Hà Tĩnh:
Chuyện vợ chồng cựu giáo chức “xin tiền” làm đường giúp dân
(Dân trí) - Góp từng đồng tiền lương ít ỏi, rồi đi gõ cửa từng nhà để “xin tiền”, sau hơn 4 năm, vợ chồng cựu giáo chức Bùi Thị Thu và Đinh Công Vượng (thôn 5, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cũng đã hoàn thành đoạn đường bê tông dài hơn 600m giúp người dân dễ dàng đi lại.
Dẫn phóng viên đi trên con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp vừa mới hoàn thành vợ chồng ông Vượng, bà Thu không khỏi tự hào, mãn nguyện.
Bà Thu cho biết hai vợ chồng bà đều là những giáo viên về hưu. Nhiều năm trước đây khi chứng kiến cảnh người dân vất vả đi trên con đường lầy lội mới vào được khu nghĩa trang của thôn để thắp hương cho người quá cố, vợ chồng bà cứ đau đáu trong lòng.
“Phải làm một con đường để cho người dân đi vào khu nghĩa trang để thắp hương cho tổ tiên được thuận lợi. Một năm không xong thì hai, ba năm. Rất may, ý tưởng của tôi cũng được chồng hưởng ứng nhiệt tình”,bà Thu chia sẻ.
Nói là làm, bắt đầu từ năm 2013, hai vợ chồng bà bắt đầu lên kế hoạch.
Đầu tiên, vợ chồng bà bàn bạc và thống nhất bán bớt vườn dó trầm của gia đình, góp nhóp một ít tiền lương hưu được 25 triệu đồng cho kế hoạch làm đường.
Nhưng chỉ dựa vào sức lực của hai vợ chồng già thì kế hoạch rất khó để thực hiện.
Sau đó, vợ chồng ông Vượng, bà Thu cùng với một số cựu chiến binh, cựu giáo chức trong xã... thành lập tổ từ thiện, viết thư ngỏ kêu gọi con em quê hương, các doanh nghiệp cùng hỗ trợ.
Trước tiên, ông bà vận động con cháu, anh em họ hàng rồi đến bạn bè khắp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ.
“Phải làm một cái gì đó cho quê hương, để sống một cuộc sống thêm ý nghĩa”, bà Thu nói.
Đến năm 2014, khi có nguồn kinh phí kha khá, ông bà cùng tổ từ thiện xin phép xã, huyện thuê nhân công, máy móc về san lấp mặt bằng.
“Vì không đủ kinh phí nên mỗi đợt chúng tôi chỉ làm được khoảng 200m. Ban đầu chỉ thuê xe san gạt, đổ đất làm nền, sau đó, chở đá về lu đường... dần dần rồi mới đổ bê tông từng đoạn”, ông Vượng cho biết.
Ngoài nguồn hỗ trợ 70 tấn xi măng theo chương trình Nông thôn mới, tất cả tiền từ việc thuê thợ, mua cát, đá đến giám sát công trình…, ông bà và tổ từ thiện đều đứng ra gánh vác.
“Lúc đầu cũng có nhiều người có ý kiến cho rằng chúng tôi làm vậy để đạt mục đích riêng của cá nhân. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết im lặng và cố gắng hoàn thiện thật nhanh. Đó là cách để chứng minh với mọi người”, ông Vượng tâm sự.
Càng khó khăn, hai vợ chồng càng cố gắng hơn.
Và cứ ngày này qua tháng khác, đôi vợ chồng cựu giáo chức cùng với các “bạn già” của mình miệt mài thực hiện kế hoạch.
Không phụ công, sau hơn 4 năm một con đường bê tông dài hơn 600m, rộng 3m với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng khang trang, đẹp đẽ hiển hiện ra trước mắt.
“Sau bao khó khăn chúng tôi cũng đã hoàn thành kế hoạch. Chúng tôi rất vui, như một giấc mơ vậy. Công lớn thuộc về tất cả mọi người. Nếu không có mọi người cùng chung tay thì con đường này sẽ khó có thể hoàn thiện được”, bà Thu vui mừng chia sẻ.
Con đường hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của đôi vợ chồng cựu giáo chức già cũng như người dân nơi đây.
Tạm biệt đôi vợ chồng cựu giáo chức, chúng tôi vẫn nhớ mãi những tâm sự, lời chia sẻ xuất phát từ sâu thẳm tấm lòng “Sống là phải biết chia sẻ. Phải sống một cuộc sống thật ý nghĩa và có ích cho xã hội…”.
Xuân Sinh