Bạn đọc viết
Giá trị của niềm tin
Người đời đánh giá “Niềm tin” có nhiều cách, nhưng đều toát lên giá trị to lớn: Có niềm tin sẽ có tất cả, mất niềm tin là mất hết.
Một xã hội có sự đồng thuận ý chí, tình cảm đến hành động từ trên xuống dưới, đó là sức mạnh niềm tin lớn nhất. Chúng ta có quyền tin vào lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng quốc hội khóa XIV là quốc hội “Hành động”… Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu là Chính phủ “Nói ít, làm nhiều” với tiêu chí “ Kiến tạo và hành động”. Đó chẳng phải là tín hiệu đáng mừng hay sao? Nhiều đại biểu Quốc hội dùng cụm từ “Hành động quyết liệt” là biểu hiện của sự chuyển mình mạnh mẽ, nhân dân mong sao lời nói đi đôi với việc làm, mới kiến tạo được niềm tin của nhân dân.
Hơn lúc nào hết sự sói mòn niềm tin vào chân lý trong thời gian qua xuống rất thấp, đang thách thức mỗi chúng ta từng ngày, từng giờ. Sự sói mòn ấy đến từ đâu? Phải chăng từ những vấn đề cốt lõi của cuộc sống không được giải quyết nhanh và thấu đáo, đã tạo nên những luồng dư luận xã hội phức tạp, thậm chí trái chiều, làm cho những thế lực thù địch dựa vào đó gây hoang mang, bất ổn, mọi người biết tin vào đâu?
Tác động bất lợi nhất chính là sự thẩm thấu vào tâm hồn, trí tuệ trong sáng của tuổi trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta ngàn đời nay đã trải qua bao thăng trầm, thất bại có, sai lầm có, mất mát đau thương có, thậm chí khi thoái trào còn bị kẻ thù dìm trong bể máu, nhưng các chiến sĩ cách mạng kiên trinh có một niềm tin mãnh liệt làm nên ý chí quật cường của toàn dân tộc đã vùng lên quyết giành Độc lập Tự do cho Tổ quốc nên ta mới có cuộc sống ngày hôm nay.
Bờ cõi đã tạm bình yên, xây dựng kiến thiết đất nước là việc lớn đầy gian nan thử thách trước công cuộc đổi mới và hội nhập.
Hội nhập trong một thế giới phức tạp vốn chẳng bình yên, bạn, thù, đối tác, đồng minh đan chéo, những thứ nọc độc tiêm nhiễm vào nhận thức của tuổi trẻ làm cho một số mù mờ lẫn lộn trắng đen, từ hoài nghi đến lung lay niềm tin rồi ngộ nhận những sự thật bị bóp méo, phủ định quá khứ, quên ơn các thế hệ cha ông đã tận tâm hy sinh vì đất nước.
Thời chiến hay thời bình đều có những thế lực phản động tuyên truyền, kích động nhân dân chống phá Nhà nước dưới nhiều hình thức. Điều nguy hại đáng nói ở đây là sự mất lòng tin không phải nọc động phản tuyên truyền từ bên ngoài vào mà chính bởi một bộ phận không nhỏ những người có trọng trách trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước vì chủ nghĩa cá nhân, tư lợi, ích kỷ đã bị suy thoái, băng hoại đạo đức, đánh mất phẩm chất, gây tổn hại, thất thoát tài sản, tiền bạc của nhân dân đã đành, còn đánh mất lòng tin của nhân dân vào chân lý.
Điều nguy hại nhỡn tiền là một bộ phận không nhỏ trong thế hệ trẻ đầy tiềm năng trí tuệ, thông minh, sáng tạo, đang tràn đầy năng lượng, có thể tỏa sáng trên mọi mặt của đời sống xã hội bị chế ngự bởi niềm tin đang bị đánh cắp. Không ít thanh niên còn đang do dự, băn khoăn, hoài nghi khi nghĩ về tương lai, lao vào cuộc sống ăn chơi, hưởng thụ…
Thử hỏi như thế làm sao họ có thể dốc hết sức lực tài năng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có những nhận thức cực kỳ nguy hiểm cần dè chừng bởi một bộ phận lớp trẻ hiện nay ít quan tâm và thiếu hiểu biết về lịch sử nước ta, mất phương hướng, mơ hồ trong sự tiếp nhận hội nhập ồ ạt không thanh lọc, với tư tưởng sùng ngoại, bài nội, kèm theo những nọc độc cổ vũ cho thứ tự do vị kỷ, đặt cái tôi trên hết, nhìn nhận sự vật thiếu khách quan, thấu đáo.
Khi bắn mục tiêu hay kẻ thù ta ngắm một mắt dễ trúng đích, nhưng nhìn sự thật phải nhìn hai mắt cho tỏ tường, nghe hai tai cho khách quan.
Đúng là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng, Đảng và nhà nước cũng còn thiếu sót, chậm chạp hay e ngại, nể nang, thừa cơ cho sự ác ý tấn công tư tưởng gieo thêm sự mất niềm tin của lớp trẻ vào chế độ, vào Đảng và Nhà nước. Tất nhiên, những tồn tại yếu kém đó Đảng và chính phủ đang ra sức cố gắng khắc phục từng bước, nhưng chưa thỏa mãn lòng dân mong muốn, nhiều sự việc vẫn đang diễn biến phức tạp, lâu dài đã ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần cách mạng, tới niềm tin của tuổi trẻ.
Chính họ không ai khác, là lực lượng to lớn, có sức mạnh rời non lấp biển, là nòng cốt cho mọi phong trào cách mạng từ trước đến nay và mai sau, hơn lúc nào hết cần lấy lại niềm tin đang sói mòn, làm giảm sức mạnh đáng kể của tuổi trẻ trước yêu cầu bức thiết của xã hội.
Ngoài việc bồi đắp năng lực tư duy, nhận thức của giới trẻ, thì việc củng cố niềm tin phải cụ thể và bức thiết chứ không phải lý luận giáo điều. Nhớ khi xưa, chỉ cần một lời kêu gọi, thanh niên cả nước rạo rực lên đường ra trận: “Mà lòng phơi phới dậy tương lai…” Tâm hồn thanh thản đi vào chỗ chết vì Độc lập Tự do của dân tộc.
Ngày nay cũng vậy, nếu Tổ quốc cần họ lại sẵn sàng lên đường chiến đấu, nhưng phải có niềm tin vững chắc làm kim chỉ nam cho họ, họ phải biết rõ việc đang làm, đang đấu tranh cho tương lai tốt đẹp của đất nước, chứ không phải vì bất cứ thế lực hay sự vụ lợi cá nhân nào.
Đảng và Nhà nước có trách nhiệm vô cùng lớn lao trong việc củng cố lòng tin cho họ. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của dân, do dân, vì dân sẽ phải góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mang lại niềm tin vững chắc cho nhân dân, trong đó có thanh niên?
Những năm qua thanh niên đã dấy lên nhiều phong trào tình nguyện, có nhiều dự án tích cực, sáng tạo, ấn tượng, đi tới tận vùng sâu, vùng xa của đất nước, song vẫn mang tính phong trào, tính thời điểm, vụ việc, chưa thực sự lan tỏa rộng khắp và sôi động thường xuyên.
Những cuộc vận động tuổi trẻ không chỉ khẩu hiệu, băng rôn là đủ, phải bằng hành động cần thiết trong đó có vai trò tham gia trực tiếp, tích cực của thanh niên, như trên mặt trận nóng bỏng chống tham nhũng. Phải kiên quyết, mạnh mẽ hơn, tích cực và đúng pháp luật, giải quyết dứt điểm từng vụ việc tiêu cực, tham nhũng được nêu ra gần đây.
Đứng ngoài nói thì dễ, xông vào làm mới khó, đây là cơ hội rèn luyện, tạo nên sức mạnh ý chí, vững vàng tư tưởng, đoàn kết một lòng trước nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho thanh nên.
Khi đã có niềm tin đúng đắn và mãnh liệt, họ sẽ phát huy năng lực trí tuệ và nhiệt tình tuổi trẻ, dẫu phải nhẩy vào lửa cũng không sờn: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” Lời Bác Hồ dạy năm xưa vẫn còn đó và cuộc sống hôm nay trên mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ai bảo không cam go, quyết liệt ? Cuộc chiến không lằn ranh, giới tuyến, có khi đối mặt với cái sống, cái chết, có khi lặng lẽ âm thầm phải vượt qua chính mình.
Hãy trao cho họ một niềm tin có thật và hãy tin rằng khi cần họ sẽ “Lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”.
Đức Trung
(Nghệ sĩ ưu tú)