Kỳ họp "tâm tư" và hai câu nói “sửng sốt” nghị trường

(Dân trí) - Quốc hội XIII vừa bế mạc. Có lẽ do đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ này, sắp tới, sẽ có nhiều đại biểu không còn tiếp tục tham gia Quốc hội nữa nên cũng là kỳ họp có nhiều “tâm tư”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Khoảng 44% số người làm thủ tục cấp sổ đỏ phải có lót tay. Tỷ lệ người dân phải lót tay cho cán bộ ở cấp bệnh viện tuyến huyện, quận vẫn… “ổn định” ở mức 12%. Hiệu quả quản trị và hành chính công suy giảm đáng kể. Nạn vòi vĩnh, đòi chung chi có xu hướng gia tăng và đang trở thành… phổ biến. Điều đáng lo ngại, hình như quyết tâm chống tham nhũng đang giảm dần. Nhiều doanh nghiệp bên bờ phá sản vì tệ nhũng nhiễu, lót tay.

Đó là những con số và ý kiến được nêu sáng ngày 12/4, tại lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015.

Đọc những thông tin trên, chợt nhớ đến những câu nói “sửng sốt” nghị trường tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội XIII vừa bế mạc. Có lẽ do đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ này, sắp tới, sẽ có nhiều đại biểu không còn tiếp tục tham gia Quốc hội nữa nên cũng là kỳ họp có nhiều “tâm tư”.

Vì nhiều “tâm tư”, nghị trường xuất hiện nhiều ý kiến mạnh mẽ, tâm huyết và nhiều câu nói ấn tượng về nhiều lĩnh vực. Song, riêng lĩnh vực kinh tế, có lẽ hai câu “Chim chưa đậu đã nhậu mất chim” và “Trên trải thảm, dưới rải đinh” đã làm “sửng sốt” cử tri.

Câu thứ nhất của ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói ngày 24-3 tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội năm 2015. Đánh giá về những thàng công trong nhiệm kỳ qua, sau những điểm sáng rất đáng tự hào, nữ đại biểu này đã hài hước nói: “Nhiều doanh nghiệp tâm sự đất lành thì chim đậu. Nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết cả chim”.

Câu thứ hai là của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường sáng ngày 1/4/2016. ĐB Tiến cho rằng, mặc dù chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện để kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện tại nhiều địa phương vẫn còn khoảng cách xa so với thực tế. Tình trạng nhà đầu tư bị làm khó dễ như cắt nước, cắt điện, lấp đất chặn cửa; đòi tiền lót tay, bôi trơn… là “chuyện thường ngày”. Những vấn nạn này đang “làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng”.

Chuyện hành doanh nghiệp ở nước ta không lạ. Thậm chí, doanh nghiệp bị “lừa”, bị “bẫy” cũng không lạ.

Đã có thời doanh nghiệp nói về “triết lý” “vỗ béo, ăn thịt”. Doanh nghiệp được thả cho làm ăn một thời kỳ, khi “béo” lên rồi tìm cớ “làm thịt”.

Tưởng cái thời đó đã qua, giờ đây lại có “bước tiến mới”, không thả, không nuôi mà cũng chẳng cần vỗ béo, “nhậu” luôn. Thậm chí, “nhậu” ngay cả khi “chim” còn lơ lửng, chưa kịp “đậu”.

Một trong những “mánh khóe” dụ “chim” là “trải thảm đỏ”.

Chuyện “trải thảm” của ta là câu chuyện dài. Đã có thời kỳ huyện huyện “trải thảm đỏ”, tỉnh tỉnh “trải thảm đỏ” để đón nhân tài và nhà đầu tư.

Với nhân tài là lương bổng, nhà đất, là những lời hứa và rất nhiều những lời hứa. Nhưng than ôi, nhân tài ở địa phương nhiều nơi còn không trọng dụng, thậm chí đày ải thi làm sao mà đòi “trải thảm đỏ” đón ai? Nên đã không ít trường hợp “thảm” thì “đỏ” mà người đi trên thảm thì vàng mắt, xanh mặt, tím tái gáy tai để cuối cùng, thảm đỏ thành… thảm kịch.

Với doanh nghiệp, đã nhiều và rất nhiều hứa và cam kết được đưa ra tưởng như cánh cổng thiên đường cho việc làm ăn đã mở.

Thế nhưng đừng vội mà tin mà phải xem xét cho kỹ. Nhất là xem cái cung cách họ đối xử với doanh nghiệp bản địa như thế nào đã. Rồi phải xem cả bộ máy đó ra sao.

Đã có nhiều trường hợp “trênn thảm, dưới đinh, ở giữa linh tinh vừa đinh vừa thảm”.

Tóm lại, với một môi trường đầu tư vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “trên thảm, dưới đinh” và “chim chưa đậu đã nhậu mất chim” thì doanh nhân chỉ còn nước rơi vào… “thảm cảnh”.

Bùi Hoàng Tám