Góp ý chương trình GDPT tổng thể: Vẫn coi phân luồng bằng… phân ban!
(Dân trí) - “Quan niệm phân ban, phân khối ở phổ thông để chuẩn bị thi vào đại học là cổ xưa, cách đây nửa thế kỷ rồi…”, GS.TSKH Vũ Minh Giang (nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định. Ông cho rằng, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn đang có sự nhầm lẫn tai hại về nhiệm vụ của giáo dục cấp 3.
Phân khối tạo những “mẻ” học sinh không hoàn chỉnh kiến thức
- Thưa GS.TSKH Vũ Minh Giang, dự thảo chương trình GDPT tổng thể đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi có nhiều thay đổi mới. Ông đánh giá thế nào về những thay đổi này?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Tôi cho rằng, những điều rất căn bản đã được thể hiện trong chương trình tổng thể mới. Trong đó, tín hiệu đáng mừng là sự chuyển mình từ nền giáo dục nặng tiếp cận kiến thức, dạy những nội dung cụ thể sang tiếp cận các kỹ năng, phương pháp và chú ý đến dạy làm người. Điều đó tạo cho người học có tính chủ động cao.
Thứ hai, chương trình đi theo hướng giáo dục tích hợp, chứ không dạy theo kiểu chuyên sâu truyền thống. Đây là một nỗ lực và cần đánh giá cao sự nỗ lực của các chuyên gia trong xây dựng dự thảo.
- Vậy theo ông, việc phân hệ thống môn học theo các cấp, chú trọng phân hóa và tập trung vào các môn tự chọn ở cấp 3 nhằm dự hướng nghề nghiệp cho học sinh liệu đã phù hợp?
Về vấn đề này, với tư cách là chuyên gia về giáo dục, nhà khoa học và cũng là một thầy giáo thì tôi thấy chương trình GDPT tổng thể phải xác định lại mục tiêu của giáo dục phổ thông (cấp 3).
Mục tiêu của giáo dục phổ thông, khoan hãy nói đến tiếp cận nọ, tiếp cận kia bằng các môn học tự chọn theo sở thích học sinh. Đó phải là chương trình hoàn chỉnh cho một công dân bước vào đời khi học hết lớp 12. Khi học đủ tuổi công dân thì các em có thể bước vào đời bằng cách học đại học, học nghề hay đi làm.
Chương trình mới vẫn bố trí chương trình học lớp 11, 12 theo mục đích phân hóa, phân ban. Tư duy đó nghe có vẻ rất ổn nhưng thực chất thì có vấn đề. Bởi khi chọn như thế thì luôn luôn có những “mẻ” học sinh không hoàn chỉnh kiến thức. Học phổ thông phải là để trang bị kiến thức làm người toàn diện cho một công dân. Rõ ràng, chúng ta vẫn chưa thay đổi được suy nghĩ rằng giáo dục phổ thông là để phân khối, chuẩn bị cho đại học. Trong khi mỗi năm chỉ có khoảng 10% học sinh tốt nghiệp cấp 3 vào được đại học.
Dự thảo chương trình GDPT tổng thể vẫn quan niệm phân luồng là phân khối. Phân luồng cần được hiểu đúng là phân rõ học xong phổ thông ai vào được đại học, ai học trung cấp, ai đi học nghề chứ không phải phân ban theo khối môn. Phân ban theo tự nhiên, xã hội là khái niệm/ tư duy đã cổ xưa, lạc hậu cách đây nửa thế kỉ rồi.
Trách nhiệm luyện thi đại học không nằm ở phổ thông. Chúng ta phải tổ chức chương trình môn học thế nào để sau khi tốt nghiệp lớp 12 tất cả các em ra trường đều bình đẳng về mặt kiến thức, chỉ có phân thành người giỏi người kém thôi. Không phải phân thành người chuyên xã hội hay tự nhiên. Còn việc học sinh phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu bản thân lại là câu chuyện khác. Tâm thế học phân ban để vào đại học khiến học sinh “lệch lạc”. Các em chỉ chăm chăm học các môn khối, bỏ bê các môn còn lại và nếu không đỗ đại học, các em có nguy cơ trở thành những công dân “què quặt” về kiến thức cơ bản. Tôi cho rằng, chương trình GDPT tổng thể cần phải xem xét lại điều này.
Không phải thấy học sinh “sợ” môn Lịch sử thì… bỏ luôn!
Năm nay, chương trình GDPT bỏ môn Lịch sử ở cấp 1. Theo ông, điều đó có làm ảnh hưởng đến kết quả giáo dục?
- Một trong những giá trị cốt lõi được dự thảo đề cập là yêu nước. Vậy làm sao để yêu nước đây? Hay chúng ta lại mãi tiếp tục hô khẩu hiệu “Các em cần yêu nước nhiều vào”, “Yêu nước đi!”, “Phải yêu nước chứ... ?
Tại sao cấp 1 lại biến mất môn Lịch sử? Vấn đề ở đây phải là cách tiếp cận. Chúng ta không phải sẽ dạy ngày tháng, sự kiện một cách khô khan, máy móc mà phải chọn cách tiếp cận để học sinh có ý niệm về truyền thống cha ông từ bé. Dạy phù hợp với lứa tuổi chứ không thể thấy học sinh “sợ” môn Lịch sử thì bỏ đi như thế.
Theo tôi, cần phải bổ sung ngay môn Lịch sử vào chương trình Tiểu học. Để làm tốt, các chuyên gia lịch sử cần chung tay xây dựng. Dạy ở phổ thông, theo tôi, cần dạy bằng các truyền thuyết, bằng phim ảnh, phim hoạt hình, ca dao, truyện cổ tích… Từ đó, gieo vào tâm thức mỗi đứa trẻ về tình cảm với quê hương, ý thức yêu nước ngay từ khi còn nhỏ.
Cuối cùng, GS.TS nhận định nào về tính khả thi của dự thảo khi đưa vào thực tế?
Theo tôi, việc thiết kế một chương trình trên ý tưởng, dự thảo có thể hay, có thể dở nhưng phải tính toán đến chuyện thực thi và triển khai. Các Bộ, ngành phải vào cuộc nếu coi giáo dục là quốc gia hàng đầu. Đó không phải là câu chuyện riêng để “khoán trắng” cho Bộ GD&ĐT. Nếu cứ khoán cho một Bộ như vậy thì chắc chắn vẫn tồn tại những hạn chế của Bộ đó.
Chương trình giáo dục tổng thể không chỉ là một bản thiết kế, chúng ta phải tính đến nội dung thi công. Đơn giản như chuyện giáo viên có đủ năng lực đáp ứng chương tình mới hay không? Nếu chưa thì phải chuẩn bị thế nào?
Ở chương trình này tôi chưa thấy hướng dẫn chi tiết người thi công sẽ phải làm sao và chắc các giáo viên cũng chưa hình dung được rõ ràng họ phải làm thế nào?
Bởi lẽ có rất nhiều môn mới, các môn tích hợp xuất hiện. Vậy một giáo viên chuyên môn có phải sẽ tiến tới dạy hai môn, nhiều môn? Hàng nghìn giáo viên rồi sẽ đi đâu về đầu và bao nhiêu bài toán hệ lụy đang chờ…
Xin cám ơn ông về những chia sẻ!
Lệ Thu