Du lịch vẫn cách thức của những năm “một nghìn chín trăm… hồi đó”!
(Dân trí) - Trong khi xã hội đã phát triển và không ngừng văn minh lên từng ngày… thì các địa phương ở ta vẫn đang làm du lịch theo cách thức của những năm “một nghìn chín trăm… hồi đó”, vẫn căn bệnh “chặt chém” đã di căn.
Bước vào mùa du lịch. Một bài tổng hợp trên báo Vietnamnet về nạn “chặt chém vô đối” bất giác khiến tôi giật mình, dù rằng, thứ “văn hoá kinh doanh” này bao năm nay vẫn bị coi là “tệ nạn”. Tệ nạn - ấy mà chẳng địa phương nào dẹp nổi, cứ “đến hẹn lại lên”.
Bài báo này thông tin, ngày 25/5, nhóm du khách hơn 10 người từ Hà Nội đi du lịch Đồ Sơn phải trả thêm 500.000 đồng tiền ghế ngồi khi ăn hải sản ở một quán ven biển. Nhóm du khách bức xúc đã quay clip và tung lên mạng xã hội, kêu gọi mọi người không nên đến Đồ Sơn để đi du lịch.
Và với một phép liên hệ, bài báo còn dẫn thêm những ví dụ từ 3 năm trước ở TPHCM. Một khách hàng vào quán lúc 20h20 ngày 23/6/2015 dùng một ly đá chanh với giá 23.000 đồng nhưng cuối cùng phải trả tổng cộng 43.000 đồng vì phụ thu thêm 20.000 đồng tiền... máy lạnh (thời gian vị khách ngồi ở quán chỉ hơn 30 phút).
Rồi cũng trong khoảng thời gian đó, có gia đình đi ăn vặt ở một quán tại TPHCM. Đến khi tính tiền, cả nhà khá bất ngờ bởi trong hóa đơn tạm tính ghi nghêu và sò giá 219.000 đồng/đĩa, trái cây tính riêng từng thứ. Đặc biệt, nhà hàng tính thêm cả gia vị bếp nấu 190.000 đồng.
Vân vân và vân vân. Rất nhiều ví dụ, những ví dụ có thể cách xa nhau về thời gian, địa điểm và có thể khác nhau đôi chút về cách thức “gây sốc”, nhưng na ná nhau ở chỗ “chặt” và “chém”. Chặt chém đến mức mà du khách dẫu có dễ tính và hào phóng đến mức nào thì cũng phải “lạnh gáy” và chắc là “một đi không hẹn ngày trở lại”.
Trong vụ việc tại Đồ Sơn mới đây, vị du khách trong đoàn đã không giấu nổi bức xúc và nói với người thu tiền: “Cô đang giết chết cả bãi biển Đồ Sơn này đấy!”. Chẳng biết sau câu nói đó, chủ quán ăn nọ có suy nghĩ gì không? Nhưng than ôi, nếu biết suy nghĩ cho bộ mặt du lịch cả thị xã, họ đã không nghĩ ra đủ thứ tiền để thu như vậy!
Trong khi một chuyến bay từ Hà Nội vào TPHCM và từ Hà Nội sang Thái Lan giá cả gần như chẳng có gì khác biệt. Trong khi nhiều gia đình trẻ ở TPHCM sẵn sàng có khả năng chi trả cho một kỳ nghỉ ở Singapore thay vì bay một chuyến ra Hà Nội. Trong khi người tiêu dùng đang ngày càng trở nên thông thái và ý thức rõ hơn về “quyền” của họ. Và đặc biệt là, trong khi… điện thoại thông minh và mạng xã hội đang ngày càng khẳng định rõ sức mạnh truyền thông, lan toả của nó.
Trong khi xã hội đã phát triển và không ngừng văn minh lên từng ngày như thế thì các địa phương ở ta vẫn đang làm du lịch theo cách thức của những năm “một nghìn chín trăm hồi đó”, vẫn căn bệnh “chặt chém” đã di căn.
Thế nên chẳng lạ chút nào đâu quý vị ạ, khi mà một báo cáo của Tổng cục Du lịch hồi cuối năm ngoái công bố: 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam, một con số đáng buồn so với tỷ lệ 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore.
Singapore có gì hơn chúng ta về danh lam thắng cảnh? Có gì hơn chúng ta về di tích lịch sử? Hay họ đã ăn đứt ta về sự chuyên nghiệp và văn minh?
Thưa các vị quản lý khu du lịch, các vị lãnh đạo Sở ngành, địa phương; lãnh đạo Tổng cục Cục Du lịch, Bộ Văn hoá… các vị ở đâu, làm gì trong suốt hàng chục năm qua mà chỉ một căn bệnh “chộp giật” đó mãi không thể nào chữa nổi? Hay các vị cứ lại lập luận “cơ chế thị trường có quy luật của nó, chẳng cần đến những bàn tay hữu hình?”.
Đến khách nội địa còn ngán ngẩm với tình cảnh không ít nơi “dân thì gian, quan thì tham”, thì huống hồ gì đến du khách nước ngoài không buồn đặt chân lại?
Thôi thì, trong lúc đợi chính quyền, người dân chúng tôi đành tự bảo nhau bí kíp: Hãy luôn hỏi giá, hay là: nhớ “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”! Vậy thôi.
Bích Diệp