Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp các nhà khoa học dự “Gặp gỡ Việt Nam” 2018
(Dân trí) - Chiều ngày 11/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt thân mật với các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tham dự Hội thảo “Khoa học để phát triển”, diễn ra tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (9 - 10/5).
Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary; cùng đại biểu Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước.
Hội thảo quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển” được tổ chức bởi Tổ chức Khoa học và giáo dục Gặp gỡ Việt Nam (Hội GGVN) với mục đích đối thoại khoa học cao cấp giữa Việt Nam, Cộng hoà Pháp và thế giới.
Hội thảo là một trong những hội thảo quan trọng nhất để kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14, năm 2018 có 12 hội nghị khoa học quốc tế và 6 lớp học chuyên đề khoa học với sự tham gia của hơn 1500 nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 5 Giáo sư đạt giải Nobel, và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Hội thảo nhận được sự bảo trợ tối cao của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emanuel Macron và bảo trợ của tổ chức UNESCO. Hội thảo đã quy tụ 2 Giáo sư đạt giải Nobel, nhiều nhà khoa học danh tiếng thế giới, đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn như SOLVAY (Hoá chất), AIRBUS (sản xuất máy bay), SANOFI (Dược phẩm)...
Trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14, Hội GGVN cũng sẽ tổ chức các buổi giao lưu giữa các giáo sư đạt giải Nobel, các nhà khoa học danh tiếng với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tại Quy Nhơn, Huế, Đà Lạt, Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
Hội Gặp gỡ Việt Nam (GGVN) do GS. Trần Thanh Vân sáng lập và điều hành từ năm 1993 trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về các Tổ chức Gặp gỡ Moriond (50 năm, từ 1966) và Gặp gỡ Blois (28 năm, từ 1989) nhằm hỗ trợ cho Việt Nam về mặt khoa học và giáo dục.
Một trong những mục tiêu chính của Hội là đóng góp một phần nào vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai của Việt Nam. Hội đã tổ chức 13 lần chuỗi các hội nghị khoa học quốc tế “Gặp gỡ Việt Nam” làm cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học học Việt Nam và quốc tế.
Được biết, xây dựng Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Bình Định, (năm 2013) đánh dấu bằng Hội nghị “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” trong “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX” với sự tham dự của 5 Giáo sư đạt giải Nobel, 1 Giáo sư đạt giải Fields và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Từ đó đến nay, Trung tâm đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học Khoa học chuyên đề với hơn 3500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đạt giải Fields, 2 giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên văn học), 1 giáo sư đạt giải Shaw, 1 giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và CINO DELDUCA (Viện Hàn lâm Khoa học Pháp) và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực khoa học, Hội “Gặp gỡ Việt Nam” đã phối hợp chặt chẽ với Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp do Giáo sư Lê Kim Ngọc làm Chủ tịch để xây dựng 3 Làng trẻ em SOS tại Đà Lạt năm 1974, Huế năm 2000 và Đồng Hới năm 2006; Từ 2000 đến nay, với sự thành lập Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam -Vallet với sự tham gia của Quỹ Vallet (Pháp), Hội Gặp gỡ Việt Nam đã phát hơn 22.000 suất với số tiền khoảng 270 tỷ. Hiện nay mỗi năm phát học bổng khoảng 25 tỷ trên toàn quốc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các nhà khoa học quốc tế tiếp tục ủng hộ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả tốt đẹp mà Hội “Gặp gỡ Việt Nam” đã đạt được trong suốt 25 năm qua; cảm ơn những tình cảm quý báu mà các nhà khoa học, các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã tích cực tham gia các hoạt động của Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” - cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền khoa học và giáo dục của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và giáo dục, coi đó là quốc sách hàng đầu và là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhắc lại kỷ niệm khi đến thăm Trung tâm ICISE vào tháng 6/2016; bày tỏ cảm kích trước những đóng góp hữu ích cho nước nhà của Hội “Gặp gỡ Việt Nam”, Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân là Giáo sư Lê Kim Ngọc.
“Tôi cho rằng đây là mô hình mới đã đạt được những kết quả tích cực, đang từng bước hình thành một cơ sở nghiên cứu khoa học lớn, là biểu tượng của tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
"Tôi mong rằng trong thời gian tới các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Bình Định, Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân, cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, để tiếp tục xây dựng Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành hoạt động ngày càng hiệu quả thiết thực, phục vụ cho sự phát triển của khoa học, giáo dục không chỉ của Bình Định, các tỉnh miền Trung mà còn của cả nước”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các nhà khoa học quốc tế tiếp tục ủng hộ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, phát triển bền vững hơn về kinh tế và xã hội dựa trên nền tảng khoa học và giáo dục./.
Hồng Hạnh - TTXVN