Khai mạc "Gặp gỡ Việt Nam" 2018: Hội tụ các nhà khoa học đỉnh cao quốc tế

(Dân trí) - Sáng 9/5, tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã chính thức khai mạc chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" năm 2018, lần thứ 14 với chủ đề: “Khoa học để phát triển”.

Hội thảo có sự góp mặt của trên 200 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hội thảo có sự góp mặt của trên 200 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" năm 2018 sẽ có 12 hội nghị khoa học quốc tế và 6 chuyên đề khoa học với sự tham gia của 1.500 nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Trong hội thảo "Khoa học để phát triển” diễn ra ngày 9 - 10/5, có hơn 200 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, có hai nhà khoa học đạt giải Nobel là Giáo sư Finn E. Kydland đoạt Nobel Kinh tế năm 2004 và Giáo sư Gerard ‘t Hooft đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999 có bài phát biểu quan trọng trong phiên toàn thể.


Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam phát biểu khai mạc

Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam phát biểu khai mạc

Các đại biểu tham dự hội thảo "Khoa học để Phát triển" sẽ thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các viễn cảnh tương lai của nó dưới góc nhìn của giới khoa học, công nghệ và đổi mới.

Hội thảo cũng nhằm cung cấp một cái nhìn đa chiều về việc thực hiện Chương trình, với sự đóng góp của các nước đang phát triển từ các khu vực khác nhau.

Để bổ sung việc đánh giá thực hiện Chương trình nghị sự 2030, các cuộc thảo luận bàn tròn dự kiến sẽ đề cập đến các tác động kinh tế và xã hội của khoa học đối với xã hội, sự đóng góp của khoa học với việc hoạch định chính sách cũng như và sự liên quan của khoa học với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu tại hội thảo, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam cho rằng, trong môi trường thân thiện, chúng ta mới có thể chia sẻ như những người bạn cũng như làm nảy sinh những ý tưởng mới, đóng góp cho thế giới của chúng ta.

"Khoa học là chân lý, đóng góp nhiều cho hòa bình thế giới. Sự có mặt của nhiều nhà khoa học cùng với gia đình của mình cho thấy chúng ta sẽ là những bạn bè thân thiết, cùng chia sẻ những ý tưởng khoa học để đóng góp cho sự phát triển chung của thế giới”,

GS Trần Thanh Vân nhấn mạnh, đây sẽ là sự kiện khoa học lớn nhất trong năm nay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Qua hội nghị lại thêm một lần nữa có thêm cơ hội để kết nối khoa học Việt Nam với thế giới, để các bạn trẻ Việt Nam được tiếp cận, học hỏi các cây đa cây đề của khoa học thế giới.

“Các bạn hãy coi trung tâm như gia đình của mình, hãy khám phá con người, đất nước Việt Nam và hãy cùng chúng tôi chia sẻ những ý tưởng mới của khoa học”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ với các nhà khoa học quốc tế.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao những nổ lực đóng góp của Giáo sư Trần Thanh Vân cho sự phát triển KH&CN, giáo dục Việt Nam thời gian qua cùng với Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) - biểu tượng xuất sắc cho sự hợp tác và quan hệ đối tác trong khoa học.


Các giáo sư Nobel và nhà khoa học trao đổi bên lề hội thảo

Các giáo sư Nobel và nhà khoa học trao đổi bên lề hội thảo

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, động lực phát triển của Việt Nam giai đoạn trước đây đây đang dần mất đi những lợi thế vốn có như tài nguyên, lao động giá rẻ,…, thay vào đó, KH&CN mới là nền tảng bền vững để tiếp tục phát triển.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc bày tỏ hy vọng với kiến thức của các nhà khoa học kinh nghiệm hàng đầu thế giới. Việt Nam có thể học hỏi, đẩy mạnh hoạt động KH&CN phù hợp với tình hình hiện tại, qua đó giúp Việt Nam tiệm cận hơn nữa với khu vực và thế giới trong thời gian tới.

GS-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn được sự ủng hộ của các nhà khoa học trên thế giới. GS Nguyễn Văn Hiệu cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã xây dựng nên trung tâm ICISE, đóng góp to lớn cho nền khoa học-kỹ thuật Việt Nam, gắn kết khoa học trong và ngoài nước.

Giáo sư đạt giải Nobel là GS vật lý Gerard t’Hooft phát biểu tại hội thảo.
Giáo sư đạt giải Nobel là GS vật lý Gerard t’Hooft phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, GS Gerard ‘t Hooft - giải Nobel Vật lý đã lý giải vì sao khoa học công nghệ phát triển ở khu vực châu Âu. “Những người châu Âu không phải thông minh hơn châu Á nhưng họ tò mò hơn, thích khám phá hơn, vì thế họ có nhiều phát minh hơn, quan trọng hơn là họ có tự do, tự do thể hiện quan điểm, tự do sáng tạo.

Ông GS Gerard ‘t Hooft khuyến cáo, “chúng ta phải có một hệ thống giáo dục đúng cho người dân. Ngay cả những người đoạt giải Nobel thì ngay từ tiểu học phải được hưởng 1 nền giáo dục đúng cách, trong đó có ngôn ngữ.

“Tôi khuyên các bạn làm khoa học nếu chưa giỏi tiếng Anh phải học ngay, vì đó là ngôn ngữ của khoa học. Người làm khoa học phải biết đặt ra những câu hỏi và trả lời được những câu hỏi này. Nếu không biết đặt câu hỏi thì không thể trả lời được, tức là nghiên cứu không thể thành công”.

GS Finn Kydland - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004 đã phát biểu nhấn mạnh về mức độ tương tác kinh tế và khoa học mà các nước đã đạt được. “Sự mất bình đẳng gia tăng ở các nước như thế nào trong một vài thập kỷ qua?. Tôi đã nghĩ về vấn đề này, thấy rằng, có khoảng cách lớn giữa các nước với nhau”.

GS Finn Kydland cho rằng, nền kinh tế mỗi quốc gia phụ thuộc vào thể chế của nước đó, bao gồm nhiều vấn đề như chính sách, vốn.. nhưng trong đó có yếu tố về khoa học công nghệ: khoa học công nghệ tác động rất lớn đến sự phát triển.

Khi một quốc gia không có các thể chế, yêu cầu để có thể cam kết các chính sách tốt cho khoa học công nghệ thì khó để tác động trong ngắn hạn cho sự phát triển, thậm chí có thể gây tác động xấu cho xã hội".


Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Nguyễn Phi Long, cho biết, từ năm 2013 đến nay, qua các kỳ “Gặp gỡ Việt Nam” chúng ta có thể nhận thấy hiệu quả to lớn của Trung tâm ICISE mang lại cho khoa học và giáo dục không chỉ cho Bình Định nói riêng mà cả Việt Nam.

Trong tương lai, tỉnh Bình Định sẽ luôn đồng hành ủng hộ Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE, vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc để tổ chức nhiều hơn nữa những hội nghị khoa học quốc tế, các hoạt động khoa học, giáo dục, đào tạo chuyên đề để cùng nhau xây dựng ICISE Quy Nhơn thành điểm đến của các nhà khoa học quốc tế và trong nước, trở thành điểm sáng khoa học Việt Nam”.

Doãn Công

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục