Đến mùa giáo viên “đánh vật” với nhận xét học sinh

(Dân trí) - Sau hơn 1 năm triển khai thông tư 30/2014-TT-BGDDT (TT30) đánh giá học sinh tiểu học, nhiều giáo viên cho biết đã “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, một số người cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập làm khó giáo viên và nhà trường.

 

Đến mùa giáo viên “đánh vật” với nhận xét học sinh - 1

Khổ giáo viên bộ môn

Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học nhằm giảm sức ép điểm số đè nặng lên vai học sinh, thể hiện quan điểm xem người học là trung tâm của hoạt động giáo dục. Những lời nhận xét là một trong những cách thể hiện cái tâm của giáo viên với học sinh, không lạnh lùng đơn thuần như “phệt” những con số.

Sau hơn 1 năm triển khai, nhiều giáo viên cho biết, một số địa phương đã kịp thời có một số thay đổi nhưng còn nhiều bất cập làm khó những người thực hiện.

Cô T, giáo viên tiểu học Trường tiểu học Đồng Lê (Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho biết, năm đầu tiên triển khai thông tư, giáo viên “tẩu hỏa nhập ma” với các tiêu chí hiểu sao cũng được. Riêng việc nhận xét sổ theo dõi chất lượng giáo dục học sinh tiểu học theo TT30 vào dịp cuối kì rất phức tạp, rườm rà và khó phân biệt nên giáo viên nào cũng nháo nhào bù đầu.

Để “chữa cháy”, giáo viên nháo nhào lên mạng, học hỏi nhau rồi giới thiệu, cập nhật những lời nhận xét hay dành cho từng đối tượng học sinh: khá, giỏi, trung bình và ... chép cho nhanh. Qua thời gian tham khảo, nhiều giáo viên cập nhật được vốn từ nhận xét kha khá nên việc gánh vác sổ sách dễ thở hơn.

Theo cô T, năm nay giáo viên tiểu học ít nhiều đã được giảm tải nhờ cải tiến sổ nhận xét nhưng đối với giáo viên bộ môn ở đây vẫn đang trong tình trạng quá tải. Thí dụ trường có 15 lớp với khoảng 400 học sinh nhưng chỉ có một giáo viên mỹ thuật, một GV dạy âm nhạc. Vị chi, mỗi giáo viên bộ môn phải nhận xét cuối kì khoảng 400 học sinh.

Một giáo viên xin giấu tên cũng chia sẻ, làm theo TT30, mỗi giáo viên dạy bộ môn phải đánh giá cả mấy trăm quyển sổ trên một lớp bởi vì trường nào cũng phải có từ 11 lớp trở lên, thật là khổ hết sức cho giáo viên bộ môn

Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Đà Nẵng) cho biết, thời gian đầu triển khai TT30, giáo viên và phụ huynh học sinh ở đây đều chưa quen nên giáo viên thì chép sổ nhiều còn học sinh bỡ ngỡ vì sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chưa ăn ý.

“TT30 yêu cầu nhận xét từng em theo nhiều tiêu chí, trong khi sĩ số các lớp rất đông, mỗi lớp từ hơn 30 đến 40 học sinh. Thậm chí nhiều lớp cuối cấp sĩ số từ 42- 45 học sinh nên giáo viên rất khổ. Vì vậy có thể hiểu, vì sao giáo viên phải sáng tạo ra nhiều cách thức nhận xét”, bà Cẩm Bình nói.

Thiết kế dạng sổ mới

Cô T cho hay, sở dĩ giáo viên tiểu học năm nay được giảm tải vì địa phương này đã có sáng kiến cải tiến khi phát hành sổ theo dõi chất lượng giáo dục học sinh tiểu học, giúp giáo viên dễ nhận xét hơn, các tiêu chí đánh giá học sinh cũng không bị gò bó ở 3 tiêu chí (năng lực, phẩm chất và các hoạt động giáo dục khác) như năm ngoái. Thay vào đó, mỗi học sinh sẽ được tách ra một trang sổ riêng để dễ dàng nhận xét với các tiêu chí “mở” và phù hợp với từng học sinh hơn.

“Cuốn sổ nhận xét mới đã giúp trút bớt gánh nặng lên vai giáo viên. Còn học sinh thì được nhận xét thực tâm với năng lực của các em chứ không phải chép lại những lời nhận xét qua loa, đối phó cho xong chuyện”, cô T cho biết.

Còn theo bà Cẩm Bình, để giảm tải gánh nặng, năm nay Sở GD&ĐT Đã Nẵng đã thiết kế loại sổ vừa dùng cho giáo viên chủ nhiệm, vừa dùng cho giáo viên bộ môn để đơn giản cho giáo viên.

Đặc biệt, nhiều trường sử dụng phần mềm khi nhận xét học sinh tiểu học theo TT30. Cách này vừa dễ dàng nhận xét vừa thuận tiện hơn khi chuyển cho phụ huynh học sinh những lời nhận xét về con cái họ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn khó khăn do sĩ số lớp quá đông nên để nhận xét kĩ càng đến từng học sinh, Sở GD&ĐT TP đã chỉ đạo yêu cầu giáo viên nắm rõ học lực của từng học sinh. Với những em có học lực yếu phải nhận xét ghi chép kĩ, còn với những học sinh khác cũng phải nhận xét bằng lời để gia đình và học sinh nắm được. Việc ghi chép này vừa không được quá ngắn ngủi nhưng cũng không quá dài vì giáo viên không đủ thời gian để nhận xét.

“Mặc dù chúng tôi muốn giảm tải cho giáo viên nhưng qua kiểm tra, nhiều người vẫn tâm huyết ghi chép rất rõ ràng, các ý kiến nhận xét rất gần gũi, dễ hiểu. Bên cạnh đó, một số giáo viên chưa có kĩ năng, việc ghi chép còn chung chung, chúng tôi cũng đã có nhắc nhở để giáo viên hoàn thiện kĩ năng hơn”, bà Bình chia sẻ.

Về việc giảm tải cho giáo viên bộ môn, theo tinh thần công văn mới nhất của bộ, bà Bình cho biết, đã chỉ đạo không nhất thiết phải nhận xét 100% học sinh mà chú ý nhận xét những em nào có năng khiếu đặc biệt. Còn các em khác chỉ cần ghi đơn giản hơn.

Bà Vương Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên Phủ (Đà Nẵng), một trong những trường đi tiên phong trong việc áp dụng phương thức nhận xét học sinh tiểu học qua phần mềm điện tử cho biết, giai đoạn cuối năm, phương thức mới này giảm tải cho giáo viên đến 60% lượng công việc so với nhận xét bằng viết tay trước đây.

Không những việc cập nhật điểm số nhanh chóng, các giáo viên có thể đánh máy, coppy và dán các lời nhận xét rất nhanh chóng theo tình hình thực tế học tập của từng học sinh. Sang đến học kì II, số lượng công việc này chỉ còn khoảng 20% vì các lời nhận xét đã được lưu vào “kho tư liệu” nên rất nhanh chóng.

Mặc dù việc nhận xét qua phần mềm rất nhanh chóng và tiện lợi, tuy nhiên một số giáo viên và chuyên gia giáo dục cho rằng, tinh thần mà Bộ GD&ĐT đưa ra khi thực hiện TT30 là để thể hiện cái tâm của giáo viên qua những lời nhận xét. Việc coppy, sử dụng sẵn các lời nhận xét (cho dù có chỉnh sửa) cũng phần nào khiến giáo viên trở lười hơn, thiếu cái tâm trong từng câu chữ.

 

“Một cản trở cũng “làm khó” cho nhà trường và giáo viên khi thực hiện TT30 là với những phụ huynh không quan tâm đến con, việc phối hợp nhận xét giữa gia đình và nhà trường thường rất khó khăn”.

(Bà Cẩm Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Đà Nẵng)

 

 

Mỹ Hà