Chống thành tích chỉ là hô hào?

(Dân trí) - Một mặt ngành Giáo dục yêu cầu dạy học thực chất, tránh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Nhưng nếu trường có học sinh ở lại lớp thì sẽ bị trừ thi đua, trừ các danh hiệu này nọ. Trên đổ xuống, người trực tiếp “gánh” là giáo viên và học sinh, việc chống thành tích thành ra chỉ là... hô hào.

Phải dạy thật nhưng không được có học sinh dưới trung bình!

Lâu nay, không ít phen dư luận "dậy sóng" vì những trường hợp học sinh “ngồi nhầm lớp”. Trong khi đó, ngành Giáo dục luôn nâng cao khẩu hiệu dạy thật, học thật, chống tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Hiệu trưởng một trường ở Gò Vấp, TPHCM cho hay việc này vô cùng hài hước. Vì một mặt ngành yêu cầu dạy học thực chất, tránh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Nhưng nếu trường có học sinh ở lại lớp thì sẽ bị trừ thi đua, trừ các danh hiệu này nọ. Trên đổ xuống, người trực tiếp “gánh” là giáo viên và học sinh, việc chống thành tích chỉ là hô hào.

Cũng nghịch lý như vậy, giáo viên một trường tiểu học ở TPHCM thông tin, quy ước thi đua đối với giáo viên tại trường mình vô cùng mâu thuẫn, như thách đố giáo viên. Cụ thể, yêu cầu giáo viên phải dạy thật, chất lượng thật, báo cáo chính xác. Nếu vi phạm sẽ bị trừ từ 2 điểm thi đua trở lên tùy mức độ vi phạm.

Nhưng mặt khác, lại có tiêu chí: Mỗi học sinh có điểm kiểm tra dưới trung bình thì giáo viên sẽ bị từ 0,5 điểm. “Như vậy, giáo viên dạy thực chất hay dạy không thực chất thì đều bị trừ thi đua”, giáo viên này nói.


Theo tiêu chí thi đua một trường tiểu học ở TPHCM, một mặt yêu cầu giáo viên dạy thật học thật , nếu không sẽ bị trừ ít nhất 2 điểm thi đua...

Theo tiêu chí thi đua một trường tiểu học ở TPHCM, một mặt yêu cầu giáo viên dạy thật học thật , nếu không sẽ bị trừ ít nhất 2 điểm thi đua...


Nhưng mỗi học sinh điểm dưới trung bình giáo viên lại bị trừ 0,5 điểm thi đua.

Nhưng mỗi học sinh điểm dưới trung bình giáo viên lại bị trừ 0,5 điểm thi đua.

Giáo viên này cũng bày tỏ, không một ngành nào mà tất cả mọi thứ đều đưa vào thi đua như ngành Giáo dục. Mọi thứ chống chéo và bám víu lấy nhau, người này ảnh hưởng đến người khác, cá nhân ảnh hưởng đến tập thể nên… khó ai mà không đối phó.

Giáo viên "đau đầu" vì điểm số của học trò

Điểm thi đua khiến không ít giáo viên có năng lực sư phạm tốt, dạy thật - học thật nhưng lại luôn rớt hạng. Những giáo viên này không gò học sinh học, không dạy học theo mẫu, không học chỉ vì mục tiêu thi… nên khi các em đạt điểm thấp thì ngoài bản thân các em thiệt thòi, chính giáo viên cũng... lãnh đủ.

Là một người mạnh dạn với các phương pháp giáo dục phát triển năng lực của học trò, được đồng nghiệp đánh giá cao nhưng thầy Vũ Hoàng Sơn, một giáo viên tiểu học ở Bình Thạnh (TPHCM) vẫn… te tua vì học sinh dưới trung bình. Cứ một em dưới trung bình là thầy bị trừ điểm thi đua, cứ thế nhân lên. Cũng như bao giáo viên khác, thầy bị “kèm cặp” bởi điểm thi của học sinh sẽ bị trừ vào điểm thi đua của cá nhân.

Để tránh cộng hưởng “cùng kéo nhau xuống” này, thầy Sơn cho biết, không ít giáo viên phải dùng sức ép để buộc học sinh phải học.

Trên thực tế, có thể thấy rõ, vào các dịp ôn thi học kỳ, dễ thấy học trò ôn bài theo kiểu học thuộc lòng, học bài mẫu như con vẹt. Hơn ai hết, giáo viên hiểu rõ tai hại của việc này nhưng vì áp lực chỉ tiêu, thành tích, thi đua… đổ xuống đầu mình, rất nhiều giáo viên vẫn chọn phương pháp đó.

Điểm trung bình của nhiều học trò làm giáo viên liêu xiêu (Ảnh minh họa)
Điểm trung bình của nhiều học trò làm giáo viên "liêu xiêu" (Ảnh minh họa)

Thầy H.L.T, một giáo viên dạy THCS ở TPHCM cho biết, ngoài việc chạy đua trong trường thì giáo viên phải “đua” với các trường khác trong quận.

Ví dụ, nếu các khối lớp của thầy dạy nếu tỷ lệ đạt 85% học sinh trên Trung bình nhưng tỷ lệ 5 trường trong quận tính từ trường có tỷ lệ học sinh đạt điểm trên trung bình cao đến đến trường xếp thứ 5 đạt 90% (đồng nghĩa với việc khối thầy dạy không nằm trong top 5) thì thầy sẽ bị trừ điểm thi đua. Thành ra, thầy trò có thăng hoa, đổi mới thế nào đi nữa thì vẫn phải phải “gò” nhau vô khuôn khổ, vô bài mẫu, học thuộc… để mà thi.

Bất cập khi lấy kết quả của người học để đánh giá người dạy

Theo thầy Vũ Hoàng Sơn, mỗi học sinh trong từng thời điểm sẽ có những khả năng tiếp thu khác nhau. Việc lấy kết quả của người học để đánh giá người dạy đã bộc lộ những bất cập. Để chống bệnh thành tích trong giáo dục, rất cần bỏ ngay việc trừ điểm thi đua của giáo viên do có học sinh kiểm tra học kỳ dưới điểm trung bình.

Mới đây, trong công văn về khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục của Bộ GD-ĐT có nội dung: không lấy kết quả của các kỳ thi, các hoạt động giao lưu do địa phương tổ chức để đánh giá xếp loại thi đua, xét khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị.

Nhiều giáo viên hết sức phấn khởi, đánh giá cao chỉ đạo này của Bộ vì đây là cơ sở để thầy trò dạy thật - học thật, chống bệnh thành tích trong giáo dục.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ cần có quy định cụ thể hơn về việc này để các trường nắm rõ, giáo viên có cơ sở để phản hồi với ban giám hiệu. Nếu không sẽ khó tránh tình trạng, trên cứ nói một đằng, dưới lại làm một nẻo, tất cả đổ đầu giáo viên. Mà đã đổ xuống giáo viên thì đối tượng "số cùng khổ" sẽ là... học sinh.

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Dẹp bệnh thành tích