Đòn “chí mạng” đánh vào “tử huyệt” tham nhũng
(Dân trí) - Vì vậy, có thể nói việc công khai tài sản chính là đòn chí mạng đánh vào “tử huyệt” tham nhũng hiện nay, đặc biệt khi “lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”. Hi vọng, sau qui định công khai tài sản, tiến tới sẽ là giải trình nguồn gốc tài sản và khi đó, công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ chuyển sang một nhịp mới, hiệu quả hơn nữa.
Đó là suy nghĩ của người viết bài này khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định 99 do ông Trần Quốc Vượng thay mặt Ban Bí thư ký ban hành. Nội dung Qui định này đề ra nguyên lý mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện, cầu thị lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân.
Trong nhiều nội dung rất quan trọng đó, có lẽ điều mà người dân đã và đang quan tâm nhất hiện nay là công khai nội dung, kết quả tiếp thu ý kiến của người dân; bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… Đặc biệt là bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.
Quyết định 99 còn qui định các nội dung này được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị, công khai thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ, công khai thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội bằng việc gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.
Tóm lại, việc công khai này được tiến hành rộng khắp ở mọi cấp độ, từ cơ quan Nhà nước cho đến mỗi người dân.
Nhìn lại công cuộc phòng chống tham nhũng những năm qua, có thể nói việc kê khai tài sản là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kê khai này chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Thậm chí có thời điểm, chỉ phát hiện vài ba trường hợp kê khai không trung thực trên gần một triệu đối tượng thuộc diện kê khai khiến người dân hoài nghi về chủ trương đúng đắn này.
Lý do thì nhiều, song không thể không kể đến, đó là thiếu sự giám sát của người dân mà một trong những lý do của sự “thiếu” này chính là việc kê khai nhưng không công khai để người dân được biết.
Nhìn về mặt luật pháp, có thể điều này còn bị ràng buộc bởi qui định bí mật tài sản cá nhân. Song, sự không công khai đó khiến cho việc giám sát khó thực hiện bởi người dân không hoặc có rất ít thông tin.
Đối với Qui định 99 của Ban Bí thư, vẫn tôn trọng quyền bí mật đối với người dân còn một khi là cán bộ đảng viên thì phải chấp hành qui dịnh của Đảng. Nói cách khác, qui định này chỉ áp dụng đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Nếu ai đó thấy cần phải “bí mật”, xin hãy bước ra ngoài tổ chức.
Nhớ lại cách đây hơn một tháng (17/9), tại Phiên họp thứ 7, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp cho rằng thực tế việc kê khai hiện nay vô cùng hình thức: “Chúng ta đang kỳ vọng vào những cái không tưởng…”. Ông Quyền nói.
Điều “không tưởng” mà ông Quyền nói có phần không nhỏ từ nguyên nhân kê khai mà không công khai như đã nói ở trên. Từ đó, đã hạn chế quyền giám sát của nhân dân và cũng là một trong những nguyên nhân khiến công cuộc phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Giờ đây, với Qui định 99, việc công khai tài sản sẽ phát huy cao hơn nữa quyền giám sát của nhân dân. Những tài sản “khủng” có được nhờ “làm thối móng tay” hay “buôn chổi đót” sẽ nhanh chóng bị nhân dân phát hiện.
Vì vậy, có thể nói việc công khai tài sản chính là đòn chí mạng đánh vào “tử huyệt” tham nhũng hiện nay, đặc biệt khi “lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”.
Hi vọng, sau qui định công khai tài sản, tiến tới sẽ là giải trình nguồn gốc tài sản và khi đó, công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ chuyển sang một nhịp mới, hiệu quả hơn nữa.
Bùi Hoàng Tám