Một cuộc “cách mạng tổ chức” mang tên “giảm & sáp nhập”?

(Dân trí) - “Đa quan, tàn dân – Thành ngữ”, "Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi - Đức Vua Trần Nhân Tông”. Lời người xưa vẫn văng vẳng bên tai!

Một cuộc “cách mạng tổ chức” mang tên “giảm & sáp nhập”? - 1

Bộ Công an xóa bỏ cấp Tổng cục. Sáp nhập tại một số bộ ngành. Nhất thể hóa ở Quảng Ninh. Dự kiến sáp nhập 259 huyện, 6.191 xã trong cả nước. Giảm, sáp nhập hàng loạt đơn vị công lập ở Thừa Thiên Huế. Bỏ một số đầu mối ở Bộ Công Thương, sáp nhập một số vụ ở Bộ Tài nguyên – Môi trường…

Những biểu hiện trên có vẻ như đang báo hiệu một cuộc “cách mạng” về công tác tổ chức nhằm tinh giản bộ máy, tăng thêm tính hiệu quả công việc đang được khởi xướng.

Cách đây 04 ngày (6/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kí ban hành Nghị định 01 về cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Công an. Theo đó, Chính phủ chính thức xoá bỏ 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.

Ở địa phương, ngành sáp nhập 20 Sở Cảnh sát PCCC vào Công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 50 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội…

Có lẽ chưa bao giờ có một cuộc chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức như lần này và đây cũng là tín hiệu, công cuộc cải cách công tác tổ chức sẽ tiếp tục đối với nhiều bộ, ngành và địa phương khác.

Tại hội thảo góp ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021do Bộ Nội vụ tổ chức, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, hiện cả nước có 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội và cần sắp xếp lại theo Nghị quyết 18 TƯ 6.

Tại Thừa thiên – Huế, ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết, năm 2018 chương trình trọng điểm của tỉnh là cải cách hành chính. Theo đó, việc tinh giản bộ máy đang và sẽ thực hiện trên 2 nội dung là: Sắp xếp tinh giản các tổ chức trong hệ thống chính trị và tiếp tục đổi mới tổ chức nâng cao tính hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công ích.

Hiện nay, các bộ, ngành như Nội vụ, Công Thương, Tài nguyên Môi trường… đang tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế và đã đạt hiệu quả rõ nét.

Chắc chắn tới đây, nhiều địa phương, bộ, ngành cũng sẽ thực hiện theo hướng này và khi đó, bộ máy hành chính sẽ giảm đáng kể, tiết kiệm một nguồn ngân sách khổng lồ đồng thời sẽ tránh tình trạng chồng chéo, “cha chung”, lấn sân.

Tuy nhiên, để có được cuộc “cách mạng” này, không thể không nhắc đến Quảng Ninh, đơn vị đi tiên phong từ nhiều năm trước và đã gặt hái thành công.

Năm 2014, bằng Đề án 25 về đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản tổ chức, biên chế, một loạt giải pháp được thực hiện như sắp xếp lại hệ thống trường học, trạm y tế; tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị, tiến hành nhất thể hóa (hợp nhất chức danh Bí thư và Chủ tịch HĐND) thí điểm ở một số địa phương…

Cách đây mấy ngày, điều tra của phóng viên Dân trí cho thấy nhiều người dân Quảng Ninh bày tỏ sự hài lòng với Trung tâm Hành chính công cả ở sự tiện lợi, khoa học và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cũng như thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức Trung tâm.

Trở lại với những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức, có thể nói với sự xuất hiện ở mọi phương diện, lĩnh vực… từ bộ, ngành trung ương đến các địa phương trên phạm vi toàn quốc hình như đang báo hiệu một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực tinh giản biên chế, cải cách hành chính.

Cụ thể ở Trung ương, các bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ và có các hoạt động tương đồng nên sáp nhập lại để thuận lợi việc điều hành, tránh chồng chéo.

Đối với địa phương, ngay cả một số tỉnh, huyện có diện tích nhỏ, dân số ít cũng nên sáp nhập.

Đặc biệt đối với các Bộ có nhiều Tổng cục như Bộ KH&ĐT có 63 Cục trưởng và 124 Phó Cục trưởng, Bộ Tư pháp là 57 Cục trưởng và 134 Phó Cục trưởng và đặc biệt của đặc biệt là Bộ Tài chính, nơi có tới 181 Cục trưởng, 423 Phó Cục trưởng, chiếm hơn 50% số lượng Cục trưởng, Phó Cục trưởng cả nước cần phải có những biện pháp quyết liệt.

“Đa quan, tàn dân – Thành ngữ”, "Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi - Đức Vua Trần Nhân Tông”. Lời người xưa vẫn văng vẳng bên tai!

Bùi Hoàng Tám