Đặc khu kinh tế: Nằm trong tỉnh nhưng thẩm quyền… vượt tỉnh

(Dân trí) - Vân Đồn (thuộc Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (thuộc Khánh Hòa) và Phú Quốc (thuộc Kiên Giang) là 3 đặc khu kinh tế đang hình thành của Việt Nam. Mô hình tổ chức được đề xuất của các đặc khu: trực thuộc tỉnh nhưng được trao quyền hành lớn, thậm chí vượt tỉnh, người đứng đầu do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm… đang là vấn đề gây tranh luận lớn.

Vấn đề này đã được các chuyên gia, đại diện ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án luật Hành chính – Kinh tế đặc biệt… mổ xẻ tại hội thảo “Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” diễn ra sáng 20/9.

TS.Nguyễn Bá Ân - Nguyên Phó viện trưởng Viện chính sách phát triển Bộ KH&ĐT phân tích, muốn xây dựng đặc khu để có những bước đột phá trong phát triển kinh tế thì vấn đề tạo dựng thể chế rất quan trọng vì có ưu đãi nhiều mà thể chế không thuận lợi, nhà đầu tư cũng không thể yên tâm rót vốn liếng, tiền bạc.

Mà đã gọi là một chính quyền đặc biệt thì chắc chắn mô hình không thể giống hay áp đặt quy cách như trong luật chính quyền địa phương với đầy đủ cả cơ quan dân cử và cơ quan hành chính.

Theo TS Ân, điểm quan trọng khi xây dựng thể chế tại đặc khu là mô hình phải hiện đại, gọn nhẹ, tạo thuận lợi để thu hút nhà đầu tư vào đây mà cơ bản nhất là trao đủ quyền cho người điều hành.

Ông Ân phân tích, 3 đặc khu đang xây dựng của Việt Nam theo chủ trương chung đưa ra là đơn vị hành chính thuộc tỉnh nhưng lại phải không phải là quận/huyện. Về bản chất thì đặc khu phải ngang với cấp tỉnh, thậm chí ở trên cả cấp tỉnh nữa, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, như quy định của Hiến pháp.

GS.TS.Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến tại hội thảo.
GS.TS.Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến tại hội thảo.

Góp ý nội dung này, GS.TS Nguyễn Đăng Dung - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng băn khoăn, nếu đặc khu trực thuộc tỉnh thì dễ dẫn đến tình trạng tỉnh nào cũng muốn đặc khu. Vì đặc khu thì có nhiều ưu đãi, nhiều cơ chế, cũng như tỉnh nào cũng muốn sân bay, cảng biển.

Vị chuyên gia pháp luật về nhà nước cảnh báo, không khéo rồi tỉnh nào cũng đề xuất làm đặc khu.

GS.Lê Minh Tâm – Tổng Thư ký hội luật gia Việt Nam tán thành hướng xác định, thẩm quyền thành lập đặc khu kinh tế thuộc về Quốc hội. Tính chất của đặc khu, trong số 116 thẩm quyền giao cho người đứng đầu đơn vị hành chính này thì cũng tới 77 thẩm quyền, tức phần lớn, thuộc Thủ tướng chứng tỏ tính chất hoạt động phải ở cấp trung ương quản lý.

Điều này, theo ông Tâm, liên quan đến nguyên lý giám sát vì đặt ở cấp tỉnh thì không có một cơ quan nào giám sát thực chất, hiệu quả được với một đơn vị có vị thế đặc biệt như vậy.

“Trao quyền cực lớn mà không có cơ chế giám sát với thẩm quyền đủ mạnh thì nảy sinh vấn đề lạm quyền. Vậy nên mô hình tổ chức của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phải thuộc Chính phủ chứ không thể thuộc tỉnh được” – Phó Chủ tịch Hội Luật gia cho rằng, xác định vị trí chính xác từ đầu để tránh những quy định sai lệch, thiếu chủ thuyết.

Đáp lại những ý kiến này, nguyên Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc – một chuyên gia được ban soạn thảo mời tham gia xây dựng dự án luật nói, Hiến pháp không khẳng định đặc khu thuộc tỉnh hay thuộc Trung ương nhưng phải do Quốc hội thành lập. Cá nhân ông thì cũng cho là đặc khu thuộc Trung ương thì đúng tầm để phát triển.

Cũng trên bàn chủ tọa hội thảo, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật dẫn chứng, đặc khu Tiền Hải đang rất thành công của Trung Quốc thậm chí còn là một đơn vị thuộc thẩm quyền của Thẩm Quyến mà Thẩm Quyến lại trực thuộc tỉnh Quảng Châu, tức Tiền Hải thậm chí chỉ ở “cấp… cháu chắt”, rất xa Trung ương.

Lãnh đạo UB Pháp luật của Quốc hội và đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật chủ trì cuộc hội thảo.
Lãnh đạo UB Pháp luật của Quốc hội và đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật chủ trì cuộc hội thảo.

Vậy tại sao đặc khu này vẫn rất thành công? Điều đó cho thấy việc đặt đặc khu kinh tế ở vị thế nào trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp của nhà nước không phải yếu tố quyết định thành/bại của mô hình. Cái chính là việc tổ chức phải tinh giản, gọn nhẹ và đáp ứng tối đa, nhanh nhất các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật cũng thông tin, vấn đề đặc khu kinh tế thuộc về ai đã được báo cáo Bộ Chính trị. Quan điểm của Bộ Chính trị đặc khu là mô hình mới chưa có tiền lệ nên trước mắt thận trọng trực thuộc tỉnh qua một số năm đánh giá phát triển tốt thì nâng cấp thành trực thuộc Trung ương.

Can gián những tranh cãi đưa ra, TS. Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, đặc khu không cần thuộc đâu cả, chỉ cần hoạt động theo pháp luật, chỉ thuộc pháp luật.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tuấn Khải đồng tình: “Đặc khu là độc lập hoàn toàn và chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

P.Thảo