Bạn đọc viết:
Không “bày binh bố trận” kéo điểm số, giáo viên khó mà yên thân!
(Dân trí) - Sự giả dối nào cũng có cái giá rất đắt, sự giả dối trong giáo dục lại càng nguy hiểm. Dẫu biết vậy, giáo viên có thể không “bày binh bố trận” kéo điểm học trò được không? Xin thưa là không! Bởi người thầy khó mà được yên thân!
Đọc hai bài viết của tác giả Hoài Nam đăng trên báo Dân trí “Chống bệnh thành tích chỉ là hô hào?" và “Giáo viên “bày binh bố trận” kéo điểm học trò", một số người có thể kinh ngạc nhưng ai là người trong nghề mới thấm thía nỗi khổ và cái khó của giáo viên.
Đúng là người thầy có muôn kiểu “bày binh bố trận”, nào là cho học sinh học tủ, nào là coi thi theo kiểu “nhắm mắt làm ngơ” mặc trò quay cóp, hỏi han nhau, nào là bố trí “đôi bạn cùng tiến” xếp em học khá kèm cặp em yếu, thậm chí bỏ nhỏ “cho bạn xem bài tí”…
Lòng người thầy có đau xót vì sự giả dối ấy không? Tôi xin khẳng định là rất đau. Trực tiếp đứng lớp giảng dạy học sinh, em nào yếu, em nào giỏi, em nào chăm, em nào lười, em nào chuyên cần, em nào bỏ học thường xuyên thì giáo viên nắm rõ trong lòng bàn tay. Nhưng như một quy luật bất thành văn, em nào cũng buộc đủ điểm lên lớp, đủ chỉ tiêu chất lượng khá giỏi…
Điểm số trong tay giáo viên, “quyền sinh sát” cũng trong tay giáo viên. Lý trí xác định rõ không thể đạt được chất lượng như thế nhưng phải biến không thành có, biến giả thành thật. Lòng người thầy trăn trở vô cùng.
Sự giả dối nào cũng có cái giá rất đắt, sự giả dối trong giáo dục lại càng nguy hiểm. Nó như một cơn sóng ngầm đảo lộn các giá trị thật - giả, cuốn băng mọi tiêu chuẩn tốt đẹp của thành tích, thi đua, điểm số và làm “sứt mẻ” đạo đức nhà giáo.
Dẫu biết vậy, giáo viên có thể không “bày binh bố trận” kéo điểm học trò được không? Xin thưa là không! Bởi người thầy khó mà được yên thân!
Đầu năm học, giáo viên nào cũng phải đăng ký chỉ tiêu: chỉ tiêu số lượng, chất lượng hai mặt hạnh kiểm và học lực, tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng, tỉ lệ tham gia các loại hình bảo hiểm… Bao nhiêu con số là bấy nhiêu mục tiêu “phải đạt”, “nhất định đạt”, “đạt bằng mọi giá”!
Buồn cười là chẳng cần xét đến năng lực học sinh mỗi năm mỗi khác, chẳng cần căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, mỗi trường học và mỗi lớp học, chỉ tiêu lại được áp một “cái khuôn” chung cho tất cả các giáo viên. Vì thế, dẫu trường học ở đồng bằng hay miền núi trong cùng một đơn vị phòng giáo dục cũng đều phải đăng ký như nhau.
Giáo viên được “tự nguyện” đăng ký chỉ tiêu chỉ là câu khẩu hiệu hô hào, bởi chỉ tiêu được ấn định từ trên xuống. Cá nhân giáo viên đăng ký dựa trên kế hoạch chất lượng chung của trường, trường xây dựng kế hoạch chỉ tiêu căn cứ vào chỉ tiêu của phòng.
Và nguyên lý bất di bất dịch là “chất lượng năm sau phải bằng hoặc cao hơn năm trước”. Vậy nên mấy con số chỉ tiêu cứ ngày càng cao chót vót, tiến đều theo từng năm.
Chỉ tiêu, xét về bản chất vốn là động lực phát triển của mỗi người trong thi đua. Nó cũng là cơ sở đánh giá năng lực, sự cố gắng của mỗi người. Vậy nhưng, những con số chỉ tiêu trong giáo dục lại như cái gông kẹp chặt người thầy vào thành tích.
Nếu không đạt chỉ tiêu, trừ điểm thi đua! Nếu không đạt chỉ tiêu, hạ bậc danh hiệu thi đua! Nếu không đạt chỉ tiêu, phải giải trình lý do không đạt, tìm giải pháp và ngầm “tuyên thệ” sang học kỳ khác, năm học sau phải đạt!
Người thầy còn giải pháp nào khác là kéo điểm, nâng điểm, sửa điểm? Giả dụ có muốn lòng thảnh thơi chẳng vướng bận chuyện điểm số ảo thì cũng chẳng yên thân với tổ chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường. Rồi đến phiên đại diện nhà trường lại chẳng “yên thân” với cán bộ sở, phòng trong các cuộc họp tổng kết đánh giá. Vậy là mọi thứ cứ quay vòng vòng và bệnh thành tích cứ chống mãi cũng chỉ là… hô hào!
Bộ GD&ĐT vừa có công văn nhắc nhở, chấn chỉnh, “làm mới” cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, các sở giáo dục địa phương cũng ra công văn yêu cầu thực iện nghiêm túc.
Nhưng mọi thứ vẫn chỉ là giấc mộng đẹp của giáo dục nếu chỉ tiêu còn tồn tại, áp đặt chỉ tiêu từ trên xuống và lấy chỉ tiêu làm căn cứ đánh giá thi đua!
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!