Học sinh nghi ngã gãy chân trong sân trường: Phụ huynh kiến nghị làm rõ

(Dân trí) - Nghi ngờ con va phải ô tô trong sân trường khiến xương đùi bị gãy, một phụ huynh có con đang học lớp 2 tại Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) vừa có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ sự việc.

Học sinh tự ngã gãy chân trong khi chơi ở trường?

Theo đơn kêu cứu của ông Trần Chí Dũng (Hà Nội), con trai ông là Trần Chí Kiên, hiện học tại lớp 2A4 - Trường tiểu học Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Sự việc bắt đầu vào lúc 10 giờ 30, ngày 1/12/2016, khi gia đình nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm năm lớp 1 của cháu báo rằng “giờ ra chơi con chạy chơi ở sân trường và bị ngã gãy chân, đang được các cô đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nhi Trung ương”.

Vết khâu ở chân cháu Kiên
Vết khâu ở chân cháu Kiên

Theo ông Dũng, khi hai vợ chồng đến nơi thì cháu Kiên đã được bác sĩ chiếu chụp X-quang và chẩn đoán là gãy xương đùi phải. Sau khi được bó bột thì xương vẫn không khớp với nhau, vì vậy gia đình quyết định đưa cháu sang Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, bác sĩ Tiến (Khoa chấn thương chỉnh hình 2) xác định trường hợp gãy chân như vậy của một cháu bé 7 tuổi là nặng và chỉ định bắt buộc phải mổ, nẹp vít xương.

Cháu Kiên được mổ vào ngày 3/12/2016, nằm điều trị tại bệnh viện Việt Đức 5 ngày rồi ra viện để về nhà tiếp tục chăm sóc tại chỗ. Do lo lắng chăm sóc cho cháu nên gia đình chưa có điều kiện tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn. Bên cạnh đó, do sức khỏe tinh thần của cháu chưa được ổn định sau vụ tai nạn nên khi được bố mẹ hỏi, cháu đều tỏ ra mệt mỏi và không trả lời.

"Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, đánh giá chuyên môn của bác sĩ cho rằng, với chấn thương như của con tôi, việc chạy và tự ngã mà không có tác động mạnh từ bên ngoài là điều khó có thể xảy ra. Mặt khác, cháu không có bệnh lý gì về xương, và xương đùi là nơi cứng nhất, rất khó gãy, nếu không có lực rất mạnh tác động" - ông Dũng cho biết.

Sau thời gian điều trị ổn định, cùng với tìm hiểu nguyên nhân tai nạn từ con trai, vợ chồng anh Dũng được cháu kể lại: Trong giờ ra chơi, cháu và các bạn cùng lớp có ra sân sau của trường chơi, đến khi có chuông hết giờ, cháu và các bạn (4 bạn) chạy về lớp. Trong lúc cháu chạy về lớp thì có va chạm vào một chiếc xe “Hyundai màu xanh nước biển đang di chuyển” trong sân của trường và cháu có nhận ra trên xe có cô Hiệu trưởng và một cô giáo khác.

Gia đình nghi ngờ không phải do cháu chạy nhảy và bị gãy chân.
Gia đình nghi ngờ không phải do cháu chạy nhảy và bị gãy chân.

“Sau khi va chạm, cháu được bảo vệ nhà trường bế lên phòng thư viện, sang phòng y tế sơ cứu rồi đưa vào bệnh viện. Qua lời cô giáo thì ban đầu cháu được đưa đến bệnh viện 198 nhưng cô Hiệu trưởng có nói là chuyển sang bệnh viện Nhi Trung ương (gia đình chỉ nhận được thông tin về tai nạn của cháu khi cháu đã được chuyển đến viện này)”, ông Dũng phản ánh trong đơn.

Cũng theo ông Dũng, “một số bạn trong lớp cháu có nói lại là con tôi bị ô tô đâm trong giờ ra chơi khi chạy vào lớp. Cháu bị gẫy xương đùi phải nhưng lại có những vết xây xước phía sau của hông bên trái, và tổng hợp nhận xét chuyên môn từ phía các bác sĩ, chúng tôi càng có cơ sở nghi ngờ là cháu đã chạy ở sân trường và bị ô tô đâm vào đùi phải rồi ngã ngửa về phía sau gây xước xát phía sau hông bên trái và gãy đùi phải”.

Vì sao nhà trường không hỏi các bạn chơi cùng cháu Kiên?

“Với những kết luận của bác sĩ và thông tin gia đình thu thập được, cũng như căn cứ vào hiện trạng thương tích của con tôi, tôi khẳng định tai nạn xảy ra đối với con tôi là do va chạm với một xe ô tô đang di chuyển trong trường học”, ông Dũng khẳng định.

Ngày 12/12, sau khi tổng hợp thông tin, gia đình đã có buổi làm việc với ban giám hiệu nhà trường cùng với cô Trần Thị Thu Nhung (chủ nhiệm lớp cháu Kiên), cô Hòe (giáo viên cũ của Kiên hồi lớp 1, người có mặt sau khi phát hiện ra cháu bị tai nạn), cô Hiệu trưởng và cô Tần - khối trưởng khối 2. Tuy nhiên, theo ông Dũng, buổi làm việc này không có kết quả như mong muốn bởi nhà trường vẫn khẳng định cháu ngã do chạy nhảy ở sân sau của nhà trường và tự ngã khiến chân bị gãy. Do vậy, gia đình yêu cầu ban giám hiệu nhà trường tìm hiểu, làm rõ sự thật về nguyên nhân gây ra thương tích cho con trai để gia đình có hướng điều trị chính xác cho cháu.

Nhận xét của một học sinh trong số 4 học sinh chơi cùng cháu Kiên lúc xảy ra tai nạn ở phiếu khảo sát.
Nhận xét của một học sinh trong số 4 học sinh chơi cùng cháu Kiên lúc xảy ra tai nạn ở phiếu khảo sát.

Trong đơn, ông Dũng cũng phản ánh trong thời gian con ông bị tai nạn, nhà trường không hợp tác với gia đình học, ngược lại còn triển khai thực hiện một số việc như thể muốn bưng bít câu chuyện.

Chẳng hạn, sau khi gia đình kiên quyết tìm sự thật nguyên nhân gây tai nạn cho con mình thì vào ngày 14/12/2016, nhà trường đã có hành động phát phiếu khảo sát về vụ tai nạn xảy ra ngày 1/12/2016 đến toàn thể các lớp trong trường.

“Thời điểm con tôi bị ngã ở sân sau nhà trường nên có ít học sinh nhìn thấy. Vì vậy, số lượng cháu nhìn thấy sự việc không nhiều. Thứ hai, tại sao nhà trường không hỏi 4 bạn chơi cùng con tôi xem sự thật ra sao? Tại sao nhà trường không hỏi bác bảo vệ, người đã bế con tôi ngay khi bị tai nạn xem sự thật ra sao? Tại sao nhà trường không tìm hiểu xem vị trí con tôi ngã ở đâu, nơi đó có ô tô nào đỗ không?

Ban đầu gia đình tôi suy nghĩ đây chỉ là một tai nạn vô tình, không ai mong muốn, vậy nên chúng tôi cư xử rất đúng mực và trên tinh thần hợp tác để tìm nguyên nhân. Nhưng đến giờ phút này, sau 15 ngày xảy ra chuyện, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà trường. Những hành động của nhà trường khiến chúng tôi nghĩ, nếu sự thật chỉ là con tự ngã, tại sao các cô lại có động thái khảo sát các con? Có quá nhiều điều khuất tất sau cái ngã này của con”, ông Dũng cho biết.

Nhà trường không có ô tô nào màu xanh

Trao đổi với PV Dân trí vào chiều 20/12, bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên cho biết, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường không phải “vô cảm” như phụ huynh phản ánh mà có giáo viên chủ nhiệm, phối hợp với nhân viên y tế của trường đưa cháu Kiên đi bệnh viện.

Ban đầu, nhà trường đưa lên Viện 198 nhưng sau đó chuyển lên Viện Nhi để đúng chuyên môn về Nhi khoa. Trong thời gian cháu Kiên nằm viện, Hiệu trưởng vẫn nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm đến thăm nom cháu và cô Nhung chủ nhiệm đã cùng cô Hòe đến thăm cháu Kiên.

Bảo vệ Nguyễn Quang Trung, người bế cháu Kiên ngay sau khi xảy ra tai nạn
Bảo vệ Nguyễn Quang Trung, người bế cháu Kiên ngay sau khi xảy ra tai nạn

“Lúc đầu chúng tôi nhận được thông tin, gia đình phản hồi tốt về việc phối hợp này và cảm ơn nhà trường. Tuy nhiên, do nghe một số ý kiến trái chiều nên chúng tôi đã phát phiếu khảo sát với học sinh. Trong đó, có cả 4 em học sinh chơi cùng cháu Kiên lúc xảy ra tai nạn. Theo đó, các cháu cho biết, do cháu Kiên cắm đầu cắm cổ chạy nên bị ngã”, cô Ngọc cho biết.

Cũng theo cô Ngọc, nhà trường không có xe ô tô màu xanh nước biển nào như cháu mô tả. Bản thân cô không tự đi xe mà mỗi buổi sáng, chồng cô lái xe đưa cô đến cổng trường rồi quay về. Xe của cô là ô tô màu ghi bạc.

Chia sẻ với PV Dân trí trong ngày 20/12, cô Nhung, chủ nhiệm lớp cháu Kiên cho hay, trong lớp, cháu Kiên không nghịch ngợm, chỉ đôi khi mất tập trung một chút. Khi cháu Kiên bị tai nạn, cô không trực tiếp có mặt vì các cháu chơi ở sân sau, còn cô ở phòng Hội đồng. Cũng theo lời cô Nhung, nhà trường không có ô tô nào màu xanh nước biển như cháu Kiên mô tả.

Tại bản khảo sát nguyên nhân tai nạn do nhà trường thực hiện, bảo vệ Nguyễn Quang Trung, người trực tiếp bế cháu bé khi bị tai nạn, khẳng định: Trong thời gian mình làm nhiệm vụ, không có bất cứ xe máy hay ô tô nào từ bên ngoài vào trường. Ông cũng cam đoan những lời mình nói hoàn toàn đúng sự thật.

Trao đổi với PV Dân trí vào chiều 21/12, ông Dũng - bố cháu Kiên cho biết, theo tìm hiểu của gia đình, chiếc xe ô tô khiến cháu đâm vào lúc bị tai nạn là chiếc taxi màu xanh, chở cô Hiệu trưởng và Hiệu phó đi từ viện về.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm