Thủ tục hành chính, sau cải cách, có thực không biết đưa phong bì cho ai?

(Dân trí) - Tuần qua, tại hội nghị công bố bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2018 (APCI 2018), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói tại các cơ quan áp dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến, người đi làm thủ tục hành chính “có kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai, vì không biết ai giải quyết thủ tục của mình”.

Thủ tục hành chính, sau cải cách, có thực không biết đưa phong bì cho ai? - 1

Điều này đúng, nhưng tiếc rằng, vẫn có... ngoại lệ.

Quả thật, như đánh giá của ông Dũng, những kết quả khảo sát của các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu kinh tế, trong mấy năm nay, ở những cơ quan, đơn vị nào của nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), dịch vụ công trực tuyến, chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp có giảm đi đáng kể.

Cả đánh giá "có kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai, vì không biết ai giải quyết thủ tục cho mình" của ông Dũng mà Dân trí cũng đã dẫn lại trong bài báo tường thuật trên cơ bản cũng đúng. Có những dịch vụ công hiện nay như làm thủ tục cấp đổi bằng lái xe, sao y giấy tờ từ bản chính... nếu người dân sử dụng thuần thục máy tính, internet để làm các thủ tục theo hướng dẫn thì công sức, thời gian đi lại cũng bớt hơn trước nhiều.

Và người ta cũng không phải lăn tăn phong bì bao nhiêu cho các nhân viên ở các cơ sở hành chính công như trước đây. Vì quả thật, đăng ký xong, nếu giấy tờ hợp lệ, đủ thủ tục rồi, chỉ việc tới cơ quan nơi mình làm thủ tục nộp phí (nếu có) rồi về.

Tuy nhiên, không phải không có ngoại lệ về chuyện, cải cách rồi, làm thủ tục trực tuyến rồi nhưng có những người dân vẫn phải lo lắng, lót tay, lì xì... thêm cho cán bộ, công chức ở nơi họ làm thủ tục.

Trong số rất đông những người đi làm các loại thủ tục hành chính: Cấp bản sao trích lục giấy tờ, nộp tiền hoàn thuế, cấp bằng... có nhiều người biết sử dụng máy tính, biết cách kê khai, làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến.

Nhưng cũng còn không ít người dân chưa biết sử dụng máy tính, thậm chí có người chưa từng sử dụng máy tính, chưa biết cả cách kết nối internet thì việc làm đủ các thủ tục hành chính công nhiều khi cũng là việc rất khó khăn, thậm chí có người còn thấy khó hơn rất nhiều so với làm thủ tục kiểu cũ.

Chính ở chỗ này, lại phát sinh những vướng mắc, lại phải có bàn tay con người và lại phải có phong bì, có lót tay... Người viết bài này đã từng chứng kiến một bà cụ đi sao một giấy tờ tại một địa phương, nhưng tại bộ phận "một cửa" đó, lại chỉ cho cụ phải vào máy tính mới làm được. Lần mò mãi không được, cụ phải nhờ một nhân viên "một cửa" hướng dẫn. Cô này có những lời nói khá khó nghe và sau một lúc, thấy bà cụ cũng run run, móc từ túi rúi vào tay cô đó chắc vài chục ngàn. Và lúc sau thì thủ tục của bà lão cũng được giải quyết xong.

Ở những nơi khác cũng có những câu chuyện tương tự. Có những người dân ít có điều kiện làm quen với máy tính, khi làm thủ tục hành chính online thì liên tục mắc lỗi, thì những nhân viên hành chính công thiếu liêm khiết lại có dịp gợi ý, ép họ phải hiểu là phải có lì xì, để được hướng dẫn, hỗ trợ làm nhanh thủ tục mà người dân đó đang lúng túng, thay vì chủ động giúp đỡ.

Vâng, đúng như lời ông Mai Tiến Dũng nói, “nếu làm (cải cách thủ tục hành chính) tốt, công khai tốt thì các chi phí sẽ giảm, cả chi phí về thời gian và những khoản như bao thư lót tay, bởi chúng ta sẽ giám sát được”. Nhưng như lời ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nói tại hội nghị hôm đó: "Con người không thay đổi thì trời cứu được".

Ông Chủ tịch hiệp hội này có phân tích rất đúng: Nếu phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin và cần đánh giá, nhìn nhận từ 2 chiều, cả phía các cơ quan công quyền và cả phía người dân, doanh nghiệp. Bởi nếu làm tốt ở các Bộ, ngành trên T.Ư mà người dân, doanh nghiệp không hiểu thì chi phí không chính thức vẫn tồn tại.

“Con người, đạo đức, tư duy mà không thay đổi thì trời cũng không cứu được chứ đừng nói đến công nghệ thông tin. Con người và công nghệ phải tương tác với nhau, nếu làm được thì rất tốt”, nhận xét của ông Thân với những câu chuyện thực tế như việc bà cụ phải lì xì cho cô nhân viên bộ phận "một cửa" nêu trên đúng là một câu chuyện mới mà các nhà quản lý, làm cải cách phải tính đến.

Mạnh Quân