Bài toán đầy thách thức đối với nhóm biên soạn SGK phổ thông mới
(Dân trí) - Làm sao thể hiện được mục tiêu về các phẩm chất, năng lực theo chương trình tổng thể đổi mới giáo dục phổ thông đặt ra vào từng môn học cụ thể là bài toán đầy thách thức với những nhóm biên soạn SGK đổi mới, nhất là các môn như khoa học xã hội và năng khiếu.
Chưa có hội thảo trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu cho từng môn
Dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông” đang triển khai hướng tới mục tiêu học sinh phổ thông sẽ đạt được những phẩm chất chính và năng lực cốt lõi, còn gọi là “chân dung của người công dân mới”.
Cụ thể, theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, người học phải những phẩm chất (nhân ái, khoan dung, chuyên cần, tiết kiệm, trách nhiệm, kỷ luật, trung thực, dũng cảm) và năng lực cốt lõi (gồm năng lực chung như tự chủ, hợp tác, sáng tạo; năng lực đặc thù như sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất; năng lực chuyên biệt) để có thể sẵn sàng học tập ở trình độ cao hơn hoặc sẵn sàng cho các yêu cầu việc làm trong thế kỷ 21.
Trong phần thảo luận tại Hội nghị khởi động dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông chiều ngày 17/1, đại diện nhiều nhóm biên soạn SGK đã trình bày những khó khăn, thách thức của họ khi bắt tay viết sách.
Bà Nguyễn Thị Đông, đại diện nhóm biên soạn môn Mỹ thuật chia sẻ, so với các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông, Mỹ thuật là môn khá non trẻ. Bởi vì đến năm 2016, Mỹ thuật mới được coi là môn học chính bắt buộc trong chương trình cấp 3 ở Việt Nam. Hơn nữa, môn này tuyệt nhiên không có mặt ở trung học.
Vui mừng đi cùng lo lắng khi được góp sức viết sách, bà Nhung nhận định, vì chưa có nền tảng cấp phổ thông từ trước nên việc bắt tay viết sách sẽ rất khó khăn.
“Bây giờ đưa vào chúng tôi phải xây dựng gần như mới, định hướng phân luồng và định hướng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trí thức cũng như lao động mang tính thẩm mỹ liên quan đến nghệ thuật trực giác”. Bà Đông cũng nhận định, việc biên soạn chương trình đáp ứng được hết các phẩm chất, năng lực mới mà dự án đặt ra nhiều thách thức, chưa có thước đo đong đếm trực quan, cụ thể.
Đại diện cho nhóm các môn Khoa học xã hội nói chung, GS Nguyễn Thị Vinh (ĐH Sư Phạm Hà Nội) cũng chia sẻ lo lắng và áp lực khi bắt tay xây dựng chương trình môn học cụ thể. Nữ giáo sư này cho rằng, xây dựng từng môn học cụ thể chắc chắn sẽ khó khăn hơn xây dựng chương trình tổng thể. Bởi chương trình tổng thể đưa ra mục tiêu xây dựng phẩm chất, năng lực một cách khái quát nhưng vấn đề khó khăn đối với tất cả chuyên gia, thầy cô cầm bút viết sách tới đây sẽ cụ thể hóa và mang tính “bếp núc”.
GS Nguyễn Thị Vinh phát biểu: “Chúng tôi phụ trách môn khoa học xã hội mà trước hết là môn lịch sử thì cảm thấy rất khó khăn. Tôi nghĩ đối với các môn khoa học tự nhiên thì có điều kiện rất thuận lợi để tiếp cận được kinh nghiệm về khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin của thế giới nhưng riêng đối với lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là bộ môn lịch sử thì đặc thù và khó khăn hơn”.
Mặt khác, đại diện này cũng băn khoăn khi đến thời điểm hiện tại, nhóm biên soạn sách Lịch sử như bà chưa được tham gia một hội thảo chuyên sâu, tách biệt cụ thể nào về từng môn học. Để tháo gỡ phần nào khó khăn của từng nhóm biên soạn sách từng môn, bà Vinh mong muốn, dự án sẽ có nhiều hội thảo chuyên sâu mang tầm quốc tế để những người cầm bút viết sách có cơ hội trao đổi, chia sẻ, học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Diệp, đại diện nhóm biên soạn sách Hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng cùng chung quan điểm. Bà Diệp khẳng định, các khóa học bồi dưỡng quốc tế hoặc hội thảo mở sẽ tạo nền tảng, cơ sở góp phần cho nhóm viết sách chuẩn bị năng lực tốt nhất để xây dựng chương trình SGK mới.
“Chúng tôi mong mỏi nhận sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Thế giới, ví dụ chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giáo dục phổ thông tổng thể, với từng nhóm môn thuộc từng lĩnh vực từ các chuyên gia nhiều nước bạn. Trước khi diễn ra các hội thảo đó, chúng tôi mong các chuyên gia trong nước sẽ được yêu cầu đề nghị nội dung chia sẻ trong hội thảo để đáp ứng được nhiều hơn nữa mong muốn của chúng tôi trong việc tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình SGK mới”, bà Nguyễn Thị Diệp nói.
Đưa lồng ghép giới tích cực hơn nữa vào SGK
Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc chương trình giới - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho hay, bằng các hỗ trợ đổi mới SGK và chương trình dạy của Bộ GD&ĐT thời gian qua, nhóm bà đã trực tiếp rà soát các định kiến giới có trong SGK cũ cũng như tham gia đào tạo, tập huấn cho các tư vấn viên, giáo viên, nhà biên soạn sách đổi mới…
“Chúng tôi thấy, nhận thức về giới của họ vẫn còn khá hạn chế. Điều đó thể hiển rất qua tần suất xuất hiện của nhân vật nam – nữ cũng như vị thế giới chưa phù hợp trong các sách Giáo dục công dân, Tiếng Việt, nhóm sách Tự nhiên và Xã hội từ lớp 1 đến lớp 6”, vị này chia sẻ. Vì thế, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội mong rằng, khi biên soạn sách giáo khoa đổi mới phổ thông, các nhà soạn sách sẽ có lồng ghép giới tích cực hơn nữa.
GS Phạm Hồng Tung cho rằng, nguyên tắc mở là nền tảng quan trọng nhất xây dựng sách giáo khoa đổi mới nói riêng và khung chương trình đổi mới nói chung.
GS Phạm Hồng Tung (ĐHQG Hà Nội) trình bày thách thức, áp lực của nhóm phác thảo chương trình tổng thể. “Cụ thể, bài toán không dễ chút nào là những người già như chúng ta lại phải hình dung công dân của nửa đầu thế kỉ XXI, thế hệ tương lai này cần có những năng lực, phẩm chất thế nào và phải biến nó vào thực tiễn”, GS Phạm Hồng Tung quan điểm.
Ông bày tỏ mong muốn nhận được những nhận xét, góp ý, phê phán thẳng thắn từ các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện tốt nhất khung chương trình giáo dục phổ thông, từ đó có chương trình theo nguyên tắc mở.
“Chỉ có những chương trình theo nguyên tắc mở chúng ta mới hi vọng có nhiều bộ sách giáo khoa là hành trang, bệ đỡ để cho con em ở thế hệ tương lai có thể tiếp cận, tự học. Chúng ta là những người chèo đò nhưng chúng ta không tạo những khuôn mẫu đóng cứng tri thức vì tri thức luôn đổi mới”, GS Phạm Hồng Tung chia sẻ.
Lệ Thu