Cô sinh viên nghèo “khởi nghiệp”

(Dân trí) - Từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông Lê Thị Cẩm Vân (1988) khoa Kinh tế, trường ĐH Vinh (Nghệ An) đã mày mò nghiên cứu và giành giải 3 cuộc thi Khởi nghiệp do VTV3 tổ chức, mới đây nhất là giải nhì cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp toàn quốc 2008”.

Làm dự án giúp nông dân

 

Sinh ra và lớn lên tại xóm 7, xã Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) ngay từ khi còn học phổ thông, Lê Thị Cẩm Vân đã có niềm đam mê kinh doanh. Là một gia đình nghèo nhưng bố mẹ tạo mọi điều kiện cho hai chị em Vân được học hành đầy đủ. 

 

Chứng kiến cuộc sống khó khăn của những người nông dân trồng cây gió trầm và cây bưởi Phúc Trạch quê mình. Giữa năm lớp 11, tranh thủ những thời gian rảnh rỗi, Vân đạp xe đi khắp các vùng trồng cây gió trầm và cây bưởi để mày mò, nghiên cứu thị trường, thu thập tài liệu. 

 

Sau hơn 5 tháng tích cóp kiến thức sơ đẳng để nghiên cứu, đến hè năm lớp 11 dự án “Cơ sở Trầm hương - Bưởi Phúc Trạch” đã được hoàn thành. Vân mong muốn dự án của mình sẽ giúp đỡ người nông dân trồng cây gió trầm và cây bưởi Phúc Trạch tạo được chỗ đứng, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Để hoàn thành dự án của mình, Vân đã phải lăn lội hết rừng trên xóm dưới, ngược xuôi từ vùng quê nghèo ra tận thị trấn tìm hiểu thực tế, thu thập tài liệu và nghiên cứu thị trường. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, lúc rảnh rỗi là Vân cùng chiếc xe cọc cạch đi hỏi những người có kinh nghiệm trồng cây gió trầm và cây bưởi trong vùng. 

 

Có lần nghe thông tin sắp có bão nhưng em vẫn đạp xe xuống thị trấn Hương Phố đi xin số liệu. Niềm đam mê kinh doanh dường như đã ăn sâu vào máu thịt nên cô học sinh phổ thông vùng quê bưởi bất chấp khó khăn để thực hiện dự án vì người nông dân quê mình. Khi đã có đầy đủ thông tin, Vân bắt tay vào viết dự án.

               

Không ngờ công trình của Vân đã vượt qua hơn 100 dự án khác lọt vào Top 3 dự án xuất sắc nhất và giành được giải 3 cuộc thi khởi nghiệp do VTV3 tổ chức. Sau khi giành được giải thưởng, cô học trò nghèo đam mê kinh doanh đã quết chí chuyển từ ý định thi vào khối C sang thi khối A với ước mơ thi vào học ngành kinh tế để nuôi ước mơ của mình.

 

Viết tiếp ước mơ

 

Sau khi thi đậu vào ngành Quản trị kinh doanh, Khoa kinh tế trường Đại học Vinh, hoàn thành được ước nguyện bấy lâu của bố mẹ. Cuối năm học thứ nhất, trong một lần tình cờ biết được thông tin có cuộc thi sinh viên khởi nghiệp. “Máu” kinh doanh trong Vân lại có dịp trỗi dậy và đây cũng là một lý do để cô sinh viên nghèo viết tiếp ước mơ còn dang dở của mình. “Hễ nghĩ đến bố mẹ và những người nông dân trồng cây trầm ở quê mà em muốn làm một cái gì đó để giúp đỡ họ!”, Vân tâm sự. 

 

Trên cơ sở nền tảng của dự án đầu tiên, Vân tiếp tục làm dự án: “Sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cây trầm hương”. Với dự án này của mình, Vân mong muốn sẽ có cơ hội thành lập một doanh nghiệp nông thôn tại xã Phúc Trạch quê hương của cây gió trầm, giúp nông dân có đầu ra ổn định về sản phẩm trầm hương. 

 

Vừa mong muốn được sự hỗ trợ của Nhà nước về với người nông dân và đưa sản phẩm trầm hương ra tiếp cận thị trường thế giới, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu ngành trầm hương Việt Nam. Ngoài ra trong dự án của Vân còn tạo ra sự liên kết giữa doanh nghiệp nông thôn với doanh nghiệp thành phố.

 

Vân chia sẻ: “Để một dự án muốn đạt kết quả tốt, người tham gia phải làm tất cả các khâu từ thu thập tài liệu, lập báo cáo tài chính, tầm nhìn thương hiệu, kế hoạch kinh doanh, ý nghĩa kinh tế - xã hội… Vì đã có kinh nghiệm, cùng với sự tư vấn của thầy cô nên chỉ chưa đầy 2 tháng em đã hoàn thành dự án của mình và tham gia cuộc thi...”.

 

Vượt qua vòng sơ khảo vào vòng chung kết, dự án của Vân nằm trong tốp 4 dự án được chọn để thuyết trình và chỉ dừng lại ở giải nhì cuộc thi sinh viên khởi nghiệp năm 2008, được Hội đồng đánh giá rất cao về ý tưởng. 

 

Sau khi dự án của Vân được nhận giải thưởng, Công ty Secoin ở Hà Nội đã nhận đỡ đầu. Trong dự án này Lê Thị Cẩm Vân đã đề xuất số vốn lên đến 1 tỷ đồng, nhưng trải qua nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn một của dự án là phát triển vùng nguyên liệu, đưa chính sách về với người nông dân, để làm được điều này cần số vốn 200 - 300 triệu đồng. Giai đoạn tiếp theo là hoàn thiện công nghệ và tiếp cận thị trường nước ngoài. 

 

Khi được hỏi về dự định sắp tới, cô sinh viên Lê Thị Cẩm Vân không chút ngại ngần trả lời: “Em muốn tham gia tiếp cuộc thi “Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ” và ước mơ giành suất học bổng của chương trình để học tiếp lên thạc sỹ kinh tế, và sau này sẽ trở về phục vụ quê hương”.

 

“Thành công hôm nay của em là nhờ công lớn của bố mẹ em nhé, bạn bè thầy cô cùng tất cả mọi người”, Vân tâm sự.

 

Duy Tuyên - Nguyễn Duy