“Nữ sinh mặc áo dài đến trường sẽ được vô số thứ”
(Dân trí) - Khi biết Sở GD-ĐT TPHCM đưa việc mặc áo dài trong trường học thành quy định “cứng”, nhiều giáo viên không khỏi vui mừng. Cùng với quy định này, giáo viên sẽ dạy các em về văn hóa dân tộc cũng như giáo dục về ý thức bản thân bằng những hành động cụ thể.
Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục đưa ra quy định nữ sinh các trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn bắt buộc mặc áo dài vào thứ 2. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng khuyến khích các trường vận động, bố trí để nữ sinh mặc áo dài đến trường 2 ngày/tuần.
Cô Đoàn Thị Liệp, cựu giáo viên Văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức - người nổi tiếng với hàng trăm bộ áo dài được thiết kế từ các tác phẩm văn học - chia sẻ nữ sinh mặc áo dài đến trường “được” vô số thứ.
Trước hết, khi khoác trên mình bộ áo dài, các em tự động chú ý hơn đến cách đi đứng, nói năng, giúp học sinh nữ tính hơn. Ngoài ra, áo dài là đặc trưng riêng của người Việt, đây chính là việc gìn giữ hồn Việt, văn hóa người Việt chứ không phải điều gì cao xa.
Đối với giáo viên dạy Văn, điều này càng có giá trị giáo dục, truyền tải cảm xúc rất lớn. Suốt ngày chúng ta dạy cái này cái nọ, kêu gọi các em giữ truyền thống văn hóa, vậy mà ngay những cái hiện hữu, cái trước mắt, ý nghĩa còn không thực hiện thì làm sao nói cho các em, nói cho các em cảm, các em hiểu.
“Với nữ sinh, dáng dấp rất quan trọng. Khi mặc áo dài, chiếc áo sẽ báo hiệu về tình trạng cơ thể mình. Nếu mình giảm cân hay tăng cân, chiếc áo sẽ lên tiếng ngay để chúng ta kịp điều chỉnh”, cô Liệp nói thêm.
Theo cô Liệp, quy định mỗi tuần mặc vào thứ 2 và khuyến khích mặc 2 ngày/tuần không nhiều nhưng trước mắt có thể thực hiện từ từ như vậy. Sau đó có thể mặc 3 buổi tuần và tiến tới mặc hết các ngày trong tuần.
Chia sẻ cảm xúc về việc nữ sinh sẽ mặc áo dài đến trường, cô Lê Ngọc Hân, Trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) cho hay, cô rất hạnh phúc với cảm xúc khó diễn ra khi nhìn thấy các em mặc áo dài. Nhìn các em rất đẹp, rất duyên dáng và ý tứ hơn nhiều. Là giáo viên, cô cũng thấy mình đẹp hơn, duyên dáng hơn khi mặc áo dài.
Cô Hân cho rằng, đối với giáo viên, mặc áo dài rèn cho người thầy sự nề nếp, nhẫn nại, chỉn chu trước học trò, về sự nữ tính với mọi người xung quanh. Với các em tuổi học trò rất hiếu động, tinh nghịch thì việc mặc áo dài, theo cô Hân cũng sẽ góp phần giúp các em nề nếp, cẩn thận hơn cũng như biết giữ gìn giữ bản thân, con người mình trước nhiều cám dỗ.
Giảng viên Đặng Thị Mỹ Dung (diễn viên Midu) kể, rất nhiều bạn bè là người nước ngoài của cô khi đến Việt Nam đều ấn tượng và ngưỡng mộ tà áo dài. Nhiều người đi trên đường phố, đúng lúc tan trường, thấy các bạn nữ sinh mặc áo dài trắng đều phải thốt lên ngỡ ngàng: “Đây thật sự là đồng phục nữ sinh Việt Nam ư? Quá đẹp!”.
Hoài Nam