Lần đầu tiên một đại học Việt Nam trao giải vinh danh các nhà khoa học toàn cầu

(Dân trí) - Ngày 19/1, ba nhà khoa học nước ngoài và một nhà khoa học Việt Nam đã được vinh danh tại Giải thưởng Khoa học Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU Prize). Đây là giải thưởng đầu tiên tại Việt Nam dành cho các nhà khoa học trên toàn cầu.

Đây là các nhà khoa học xuất sắc vượt qua 62 ứng viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Philippines, Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Pháp, Ý, Israel, Nga, Bỉ, Indonesia, Nhật, Đài Loan, Malaysia, Hồng Kông... để nhận giải với tổng trị giá 17.000 USD.

Giải thưởng Thành tựu trọn đời (trị giá 5.000 USD/người) được trao cho Giáo sư Edward A. McBean (ĐH Guelph - Canada) và Giáo sư Nguyễn Thời Trung (Trường ĐH Tôn Đức Thắng). Giáo sư Stephanie Kwai - Yee Ma (ĐH Hồng Kông) được trao giải thưởng Ngôi sao đang lên (trị giá 4.000 USD). Giáo sư Leo Choe Peng (ĐH Sains Malaysia) được ban tổ chức trao giải thưởng Phụ nữ nghiên cứu khoa học (trị giá 3.000 USD).

Bốn nhà khoa học toàn cầu được trao giải Giải thưởng Khoa học Đại học Tôn Đức Thắng
Bốn nhà khoa học toàn cầu được trao giải Giải thưởng Khoa học Đại học Tôn Đức Thắng

Được biết, GS Edward A. McBean là chuyên gia về nước với gần 250 công trình khoa học được công bố trên các tập san quốc tế trong Cơ sở dữ liệu Scopus của Hà Lan. Trong khi đó, GS Nguyễn Thời Trung hiện là Viện trưởng Viện Khoa học tính toán của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tính đến nay, là người có 100 công trình nghiên cứu trên các tập chí khoa học uy tín cao được liệt kê trong cơ sở dữ liệu ISI của Hoa Kỳ, có đến 4.176 trích dẫn khoa học với chỉ số H (Hirsch) là 35, tương đương 59 trong Vật lý.

GS Stephanie Kwai - Yee Ma được vinh danh với thành tích đã công bố được 47 công trình nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu đã thu hút được hơn 3357 trích dẫn, với chỉ số H là 28 theo Scopus. Bà Ma cũng đã từng được trao nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư

Còn GS Leo Choe Peng, đến từ trường Đại học Sains Malaysia và là chuyên gia về Môi trường học. Tính từ năm 2006 đến này, nữ GS này đã công bố gần 70 công trình nghiên cứu khoa học được liệt kê trong Cơ sở dữ liệu Scopus, với khoảng 50% là tác giả chính. Các công trình đã thu hút hơn 963 trích dẫn, với chỉ số H là 16 theo Scopus.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng TDTU Prize chia sẻ về các tiêu chí bình chọn trao giải
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng TDTU Prize chia sẻ về các tiêu chí bình chọn trao giải

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Trường Đại học New South Wales, Úc - Chủ tịch Hội đồng giải thưởng TDTU Prize chia sẻ rằng các nhà khoa học được trao giải là những nhà khoa học uy tín, có nhiều công bố khoa học quốc tế và có chỉ số trích dẫn rất cao. Những nhà khoa học đoạt giải đều đạt 4 yêu cầu đó là năng suất và chất lượng công trình khoa học, mức độ ảnh hưởng trong ngành, ảnh hưởng tới quốc tế, xã hội và được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Giải thưởng còn là một trong những nỗ lực để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường khoa học quốc tế.

Phát động từ tháng 6 đến tháng 9/2017, TDTU Prize năm 2017 đã nhận được 62 hồ sơ từ các ứng viên là những nhà khoa học từ các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hội đồng thẩm định của Giải thưởng gồm các nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước, dưới sự chủ trì của GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan và ĐH New South Wales - Úc). Và các thành viên gồm: GS Timon Rabczuk, Chủ nhiệm Bộ môn cơ học tính toán, ĐH Bauhaus Weimar, Đức; GS Martin Hayden, Giáo sư giáo dục, ĐH Southern Cross, Úc; GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; TS Lê Văn Út, Trưởng Phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ & Giám đốc Quỹ phát triển khoa khọc công nghệ, trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Ban tổ chức xét duyệt dựa trên 3 tiêu chí quan trọng: Năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học (thể hiện qua số công trình công bố quốc tế, tác động của tập san khoa học, vai trò và đóng góp của tác giả trong các công trình nghiên cứu đã công bố); Tầm quan trọng và cách tân trong nghiên cứu khoa học (thể hiện qua phương pháp, đánh giá của chuyên gia và kết quả triển khai trong thực tế); Tầm ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học (được đánh giá qua các chỉ số trắc lượng khoa học như: tần số trích dẫn, vai trò lãnh đạo trong các hội nghị và xã hội).

Lê Phương

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm