“Lời ăn, lỗ kêu Chính phủ”, chuyện thật nghe cứ như đùa!

(Dân trí) - Còn nhớ chỉ cách đây không ít lâu, báo chí còn đưa tin các doanh nghiệp BOT kinh doanh ăn nên làm ra, báo lãi dồn dập. Thế mà thật kỳ lạ, mới đây, hết chuyện “ông trùm” Tasco tuyên bố dừng đầu tư mới vào BOT vì chê tỷ suất sinh lời thấp lại đến chuyện chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lo “vỡ phương án tài chính”, xin “Nhà nước hỗ trợ kịp thời” vì doanh thu phí 5,5 tỷ đồng/ngày không đủ trả lãi.

“Lời ăn, lỗ kêu Chính phủ”, chuyện thật nghe cứ như đùa! - 1

oanh nghiệp (DN) thì “kêu than” như thế. Còn người dân, nói cho đúng là ra là người tiêu dùng, cũng phải mấy phen “ngậm đắng nuốt cay” vì những dự án BOT này. Từ chuyện dân căng băng rôn phản đối, dùng tiền lẻ trả phí gây ách tắc cầu Bến Thủy (Nghệ An) rồi đến những phản ứng của người dân tại BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), BOT Thái Nguyên – Chợ Mới… có thể thấy, bức xúc của người dân là không hề nhỏ và ảnh hưởng đến quyền lợi của họ tại các trạm thu phí BOT là có thực.

Không ít lần các chuyên gia kinh tế và cả các đại biểu Quốc hội đã nhận xét: Hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu, thậm chí nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dự án BOT.

Vậy BOT sinh ra làm gì khi DN thì “than” mà dân thì “phiền” như vậy? Thú thực, tôi chẳng phải người kinh doanh, nhưng vẫn thắc mắc vì sao người ta lại đầu tư vào một dự án nếu biết trước rằng dự án đó sẽ lỗ? Tất nhiên, sẽ không có điều đó. Phải có lợi ích thì DN mới làm!

Thế nhưng, như chuyện cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, mới nghe chính chủ đầu tư dự án này trình bày mà người viết cũng đã phải giật mình. Dự án có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng, nợ gốc trên dưới 30.000 tỷ đồng, nợ vay nước ngoài 300 triệu USD. Thu phí mỗi ngày 5,5 tỷ đồng, tưởng là “khủng” lắm, nhưng hóa ra không đủ trả lãi đến 8 tỷ đồng/ngày.

Trước khi thực hiện, chủ đầu tư này phải lập và trình phương án tài chính, trong đó đã lường trước rủi ro và tính toán được doanh thu dự kiến, tất nhiên, lộ trình trả nợ thì đã rõ ràng. Thế mà sau hơn 1 năm thu phí, chuẩn bị chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài lại lo mất cân đối nghiêm trọng về tài chính! Hóa ra, phương án tài chính mà chủ đầu tư lập ra ban đầu lại chẳng mang lại giá trị gì? Khi loay hoay với các khoản nợ, chủ đầu tư “kêu” lên Thủ tướng.

Đến đây lại nhớ đến trường hợp khoản nợ 3.500 tỷ đồng liên quan đến BOT của Tasco, một “ông lớn” trong lĩnh vực này. Hồi tháng 3, khi đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp này cho biết, số nợ này công ty không phải chịu lãi, mà do Nhà nước trả. Do đó, nếu lãi suất thị trường tăng hay giảm, công ty không bị rủi ro phần nợ vay 3.500 tỷ đồng của các dự án BOT. Khi các dự án BOT đi vào hoạt động thì sẽ có lợi nhuận và trả được số nợ ngân hàng liên quan.

Chuyện tư nhân làm ăn mà nghe hơi hướng như mấy “ông” DNNN vậy. Từ những chuyện kinh điển như Vinashin, Vinalines cho đến 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ. Chưa hết lại có mấy tập đoàn đầu tư ra nước ngoài thua lỗ… Rốt cuộc rồi Nhà nước vẫn là “mẹ đỡ đầu”. Tư duy của nhiều DN vẫn đang xem sự hỗ trợ của Nhà nước là sự bao bọc, vốn ngân sách là “nguồn sữa” vô tận.

Mà trong khi nhiệm vụ chính của Nhà nước nhẽ ra là tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hỗ trợ DN về chính sách, thủ tục chứ không phải là vốn liếng, là tiền. Tiền Nhà nước là tiền thuế của dân, nguyên tắc là phải phục vụ nhân dân chứ không phải là “rót”, hỗ trợ cho một vài DN nào đó.

Nhưng ngay cả như nhiệm vụ cơ bản là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho DN phát triển, nhiều cơ quan Nhà nước vẫn làm chưa tốt. Chẳng đâu xa như chuyện tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư gần đây vì ách tắc thủ tục, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã gọi thẳng là “đỉnh cao của hành chính vô cảm”.

Cho nên, có lẽ hơn lúc nào khác, Nhà nước nên lùi về tập trung cho công tác thể chế, thay vì làm kinh tế. Người làm công chức mà không hoàn thành nhiệm vụ thì bị kỷ luật, sa thải; DN kinh doanh phải trên nguyên tắc “lãi ăn, lỗ chịu”, không đủ khả năng thì bị đào thải khỏi thị trường. Sự rõ ràng bao giờ cũng có lợi và cần thiết, bởi một khi vẫn còn những mập mờ đâu đó thì khó tránh được lợi ích nhóm, khó tránh tham nhũng, thân hữu, thất thoát tài sản công!

Bích Diệp