“Trung Quốc chưa thay đổi tham vọng ở Biển Đông thì tình hình khó dịu đi”

(Dân trí) - “Nguồn gốc của căng thẳng thì chúng ta đã biết là tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông không thay đổi. Cho nên chúng ta cũng không nên hi vọng rằng khi Trung Quốc chưa thay đổi thì có nghĩa là tình hình sẽ dịu đi”, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, phát biểu.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII, với chủ đề: “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, tại TP Nha Trang, ngày 14/11, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng, sau phán quyết vụ kiện Biển Đông, một số nước đã tiến hành các hoạt động ngoại giao, điều chỉnh lập luận về mặt pháp lý để thích ứng với tình hình mới. Trung Quốc cũng bắt đầu mở ra một số tiến trình về ngoại giao, cũng đàm phán, cũng có một số các biểu hiện hòa dịu trong quan hệ, kể cả với Philippines.

- Có ý kiến đánh giá rằng, sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc thì tình trạng pháp lý tại Biển Đông sẽ thay đổi. Theo ông, sau phán quyết đó thì những vấn đề pháp lý gì còn tồn tại?

- Theo ý kiến riêng của tôi, vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một bước tiến rất lớn về mặt pháp lý vì phán quyết của tòa là phán quyết ràng buộc và cuối cùng. Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm cho các vấn đề pháp lý trước thì đang tranh cãi, bây giờ nó trở thành rất rõ ràng.

Ví dụ như “đường chín đoạn” thì bây giờ tòa đã bác bỏ giá trị của lời tuyên bố về “đường chín đoạn”. Nó sẽ mở ra những cơ hội cho các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Chúng ta sẽ thấy và đã thấy, ngay sau khi tòa ra phán quyết thì một số nước cũng đã xây dựng các lập luận của mình dựa trên các phán quyết của tòa và đã tiến hành một số các hoạt động ngoại giao, tiến hành một số các điều chỉnh lập luận về mặt pháp lý để thích ứng với tình hình mới. Chúng ta nhìn thấy những chuyển động, như là trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc; trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước, trong đó có Việt Nam, Malaysia… cũng đang đi theo hướng đấy.

PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ngày 14/11
PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ngày 14/11

Quá trình này sẽ không suôn sẻ, không thẳng, trải qua nhiều diễn biển phức tạp vì có nhiều yếu tố khác chen vào, trong đó có yếu tố khó đổi là yếu tố về tham vọng của Trung Quốc, trong đó có yếu tố mới về chính trị Mỹ, chính trị Philippines và có những chuyển động khác ở trong khu vực về kinh tế, về chiến lược. Thế nhưng, phán quyết của tòa tạo ra một cơ sở rất tốt để chúng ta nhìn thấy những sự kiện tiếp tục chuyển biến.

- Trên thực tế, Trung Quốc vẫn đang củng cố vị thế của mình ở Biển Đông, vẫn tăng cường xây dựng các căn cứ quân sự cũng như dân sự ở Hoàng Sa, Trường Sa. Cùng với sự thay đổi Tổng thống mới của Mỹ, ông có nghĩ rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ bước sang một giai đoạn mới hay không và ông nhận định nó sẽ tiến triển theo hướng như thế nào?

- Nguồn gốc của căng thẳng thì chúng ta đã biết là tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông không thay đổi. Cho nên chúng ta cũng không nên hi vọng rằng khi Trung Quốc chưa thay đổi thì có nghĩa là tình hình sẽ dịu đi. Chúng ta cũng phải tiếp tục cẩn trọng, nhất là vẫn phải đề phòng cho những tình huống căng thẳng ở Biển Đông.

Nhưng nó có những yếu tố mà chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng, căng thẳng đấy không quá mức như chúng ta lo ngại. Chúng ta cũng thấy rằng, Trung Quốc bắt đầu mở ra một số tiến trình về ngoại giao, đàm phán, cũng có một số các biểu hiện hòa dịu trong quan hệ, ngay cả với Philippines.

Trung Quốc cũng rất lo ngại về việc Tổng thống mới đắc cử ở Mỹ nhưng Trung Quốc cũng là một trong những nước đầu tiên gọi điện chúc mừng, và đặt vấn đề 2 bên có những biện pháp để quán triệt mối quan hệ Mỹ - Trung. Đấy là những tín hiệu tuy là ban đầu nhưng mà cũng để chúng ra nghĩ rằng, có thể tình hình nó sẽ không phát triển cực đoan.

Tuy nhiên, vấn đề chốt nhất vẫn là tham vọng của Trung Quốc. Cái này thì chúng ta tiếp tục theo dõi và tiếp tục cảnh giác.

- Theo ông, những giải pháp căn cơ nào hiện nay để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông?

- Tôi nghĩ rằng, đối với Việt Nam thì biện pháp tốt nhất là biện pháp ngoại giao. Đây là nằm chung trong luồng tư duy của các nước nhỏ - ngoại giao bao giờ cũng là mặt trận hàng đầu để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi của đất nước.

Biện pháp quân sự sẽ là biện pháp phiêu lưu. Biện pháp kinh tế thì chúng ta cũng phải chờ đến khi lực lượng kinh tế mạnh lên và chúng ta phải tạo được chỗ đứng trong phân công lao động khu vực và quốc tế.

Biện pháp ngoại giao, trong đó có biện pháp pháp lý và biện pháp đàm phán hòa bình, vẫn là biện pháp tốt nhất dành cho những nước nhỏ và là biện pháp khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII, với chủ đề: “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, tại TP Nha Trang
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII, với chủ đề: “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, tại TP Nha Trang

- Thưa ông, trong phiên khai mạc ông có nói đến yếu tố tân Tổng thống Mỹ là một yếu tố bất ngờ. Hiện chưa rõ chính sách của ông ấy, nhưng theo ông sẽ tác động như thế nào đến Châu Á?

- Như chúng ta biết, sự có mặt của Mỹ ở khu vực trong giai đoạn gần đây là một yếu tố tạo nên sự ổn định. Sự có mặt này thì có mặt cả về kinh tế và có mặt cả về địa chiến lược. Lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông cũng có giá trị rất tốt đối với việc làm giảm căng thẳng trên Biển Đông.

Chúng ta cứ tưởng tượng rằng, nếu không có những lập luận, những lời tuyên bố phản bác lại những hành động cực đoan của Trung Quốc thì tình hình cũng sẽ khác. Chúng ta cũng biết rằng, nếu Mỹ tiếp tục can dự về mặt kinh tế ở khu vực thì cũng tạo ra động lực về mặt phát triển kinh tế cho các nước trong khu vực, tất nhiên cũng tạo ra tăng trưởng ngay cả phía Mỹ.

Bây giờ còn quá sớm để phân tích xem là nước Mỹ sẽ chọn chính sách nào đối với Châu Á - Thái Bình Dương. Cái này chúng ta cần chờ thêm một thời gian nữa. Cá nhân tôi nghĩ rằng, lợi ích của nước Mỹ vẫn yêu cầu nước Mỹ có mặt ở khu vực, làm ăn với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - khu vực đang có tăng trưởng kinh tế nhiều nhất và cơ hội kinh tế cao nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Viết Hảo (ghi)