, minh bạch trước mỗi năm học, tránh để phụ huynh hiểu nhầm là những khoản phát sinh. Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nhân Việt, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do là trường tư thục nên luôn phải công bố với phụ huynh thông tin về các khoản đóng đầu năm.

Hiện nhà trường có 3 chế độ học, đó là học nội trú, bán trú và học hai buổi. Vì vậy tùy từng đối tượng học sinh mà có mức học phí khác nhau.

Nhiều sinh viên và phụ huynh cũng phản ánh học phí bậc đại học, cao đẳng năm nay tăng cao hơn những năm trước. Theo lý giải của một số trường thì năm nay có một số trường tự chủ, ngân sách không còn nữa nên các trường phải cân đối bằng nguồn thu từ học phí, tạo sự cân đối giữa thu và chi ở các trường.

Các khoản đóng, nhất là học phí cho học sinh bậc đại học, cao đẳng hiện nay đều được dùng đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết đạo tạo với nước ngoài.... Nhiều trường cũng dành 10% tiền học phí thu được để chi học bổng cho sinh viên.

Ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Mở, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: học phí của trường Đại học Mở tính trung bình là 15 triệu đồng/ năm, cao hơn năm trước từ 2 – 3 triệu đồng nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo.

“Trước đây học phí thấp hơn thì mỗi lớp có sĩ số từ 100- 150 sinh viên, thầy cô vào giảng chỉ đứng nói rồi một hai bạn sinh viên phát biểu, chứ không phát huy được tính tự học, tự sáng tạo của sinh viên. Do đó theo tôi, học phí tăng để đảm bảo đủ nguồn chi cho nhà trường nhưng thông qua đó các trường nâng cao chất lượng đào tạo” – ông Nguyễn Minh Hà nói.

Năm học mới, bên cạnh kỳ vọng về quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, vẫn còn đó nỗi lo của phụ huynh về lạm thu, nỗi lo chất lượng giáo dục. Vì vậy, phụ huynh mong muốn tất cả các khoản thu phải thật rõ ràng và được sử dụng hiệu quả.

Theo Ngọc Luân

VOV