Năm 2018: BOT có còn nóng?

Năm 2017, ghi nhận tình trạng “vỡ trận” của hàng loạt dự án BOT, do vấp phải sự phản đối của người dân bằng nhiều hình thức, điển hình là trạm thu phí BOT Cai Lậy. Quốc hội và Chính phủ đã vào cuộc, hi vọng năm 2018, các dự án BOT sẽ “êm”.


Một cảnh hỗn loạn tại trạm thu phí BOT Cai Lậy vào tháng 12.2017. Ảnh: TRẦN LƯU

Một cảnh hỗn loạn tại trạm thu phí BOT Cai Lậy vào tháng 12.2017. Ảnh: TRẦN LƯU

Khởi phát từ việc người dân Hà Tĩnh, Nghệ An tụ tập phản đối tại trạm thu phí Bến Thủy tạo thành điểm nóng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc. Kết quả, giá vé giảm, người dân 4 địa phương TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và xe bus được miễn phí.

Sau “thắng lợi” của BOT Bến Thủy, người dân sống xung quanh trạm thu phí BOT Cầu Rác (Cẩm Xuyên) cũng tụ tập phản đối, dẫn đến nhà đầu tư phải giảm giá vé, miễn phí cho một số địa phương lân cận.

Đầu năm 2018, Cầu Rác lại “nóng” lên vì sự việc nhân viên trạm thu phí từ chối nhận tiền xu, và đã xảy ra mâu thuẫn với một tài xế, dẫn đến việc Công an phải vào cuộc.

Các trạm thu phí Bến Thủy và Cầu Rác đều đặt tại vị trí bất hợp lý (trên quốc lộ 1A) để thu phí cho tuyến tránh, dẫn đến việc dân không sử dụng công trình BOT cũng phải đóng phí. Việc làm nói trên đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư, trong khi nhiều người phải nộp phí oan.

Người dân tại các trạm thu phí BOT ở Quảng Bình, Quảng Trị…cũng phản đối việc thu phí bất hợp lý.

Điểm nóng nhất của dự án BOT là trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), dẫn đến việc Thủ tướng đích thân chủ trì chỉ đạo giải quyết. Đến nay, đã hết hạn Thủ tướng giao, “kịch bản giải cứu” dự án vẫn chưa được công bố cho dư luận.

Sau các vụ việc nói trên, vào tháng 10.2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, bãi bỏ, chấm dứt việc đầu tư dự án BOT trên những con đường cũ của quốc gia để lập trạm thu phí.

Ngày 4.12.2017, khẳng định chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.

Qua các vụ việc người dân phản đối dự án BOT vừa qua, chúng ta đã rút ra được rất nhiều bài học thực tiễn quý giá, đó là việc xây dựng hành lang pháp lý, quản lý, quy trình triển khai, đánh giá tác động của các dự án BOT, cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề phát sinh khi vận hành.

Hi vọng trong năm mới, các dự án BOT sẽ không còn “nóng”, tạo động lực tốt cho hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người dân, đồng thời thu hút các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào dự án BOT.

Theo Hải Đăng

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm