Thôi thì... mời các bác đi Viện Đạo đức hết đi cho

(Dân trí) - Đầu tuần này, một phát ngôn gây lên nhiều ý kiến tranh luận trái chiều chính là đề xuất của PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: "Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng cần có Viện Đạo đức học trang bị cho cán bộ lãnh đạo quản lý đạo đức của người cách mạng".

Thôi thì... mời các bác đi Viện Đạo đức hết đi cho - 1

Phát ngôn trên của PGS Nguyễn Trọng Phúc được đưa ra tại hội thảo: "Sửa đổi lề lối làm việc-Những vấn đề lý luận và thực tiễn", được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm vệc" (10/1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu nói trên đã dấy lên một cuộc tranh luận bất tận trên báo chí, mạng xã hội. Người thì cho rằng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng có ý nói vui, hài hước. Có người thì nói rằng, đề xuất như trên không hợp lý vì đạo đức là phải rèn luyện từ nhỏ, chứ người đã trưởng thành rồi mới dạy đạo đức thì... vô phương. Có người thì bảo: Không phải không có lý vì đâu phải lớn rồi thì không cần dạy, rèn luyện thêm vì học tập, tu dưỡng bản thân là quá trình học tập suốt đời...

Nhưng PGS Nguyễn Trọng Phúc thực ra không hề nói đùa. Trả lời phỏng vấn báo chí sau phát ngôn "gây bão" trên, ông nghiêm túc nói rằng: "Thực tế, hệ thống Học viện Chính trị mới chỉ có nghiên cứu, giảng dạy bài về đạo đức học của Viện Triết học còn nghiên cứu đầy đủ, giảng dạy bài bản thành một môn học đạo đức cách mạng thì chưa có".

Ông nói rõ: "Đề xuất của tôi xuất phát từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức ngang với chính trị tư tưởng, tổ chức. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức có rất nhiều cơ quan tham mưu của Đảng lo từ Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo, Học viện Chính trị… nhưng riêng mảng đạo đức, tôi thấy rằng chưa có cơ quan chuyên.

Tại Học viện Chính trị không có bài riêng, không có môn học riêng mà chỉ có bài đạo đức học... nên giờ phải triển khai bộ môn này để rộng rãi, bài bản, nghiêm túc hơn".

Vị cán bộ nguyên là Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng còn nói rằng, cán bộ là gốc, nhưng huấn luyện cán bộ là công việc của Đảng, vì vậy, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cần có Viện Đạo đức học trang bị cho cán bộ lãnh đạo quản lý đạo đức của người cách mạng.

"Trên thực tế hiện nay mình chú ý nhiều hơn về pháp luật, nhưng đạo đức lại ít người lo, ít cơ quan lo. Có thực tế thế nên mới dẫn đến tình trạng đạo đức trong xã hội xuống cấp", ông nói.

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc thì trong hệ thống nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý việc học đạo đức luân lý, đạo đức công dân đã được tăng cường. Bây giờ bên hệ thống trường Đảng cũng phải được tăng cường trang bị đạo đức cách mạng, đặc biệt tấm gương của Bác Hồ.

Rõ ràng là PGS Nguyễn Trọng Phúc chẳng hề nói đùa. Ông có những lập luận khá chặt chẽ để khẳng định đề xuất của mình là cần thiết.

Thế nên, những ai có ý kiến cho rằng: Ông ấy đùa, ông ấy có ý hóm hỉnh hay đề xuất không hợp lý, làm tăng biên chế không cần thiết, rồi "tre già khó uốn"... có lẽ cũng nên xem lại, tranh luận với bác Phúc thế nào cho chặt chẽ?

Nhưng có câu hỏi phải đặt ra: Vậy phải chăng vừa qua, do thiếu Viện Đạo đức học, thiếu nơi đào tạo, tăng cường "đạo đức cách mạng" cho cán bộ nên thời gian qua, có không ít cán bộ, công chức nhà nước "thoái hóa", "biến chất", tham ô, tham nhũng...?

Nếu khẳng định được điều này thì có lẽ, nên nghe theo lời PGS Nguyễn Trọng Phúc, lập ra Viện Đạo đức học, mời các "thày" mẫu mực, đạo đức, tư cách sáng ngời giảng dạy. Và cán bộ, công chức trong "quy hoạch" đi Viện hết cho để đào tạo, tu dưỡng bản thân, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, đạo đức mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân mong muốn ở họ.

Mạnh Quân