Vụ “cái mặt kênh kiệu” – Không để kẻ xấu có đất lợi dụng…!

(Dân trí) - Chỉ có cách hành xử chân tình, tận tâm, thực lòng và đến nơi đến chốn, chính quyền các cấp An Giang mới thực sự xứng đáng là chính quyền của dân, do dân, vì dân, xứng đáng với truyền thống của miền đất An Giang anh hùng và mới không để kẻ xấu có đất lợi dụng, xuyên tạc, phải không các bạn?

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vụ chê ông Chủ tịch tỉnh có “cái mặt kênh kiệu” tại An Giang đang bước vào hồi kết. Mọi sự đã và đang được xử lý rốt ráo theo hướng thượng tôn pháp luật. Việc rút tất cả các quyết định đã nói lên cách hành xử không đúng của các cơ quan chức năng...

Cụ thể là sau lên tiếng của dư luận, tướng lĩnh, đại biểu Quốc hội và trả lời phỏng vấn báo chí của Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn (ông Tuấn đánh giá cách hành xử của An Giang là “việc làm tuỳ tiện và có dấu hiệu lạm quyền… không hợp lý, thậm chí phản cảm”), UBND tỉnh An Giang đã rút lại tất cả các hình thức xử lý kỉ luật. “Thân chủ” đồng thời cũng là “khổ chủ”, ông Chủ tịch tỉnh An Giang trả lời phỏng vấn đã bày tỏ những suy nghĩ băn khoăn của mình…

Trước hết, đây là những việc làm nên ghi nhận của UBND An Giang nói chung, ông Chủ tịch An Giang nói riêng đồng thời cũng khẳng định việc bình luận ông Chủ tịch tỉnh có cái mặt “kênh kiệu” là không có lỗi chứ không phải “có lỗi nhưng không đến mức bị kỷ luật, xử phạt” như lời ông Hồ Việt Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Song, nhận ra lỗi lầm mới là bước khỏi đầu, khắc phục sai lầm và rút ra bài học để tránh mắc những sai lầm mới là quan trọng. Do đó, dư luận đặt ra những yêu cầu cần làm sáng tỏ tiếp theo.

Đó là thứ nhất, sự việc tuy không lớn nhưng nó đã bị “biến hóa” thành một việc không nhỏ, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan công quyền, tổ chức Đảng và nhân dân An Giang nói chung. Mà một nhà nước pháp quyền tất nhiên là không cho phép bất cứ ai, tổ chức nào “thích thì ban, không thích thì… rút” một cách dễ dàng và khơi khơi như thế.

Thứ hai, đây là việc làm gây oan sai cho một công dân nên phải được xử lý đúng pháp luật như họ đã từng xử lý “đúng pháp luật” với 3 người bị xử lý oan trước đó.

Vì thế, đối với khắc phục hậu quả, trước hết, cần tổ chức xin lỗi công khai đối với ba cán bộ, viên chức trên theo đúng qui định của pháp luật, cụ thể: “Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan. - Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức sau: Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú  hoặc nơi làm việc của người bị oan có tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện cơ quan nơi người bị oan sai làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị oan sai là thành viên”, tức là phải trực tiếp chứ không có chuyện “xin báo chí chuyển lời xin lỗi” như lời ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông “nhờ vả”.

Cũng cần nói rõ, họ không sai nên không có chuyện ai đó “tha thứ” hay giảm nhẹ mà ngược lại, hãy làm mọi cách để họ đồng ý cho xin lỗi và mong họ bỏ qua cho những việc làm này.

Bước thứ hai, cần có hình thức xử lý đối với những người gây ra oan sai cho các nạn nhân trên, có thể áp dụng chính mức họ đã gây ra cho người khác, đó là kỉ luật Đảng, kỉ luật chính quyền và phạt 5 triệu đồng.

Thứ ba, cam kết không gây những khó khăn, phiền toái sau này đối với 3 công dân trên bởi chắc chắn, từ sau vụ này, họ sẽ rất hoang mang, lo sợ.

Về rút kinh nghiệm, dứt khoát không thể để những vệc tương tự xảy ra, đặc biệt, không để dư luận coi lãnh đạo là những ông vua, bà chúa, xa dân, rời dân, trên dân và những lời nói bình thường cũng trở thành “húy kị” như thời phong kiến.

Chỉ có cách hành xử chân tình, tận tâm, thực lòng và đến nơi đến chốn, chính quyền các cấp An Giang mới thực sự xứng đáng là chính quyền của dân, do dân, vì dân, xứng đáng với truyền thống của miền đất An Giang anh hùng và mới không để kẻ xấu có đất lợi dụng, xuyên tạc, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám