Hiệu trưởng ĐH Thương mại: Người học được hưởng lợi nhiều khi trường tự chủ
(Dân trí) - Trường ĐH Thương mại bắt đầu thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, theo quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy trường thực hiện như thế nào? Quyền lợi của giảng viên, sinh viên có bị ảnh hưởng? Trường có công khai hóa và minh bạch tài chính?
Để làm rõ vấn đề trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại về vấn đề này.
GS Sơn cho biết, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trường ĐH Thương mại sẽ được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, chính sách học bổng, học phí, đầu tư mua sắm và thực hiện cơ chế giám sát...
Tận dụng được nguồn nhân lực quản lý
Trường ĐH Thương Mại đã được Chính phủ cho thực hiện đề án thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vậy nhà trường sẽ có những thuận lợi nào thưa ông?
Thuận lợi của nhà trường là được Chính phủ trao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, tuyển dụng; tự chủ về chương trình đào tạo, tuyển sinh và tự chủ về tài chính. Để thực hiện quyền Chính phủ trao thì trách nhiệm của nhà trường phải tự sáng tạo, năng động, tự quyết các vấn đề lớn trong khuôn khổ pháp luật cũng như phân cấp của chính phủ và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của nhà trường.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Thuận lợi thứ nhất, là tự chủ về bộ máy và nhân sự. Theo đó, nhà trường được quyền tuyển dụng, ký hợp đồng với giảng viên không chỉ trong nước mà cả với nước ngoài.
Cùng với đó, trường sẽ tiếp tục từng bước nâng cao tiêu chuẩn trong công tác tuyển dụng, từng bước chuẩn hoá ở mức cao hơn đối với đội ngũ giảng viên về năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học... Đối với nhà khoa học có uy tín, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn cao, trường sẵn sàng mời về tham gia giảng dạy kể cả các giảng viên, nhà khoa học đã nghỉ hưu.
Trong bộ máy quản lý, trường được quyền chủ động bổ nhiệm những người có đầy đủ tiêu chuẩn kể cả người trên độ tuổi quản lý vào các vị trí lãnh đạo phù hợp.
Hiện nay, tôi được biết có không ít người đến hết tuổi quản lý nhưng họ còn sức khỏe, có năng lực, có kinh nghiệm trong quản lý điều hành nhưng lại bị ách ở quy định về độ tuổi quản lý nên rất lãng phí.
Những người này, nếu có uy tín trong tập thể thì sẽ được trường xem xét để bổ nhiệm giữ cương vị quản lý phù hợp trong trường. Như vậy, trường đã tận dụng được những người tâm huyết, có năng lực trong bộ máy quản lý, điều hành. Đó là thuận lợi cho các trường tự chủ trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực quản lý.
Thứ hai: về chương trình đào tạo, về mở ngành. Nhà trường được chủ động hoàn toàn nhưng phải thực hiện đúng quy định hiện hành về mở các ngành đào tạo mới. Việc mở các ngành đào tạo mới được nhà trường xác định theo hai căn cứ: Năng lực đào tạo của trường và nhu cầu thị trường, nhu cầu xã hội.
Trường không tổ chức đào tạo những ngành, chuyên ngành mà thị trường lao động không không có nhu cầu . Nếu tổ chức đào tạo thì đó là sự lãng phí đối với xã hội nói chung cũng như của người học nói riêng.
Sinh viên là khách hàng
Khi thực hiện tự chủ, trường ĐH Thương Mại có tăng quy mô đào tạo không thưa ông?
Trường nào thực hiện tự chủ mà tăng quy mô đào đạo thì đó sẽ là một sai lầm. Khi tự chủ, các trường sẽ phải cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh, cạnh tranh nhau bằng chất lượng đào tạo chứ không phải quy mô. Bởi vì các trường đại học được tự chủ sẽ được ví như một doanh nghiệp, sinh viên là khách hàng.
Khách hàng được quyền lựa chọn dịch vụ ở trường này hay ở trường khác. Lựa chọn trước hết là giá cả và chất lượng đào tạo cũng như nhiều chính sách khác: Môi trường văn hóa, cơ hội học tập, chính sách học bổng, hỗ trợ người học…
Tăng học phí theo lộ trình
Theo đề án tự chủ, nhà trường được thực hiện mức học phí mới, vậy trường có tăng học phí trong năm học này?
Mặc dù quy định của Chính phủ là cho phép trường tăng mức học phí tối đa lên 17,5 triệu đồng/ sinh viên/năm. Nhưng khi thực hiện, trường căn cứ vào mặt bằng thu nhập xã hội, khả năng tài chính của số đông người học, chi phí cần thiết phục vụ cho quá trình đào tạo của nhà trường để xác định mức học phí và một lộ trình học phí phù hợp.
Trường dự kiến năm học 2016 – 2017 mức học phí thu đối với inh viên đại học chính quy theo chương chình đào tạo chuẩn là 13 triệu/ sinh viên/năm. Những năm tiếp theo, mức học phí tăng thêm không vượt quá 10%. Chúng tôi thực hiện theo lộ trình để sinh viên không “sốc” bởi sự đột biến về học phí.
Đây là mức áp dụng đối với sinh viên năm thứ nhất mới vào trường năm 2015. Đối với sinh viên cũ trường (tuyển sinh từ năm 2015 về trước) vẫn thực hiện thu như cũ và có lộ trình tăng 30% mỗi năm để đảm bảo công bằng giữa các sinh viên khóa mới và các khóa cũ.
GS Đinh Văn Sơn trao bằng khen và học bổng cho sinh viên xuất sắc của trường
Trường có thay đổi phương án tuyển sinh trong những năm tới không thưa ông?
Năm nay chúng tôi vẫn tuyển sinh theo phương án cũ. Nếu đổi mới, phải tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, rút kinh nghiệm để xây dựng phương án mới tối ưu hơn theo nguyên tắc lấy thí sinh làm trung tâm, tạo những điều kiện tốt nhất về thủ tục cho thí sinh trong tuyển sinh.
Mấy năm trở lại đây, tuyển sinh của trường đã ổn định, nên chúng tôi chưa vội đổi mới. Nếu có đổi mới sẽ đổi mới từng bước, không gây ra sự xáo trộn. Năm 2016, Trường vẫn xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và các quy định của bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh đại học chính quy…
Trong đào tạo, chúng tôi luôn coi trọng chuẩn đầu ra nhưng đầu vào cũng phải quan tâm đúng mực. Vì đầu vào tốt, cùng với đó một phương pháp tổ chức và quản lý đào tạo tốt thì đầu ra sẽ tốt. Sẽ đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.
Dành 15 tỷ cấp học bổng cho sinh viên cho năm học 2016-2017
Thưa ông, khi thực hiện tự chủ tài chính như vậy thì những sinh viên thuộc diện chính sách xã hội, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn có được miễn giảm học phí không ?
Chúng tôi có chính sách học bổng dành cho sinh viên. Ngay năm học này, trường dành tối thiểu 15 tỷ cấp học bổng cho sinh viên. Chúng tôi sẽ tăng mức quỹ học bổng, hỗ trợ đối với sinh viên đại học chính quy sẽ lên tới 17 – 18 tỷ đồng /năm học cho những năm tiếp theo. Đối với sinh viên thuộc diện chính sách xã hội vẫn được hưởng hoàn toàn theo chính sách quy định của Chính phủ.
Quyền lợi của sinh viên thuộc đối tượng này không thay đổi. Sinh viên thuộc diện không phải đóng học phí sẽ không phải đóng khi học trong toàn bộ khoá học. Ngoài quy định chung của Chính phủ, những SV nào có thành tích học tập tốt sẽ được hưởng chính sách học bổng thích đáng của nhà trường. Học bổng và các chính sách tài chính khác hỗ trợ cho sinh viên chúng tôi lấy chính nguồn thu từ đào tạo và một số các nguồn thu khác của nhà trường.
Liệu nguồn thu từ học phí của sinh viên có đủ trang trải hoạt động cho nhà trường?
Tôi nghĩ hoàn toàn đáp ứng đủ yêu cầu hoạt động của nhà trường và có tích lũy tái đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo.
Như vậy, nguồn thu phụ thuộc vào số lượng sinh viên?
Đúng là nguồn thu thường phụ thuộc một phần vào quy mô đào tạo. Tuy nhiên, quy mô đào tạo nhà trường không tăng nhưng mức học phí tăng lên theo cơ chế tự chủ, thì tổng nguồn thu của nhà trường sẽ tăng lên, đủ đáp ứng được các yêu cầu về kinh phí đào tạo và phát triển.
Trong những năm tới, chúng tôi không tăng quy mô đào tạo, mà tập trung cho các giải pháp tăng cường chất lượng đào tạo.Trường Đại học Thương mại cũng như các trường tự chủ trước hết phải coi trọng chất lượng đào tạo, phải coi chất lượng là trách nhiệm xã hội đồng thời là vấn đề cốt lõi cho sự phát triển bền vững, uy tín và vị thế của một trường đại học . Chúng tôi luôn đặt chất lượng đào tạo lên vị trí hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình.
Về nghiên cứu khoa học, nhà trường có tăng cường đầu tư không thưa ông?
Đối với các trường đại học khối ngành thuộc khối kho học xã hội nhân văn , trong đó có các trường kinh tế thì không thể lấy nghiên cứu khoa học để để tồn tại và phát triển vì tính đặc thù.
Tuy nhiên, chúng tôi không coi nhẹ vấn đề nghiên cứu khoa học, mà sẽ tăng cường đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, thực hiện việc nghiên cứu theo các đơn đặt hàng của các cơ quan, tổ chức.
Chúng tôi sẽ đầu tư triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở theo hướng phục vụ cho chính hoạt động đào tạo của nhà trường. Đồng thời, hàng năm trường sẽ chi những khoản kinh phí nhất định cho hoạt động nghiên cứu khoa học để thực hiện các nhiệm vụ xã hội.
Trường đại học thực hiện tự chủ gắn với giải trình, công khai tất cả hoạt động của nhà trường.
Kiến nghị, xem xét lại quy định Hội đồng trường
Theo ông trường ĐH Thương Mại có gặp khó khăn gì khi thực hiện tự chủ?
Tôi vẫn đang lấn cấn về một số điều khoản thể hiện trong Luật Giáo dục, Điều lệ trường đại học nhưng lại không hoàn toàn phù hợp với quyết định 598 về tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà Chính phủ giao cho trường. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ có kiến nghị và cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của Chính phủ trong quá trình tổ chức triển khai.
Cụ thể đó là những quy định nào, thưa ông?
Ví dụ về thành phần Hội đồng trường. Điều lệ trường ĐH quy định, trong cơ cấu hội đồng trường thì phải có thành viên bên ngoài. Hiện nay Hội đồng trường ĐH Thương mại có 4 thành viên bên ngoài. Trong đó có 1 đại diện của Bộ GD&ĐT (do bộ GD&ĐT quyết định bổ nhiệm), 3 thành viên còn lại do trường mời và được sự chấp thuận của bộ GD&ĐT.
Về vấn đề này, thứ nhất, theo điều lệ trường đại học thì Hội đồng trường đại diện chủ sở hữu.Vậy 3 thành viên do trường mời có phải là đại diện chủ sở hữu hay không; thứ hai, Hội đồng trường là tổ chức đại diện chủ sở hữu thì phải phân định rõ vai trò của Hội đồng trường với Ban Giám hiệu, vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường với Hiệu trưởng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu.
Hiệu trưởng có phải là chủ sở hữu hay không? Hiện nay Hiệu trưởng đang là chủ tài khoản và Hiệu trưởng đang là người đại diện chịu trách nhiệm cao nhất và trước hết trước cơ quan quản lý các cấp, trước chính phủ về hoạt động của nhà trường. Điều hành toàn bộ hoạt động của nhà trường do hiệu trưởng
Vậy theo ông Hội đồng trường đại diện ở mức nào?
Tôi nghĩ thành phần Hội đồng trường ở các trường tự chủ không nên có sự hiện diện của các thành viên bên ngoài mà các thành viên chỉ nên là đại diện cho đội ngũ giảng viên, các tổ chức chính trị-xã hội của trường và nếu có như hiện nay là thêm một đại diện bộ GD&ĐT. Hội đồng trường sẽ gắn với hai chức năng cơ bản là hoạch định và giám sát các hoạt động của nhà trường.
Tự chủ phải gắn với quyền và trách nhiệm gắn với giải trình chứ không phải tự chủ đồng nghĩa với việc muốn làm gì thì làm. Tự chủ vẫn phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và vận dụng sáng tạo những quyền của mình nhưng không được trái với pháp luật.
Tự chủ gắn với giải trình, công khai tất cả hoạt động của nhà trường. Tự chủ sẽ đem lại những tác dụng tích cực cho phát triển của nhà trường nếu làm tốt, khai thác tốt quyền tự chủ của mình một cách khoa học và sáng tạo.
Tôi nghĩ, tự chủ là chủ trương đúng nên nhân rộng đối với các trường đại học công lập vì muốn nâng cao chất lượng phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh cùng với với việc tối đa hóa quyền tự quyết của các trường đại học, tối thiểu hóa các thủ tục hành chính không cần thiết tức cơ quan quản lý các cấp.
Có tự chủ thì các trường Đại học ở việt Nam mới có điều kiện từng bước hội nhập và khẳng định vị thế của mình bằng chính chất lượng đào tạo so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Xin cám ơn GS về cuộc trò chuyện này!
Hồng Hạnh (thực hiện)