Lê Minh Sơn: Tài năng hay ngạo mạn?

Chính thức vào Nhạc viện Hà Nội khi mới 8 tuổi, sau 15 năm rèn luyện, Lê Minh Sơn đã trở thành tay solist guitar với khả năng diễn tấu nhiều thể loại, từ cổ điển, đến Jazz, Pop và đặc biệt là âm nhạc dân gian các nước theo phong cách flamenco.

Có lẽ Lê Minh Sơn đã an tâm với công việc giảng dạy ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và kiếm sống bằng việc đánh đàn tại các bar Tây ở Hà Nội nếu như không có cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn 2004. Tại đây, Ngọc Khuê với cách hát giả thanh độc đáo khi thể hiện tác phẩm "Bên bờ ao nhà mình", đã giúp công chúng cả nước biết đến cái tên Lê Minh Sơn.

Ngay sau đó, album "Chạy trốn" của Tùng Dương với các sáng tác của Lê Minh Sơn nhanh chóng đưa anh tiếp cận với giới trẻ. Nhưng thật sự, phải đợi đến khi gặp gỡ, hợp tác và... đi cùng với nữ hoàng nhạc nhẹ Thanh Lam, Lê Minh Sơn mới khẳng định được "thương hiệu" của mình. Một loạt ca khúc "Nắng lên", "Ôi quê tôi", "Người ở người về", "Đá trông chồng", "Hát một ngày mới", "Sương giăng câu hát"... trong hai album "Nắng lên", "Em và đêm" qua giọng hát của Thanh Lam trở nên quằn quại, da diết hơn.

Người ta cảm nhận một Lê Minh Sơn trăn trở với hình ảnh làng quê Việt với mái đình, ruộng lúa, những cánh cò chao nghiêng hiền hòa. Chỉ gần 8 tháng sau cuộc ra mắt "Bên bờ ao nhà mình" ở Sao Mai - Điểm hẹn, anh đã nhận được giải thưởng Cống hiến của một cơ quan thông tấn báo chí. Vinh quang đến ào ào, báo chí đổ xô vào lăng xê anh như một hiện tượng âm nhạc, như thể anh chính là người khai phá ra dòng nhạc mang âm hưởng dân gian đương đại...

Qua 2005, Lê Minh Sơn nhận được giải Bài hát của năm (Bài hát Việt - VTV) dành cho ca khúc "À í a". Đi đôi với Thanh Lam - LMS liên tục xuất hiện trên mặt báo, và thường "gây sốc" khi mô tả sự hợp tác giữa anh và Thanh Lam cũng như những tác phẩm của mình theo kiểu: "Gặp nhau là bùng nổ!" hoặc "Album đầy chất bác học thể hiện qua cách viết, cách phối...".

Thực ra, nhạc Lê Minh Sơn có ca từ khá gần gũi và đơn giản: "Bên bờ ao nhà mình, con chuồn chuồn vẫn đậu cành bèo tây...". Chất liệu âm nhạc và ngay cả chất thơ trong các ca khúc của anh đều mang nặng truyền thống và âm hưởng dân gian Bắc Bộ, thể hiện rõ rệt tính chất vùng miền. Thế nhưng, những giai điệu của anh đôi lúc hơi "khó" nghe, khiến người mua các album này, ngoài các fan của Thanh Lam, đa phần chỉ vì tò mò hoặc muốn.... làm sang cho kệ đĩa! Tuy giá bìa đến 55.000đ/đĩa (đĩa các ca sĩ khác chỉ 36.000đ) nhưng dân chép lậu Sài Gòn cũng không buồn in sang vì rất khó bán (!).

Và bên cạnh những "cú sốc" ấy, âm nhạc Lê Minh Sơn vẫn thuộc về dòng nhạc dị biệt, không có mấy "đại chúng" thưởng ngoạn! Cái tên Lê Minh Sơn được "công chúng" biết đến, công đầu vẫn là của giới báo chí lăng xê anh. Thế nhưng gần đây LMS đã công bố một lá thư nhân danh một Cử nhân - Giảng viên Cao đẳng VHNT Hà Nội và dùng nhiều lời lẽ khá nặng nề để phản ứng lại một bài viết trên báo. Phóng viên viết bài, nguyên là một người tốt nghiệp hệ Chính quy Nhạc viện TP. HCM (khoa Lý luận âm nhạc) đã phê bình đánh giá album "Ơ kìa"! của Ngọc Khuê (Lê Minh Sơn biên tập), trái với ý Lê Minh Sơn.

Cách tiếp nhận vấn đề của anh đã làm kinh ngạc nhiều người. Nhưng dường như vẫn chưa hài lòng, trong một bài phỏng vấn mới đây Lê Minh Sơn đã "phát biểu" kỳ quái hơn: "Phóng viên người ta cần bài viết, người ta phải viết người ta mới có tiền, tại sao không giúp người ta?".

Những biểu hiện trên cho thấy nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã thật "thiếu suy nghĩ" khi dẫm đạp lên tình cảm quý báu mà giới truyền thông đã dành cho mình. Anh cũng rất "dở" khi không chịu lắng nghe những lời phê bình, chỉ tìm cách "át giọng" người khác và mang bằng cấp để đảm bảo cho những giá trị của mình, thay vì tranh luận về chuyên môn!

Nhạc sĩ "tài ba" Lê Minh Sơn của chúng ta đã đi đâu rồi? Xuất hiện trước công chúng với bộ mặt ấy, Lê Minh Sơn khác nào những kẻ "hữu danh vô thực"?

 Theo Điện ảnh Kịch trường