Về “cuộc cách mạng” đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(Dân trí) - Chưa đầy một tháng sau ngày nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động một cuộc “cách mạng” về vệ sinh, an toàn thực phẩm.


(Thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng)

(Thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng)

Đây cũng có thể coi là việc làm đầu tiên nhằm thực hiện một trong những cam kết của ông tại buổi lễ nhậm chức: “không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần ấm no hạnh phúc, an toàn, an ninh cho nhân dân”.

Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố cùng ba bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn diễn ra ngày 27/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói:

"Cuộc cách mạng này phải làm dân hiểu rõ vấn đề từ sản xuất đến tiêu dùng, tố giác tội phạm đến xử lý nghiêm vi phạm. Việc sản xuất, tiêu thụ, buôn bán trái phép trên địa bàn, trong chợ của xã phường, huyện, tỉnh thì ông chủ tịch của xã đó, huyện đó, tỉnh đó phải chịu trách nhiệm cá nhân về sức khỏe của nhân dân”.

Coi vệ sinh an toàn thực phẩm là “cuộc cách mạng” đã thể hiện rất rõ tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đối với lĩnh vực này bởi theo Thủ tướng, thực phẩm bẩn không chỉ làm hại cả giống nòi mà còn cả uy tín quốc tế của đất nước. Tại phiên họp Chính phủ lần đầu tiên chiều 12/4, chủ trì phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới được kiện toàn để bắt tay ngay vào công việc, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung chỉ đạo các vấn đề bức xúc mà Quốc hội và nhân dân đã nêu như vệ sinh an toàn thực phẩm.

Song, đáng mừng nhất là cùng với thái độ kiên quyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn qui trách nhiệm rất cụ thể.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị cần chấm dứt ngay tình trạng “một mâm cơm, ba bộ quản lý” và hiểu Luật An toàn thực phẩm theo cách tiếp cận mới, tức là quản lý theo chuỗi sản phẩm. Ví dụ, mặt hàng rau thì Bộ NN&PTNT quản lý tất cả các khâu, từ sản xuất, phân phối, đóng gói… Mặt hàng bia thì do Bộ Công Thương quản lý chứ không phải như trước kia, việc trồng rau do Bộ NN&PTNT còn đưa rau ra thị trường thì do Bộ Công Thương và chế biến trong nhà hàng thì do Bộ Y tế quản lý...

Bí thư Thanh Hóa Trịnh Xuân Chiến đề nghị "cần có sự quản lý chặt chẽ "đầu vào" của các ngành chức năng của Trung ương đồng thời cũng cần có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, với tình hình hiện nay, tuyên truyền phải đi đôi với xử phạt".

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cũng cho rằng do không xác định được trách nhiệm, không kỷ luật được ai, từ xã, phường, quận, huyện nên dẫn đến tỉnh, thành nên hầu như không có sức răn đe…

“Chính vì hiện nay chúng ta không xác định được trách nhiệm của ai để kỷ luật nên “cả làng đều vui”, ăn bẩn vẫn vui vì có chết ngay đâu. Nếu trách nhiệm chưa rõ ràng thì tình trạng này chưa giải quyết được”. Ông Thăng nói.

Trước những bức xúc trên, Thủ tướng đã yêu cầu cụ thể về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và chỉ rõ "nếu ở xã, phường thì địa phương phải chịu trách nhiệm, ở Trung ương, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Không dừng ở đó, Thủ tướng chỉ đạo, xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm...

Có thể nói, đây là lần đầu tiên vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm được đặt ra một cách quyết liệt và cụ thể như vây.

Hi vọng rằng sau cuộc “cách mạng” mà Thủ tướng vừa phát động, “con đường đến nghĩa địa thông qua dạ dày” sẽ không còn “ngắn như bây giờ” nữa. Nỗi lo ngại về thực phẩm bẩn không còn ám ảnh mỗi bữa cơm…

Bùi Hoàng Tám