Bạn đọc viết

Nghĩ về người Việt tại sao vẫn nghèo?

Đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi sự thay đổi về chính sách, cơ chế, chuyển mình về tư tưởng và cách sống, để từ đó người dân luôn có ý thức vươn lên và quyết chí làm giầu.

>> Những gương mặt doanh nhân Việt được thế giới vinh danh


Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã được Forbes ví như “Donald Trump của Việt Nam”

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã được Forbes ví như “Donald Trump của Việt Nam”

Người Việt Nam cần cù, chịu khó, thông minh nên thường có tính sáng tạo trong công việc. Vậy, vì sao người Việt ta vẫn nghèo ?

Trong một thời gian dài sau khi kết thúc chiến tranh, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp. Đất nước chúng ta chính thức chuyển sang nền tế thị trường từ năm 1992, nghĩa là đã cách đây 25 năm. Nhưng những tư tưởng do nhận thức cũ về nền kinh tế cào bằng, tập thể và bao cấp vẫn còn. Đó là một khoảng thời gian chưa đủ dài để nhân dân quen với nhịp cơ chế mới, để từ đó thúc đẩy tư tưởng tìm cách làm giầu.

Mặt khác, trong các thành phần kinh tế, theo điều 51 Hiến pháp năm 2013 quy định thì doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Đây là một thành phần kinh tế tập thể, doanh thu đóng góp chủ yếu vào ngân sách nhà nước nên không phải là một hình thức làm giầu mang tính cá nhân cho người Việt Nam.

Cùng với những lý do về mặt lịch sử trên, người Việt Nam thường chọn lối sống an bình, an phận và bằng lòng với chính mình cũng được xét đến. Bởi lẽ, giầu có thể được hiểu là có nguồn thu nhập lớn hơn nhiều so với những chi tiêu cần thiết cho cuộc sống. Trong cuộc sống thường có ba nhu cầu cơ bản cần được đáp ứng, đó là nhu cầu sinh hoạt và học tập, nhu cầu về phương tiện đi lại, và nhu cầu về chỗ ở là nhà cửa. Khi đảm bảo được ba nhu cầu này thì cũng có thể coi là đã có được một cuộc sống viên mãn. Vì thế, người Việt Nam nói chung thường chỉ phấn đấu nhằm bảo đảm cho các mục tiêu đó mà ít có đòi hỏi cao hơn

Mục tiêu phát triển xã hội là “dân giàu, nước mạnh”, chính vì thế cần thiết phải nhìn nhận lại các vấn đề một cách xác đáng hơn, khi hướng tới mục tiêu làm giầu.

Ngày 20/3/2017 vừa qua, Tạp chí Forbes đã chính thức công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2017. Theo đó tại Việt Nam, ngoài ông Phạm Nhật Vượng đã được Forbes vinh danh lần thứ 5, có thêm một nữ tỷ phú là bà Nguyễn Thị Phương Thảo -Tổng Giám đốc Vietjet Air.

Với tài sản 2,4 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng đã đứng thứ 867 trong số những tỷ phú của thế giới. Trong khi đó, đây là lần đầu tiên bà Thảo được đưa vào danh sách này, với tài sản 1,2 tỷ USD và đứng thứ 1.678 thế giới. Sự hiện diện của ông Phạm Nhật Vượng là chuyện chẳng hề bất ngờ, bởi sự tăng trưởng ổn định, bền vững của Tập đoàn Vingroup đã được minh chứng trong nhiều năm qua. Còn đối với nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet được vinh danh cũng là điều dễ hiểu khi mà doanh nghiệp này đã lên sàn chứng khoán HOSE hết sức thành công.

Như thế, với hai người được đứng trong danh sách các tỷ phú của thế giới với những khối tài sản lớn đã đủ để khẳng định người Việt Nam hoàn toàn có thể làm giầu. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng, làm giầu không phải một việc dễ, nhất là ở một quốc gia có nhiều đặc thù về truyền thống lịch sử, đặc điểm chính trị và tư tưởng sống của người dân như Việt Nam. Đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi sự thay đổi về chính sách, cơ chế, chuyển mình về tư tưởng và cách sống, để từ đó người dân luôn có ý thức vươn lên và quyết chí làm giầu.

Để làm giầu, đòi hỏi con người phải có khả năng, nhạy bén về các vấn đề kinh tế, biết nắm bắt cơ hội và đón nhận thời cơ, cùng với đó là nhận thức và tư tưởng sống. Chính vì thế, trong khi đa phần người dân lựa chọn cách sống đơn thuần, cơ bản thì chưa thể có tinh thần làm giầu trong ý thức sống nói chung. Do đó, để có một xã hội mà tất cả các người dân đều giầu có luôn là một mong muốn lớn, đòi hỏi phải có một sự nỗ lực chung, rất lớn trong tương lai.

Lý Hải Chiều