Xót ruột với túi quà tặng của các loại "ngày thành lập"

(Dân trí) - Năm nay, nhiều địa phương rầm rộ tổ chức các lễ kỷ niệm ngày tái lập tỉnh: Nơi thì 19 năm, nơi thì 20, nơi thì 25 năm. Và cũng không tự nhiên, chỉ trong quý I (tính đến 15/3/2017), chi thường xuyên của cả nước lên tới trên 173 ngàn tỷ đồng.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong các túi quà tặng cho các vị khách dự các lễ kỷ niệm được tổ chức ồn ào, rình rang của các cấp, các ngành, địa phương (có thể là ngày thành lập ngành, ngày lập tỉnh...) lâu nay, thường hay chất đầy những quà tặng như: Các cuốn sách, tập ỷ yếu, bộ ấm chén, cặp... và tất nhiên, cả những chiếc phong bì nho nhỏ.

Dĩ nhiên, với số lượng khá lớn người tham dự, có những sự kiện lên tới hàng ngàn người thì cộng các khoản chi phí đó lại, cùng với các chi phí cho các hoạt động ca múa nhạc, thể thao, tiệc tùng, chỗ ăn-nghỉ cho khách mời... đi theo sự kiện thì tổng chi phí luôn là những con số không hề nhỏ.

Và những ai đã từng nhiều lần đi dự các kỳ cuộc ấy còn thấy một sự lãng phí không hề nhỏ nữa là các tặng vật trong túi quà tặng, nhiều người không muốn dùng như cốc chén, bình, cặp sách... Nhiều người mang về cũng lại vứt xó, bởi chúng luôn được in những dòng chữ rất to lên, để ghi nhớ ngày thành lập, ngày kỷ niệm, mà người được tặng không phải ai cũng muốn.

Năm nay cũng vậy, mới mấy tháng đầu năm, lại một loạt địa phương tổ chức ngày tái lập tỉnh, thành phố: Nơi 19 năm, nơi 20 năm, nơi 25 năm... Theo thông tin trên báo Lao động ngày 8/4, trong dịp lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tỉnh Vĩnh Phúc, riêng kinh phí các gói thầu mua sắm quà tặng của các huyện, thị xã thuộc tỉnh này đã lên tới 65 tỷ đồng.

Một phần khá lớn trong số đó là tiền trích từ ngân sách nhà nước để mua các bộ ấm chén, để lại in dòng chữ đỏ, to đùng: “Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc”.

Trước đó nữa, như Dân trí cũng đã từng đưa tin, Tập đoàn Than-Khoáng sản đã bạo tay chi tới khoảng 70 tỷ đồng để mua các kỷ niệm chương bằng bạc trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành với đơn giá 640.000 đồng/sản phẩm.

Một điều dễ thấy là nhiều vật phẩm, quà tặng trong các lễ kỷ niệm đó thường có giá cao bất ngờ so với giá thị trường, trong khi phần giảm giá cho những đợt mua hàng làm quà cho đại biểu với số lượng rất lớn ấy lại rất thấp. Ví dụ như tỉnh Vĩnh Phúc, việc mua cả ngàn bộ ấm chén từ 2 doanh nghiệp tư nhân được giảm giá có 0,5%.

Bản tin thời sự VTV tối ngày 9/4 cũng phát đi thông tin, có tỉnh trong dịp lễ kỷ niệm thành lập cũng đã tặng khách mời những vật phẩm được định giá cao gấp nhiều lần giá trị thực trên thị trường.

Với một loạt địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức các lễ kỷ niệm trong năm nay, nếu vẫn theo cách mà tỉnh Vĩnh Phúc, hay Tập đoàn Than-Khoáng sản vừa qua đã làm, chắc chắn rằng, số tiền chi mua quà tặng, tiệc tùng, ca hát... được chi từ ngân sách nhà nước ra không phải là ít.

Tổ chức rình rang, tốn kém trong các lễ kỷ niệm, khánh tiết của các tỉnh, các ngành là những biểu hiện tốn kém, lãng phí mới sau những sự việc gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua như xây tượng đài, mua sắm xe ô tô công giá trị cao...và mới đây nhất là việc tỉnh Quảng Ninh đầu tư cột đồng hồ ở thành phố Hạ Long với kinh phí lên tới 35 tỷ đồng.

Với cung cách chi tiêu như vậy trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang rất khó khăn do các nguồn thu từ xuất, nhập khẩu, từ dầu tho giảm mạnh, nguồn thu mới chậm tăng lên, thật quá đáng lo cho những nỗ lực của Chính phủ nhằm thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu ngân sách để giảm chi tiêu công, giảm nợ công.

Và quả thực, các con số về thu, chi ngân sách nhà nước trong quý I là rất đáng suy nghĩ. Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê mới công bố cuối tuần trước, tính từ đầu năm đến 15/3/2017, chi thường xuyên của các nước lên tới 173,2 ngàn tỷ đồng, chi trả nợ lãi và gốc cũng lên tới 61,4 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, chi đầu tư chỉ đạt 32,6 ngàn tỷ đồng. Tổng chi tiếp tục lớn hơn tổng thu: Tổng chi lên tới 229,1 ngàn tỷ đồng, trong khi tổng thu đạt 216,7 ngàn đồng.

Chi thường xuyên quá lớn, trong đó có đóng góp không nhỏ của các khoản chi cho các lễ kỷ niệm, khánh tiết như vậy, trong khi chi cho đầu tư thấp thì làm sao có sự phát triển, làm sao giảm được bội chi, giảm bớt gánh nặng nợ công mà người dân, doanh nghiệp ngày càng oằn lưng hơn gánh vác?

Quyết định số 398/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 ngày 31/3/2017 có thể nói là vừa mới "ráo mực". Đây là một quyết định rất cần thiết để khắc phục tình trạng chi tiêu ngân sách còn hoang phí ở nhiều nơi. Cho nên những việc chi tiêu, mua sắm quà tặng bất hợp lý như vừa qua ở tỉnh Vĩnh Phúc cần được chấn chỉnh để tránh tình trạng lặp đi, lặp lại ở nơi này, nơi khác, không đảm bảo hiệu quả của chương trình tổng thể này.

Mạnh Quân