Ban Bí thư: Công khai tài sản của lãnh đạo để người dân giám sát

(Dân trí) - Ban Bí thư chỉ đạo công khai kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả xử lý các vụ tham nhũng; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức họp báo công bố… để người dân tham gia giám sát cán bộ.

Để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định 99 với khung hướng dẫn cụ thể về các quy trình cụ thể.

Quyết định và bản Hướng dẫn khung do ông Trần Quốc Vượng thay mặt Ban Bí thư ký ban hành đề ra nguyên lý, mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện, cầu thị lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân.

Lần đầu tiên Ban Bí thư có hướng dẫn cụ thể về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý để người dân giám sát.
Lần đầu tiên Ban Bí thư có hướng dẫn cụ thể về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý để người dân giám sát.

Những nội dung phải công khai với người dân

Trước hết, Quyết định 99 quy định về những nội dung, hình thức công khai thông tin để người dân biết, giám sát cán bộ. Đó là công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; 19 điều quy định đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp…

Ban Bí thư cũng yêu cầu công khai kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).

Công khai nội dung, kết quả tiếp thu ý kiến của người dân; bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.

Các nội dung này được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; công khai thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; công khai thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.

Lãnh đạo cấp uỷ, tổ chức đảng phải chỉ đạo việc công khai, minh bạch thông tin, phân công trách nhiệm, quy định rõ nội dung, hình thức, phạm vi, thời gian, địa điểm công khai để nhân dân dễ biết, dễ hiểu, dễ giám sát.

Những góp ý của người dân với cán bộ, Đảng viên như về biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạp đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên; góp ý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên; góp ý về việc thực thi công vụ, thực hiện nhiệm vụ của Đảng viên… các cấp uỷ, tổ chức Đảng phải chỉ đạo tiếp thu một cách thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với quy định.

Người dân có thể trực tiếp gặp cấp uỷ, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội để phản ánh; thông qua hòm thư góp ý đặt công khai, hệ thống thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng; tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng với nhân dân; tiếp xúc cử tri; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.

Việc góp ý cũng có thể thực hiện thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; kiểm điểm hằng năm; kiểm điểm tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; khi chuẩn bị làm quy trình đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu đề cử, ứng cử đối với cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy Đảng cũng có trách nhiệm tiếp thu, giải trình trực tiếp những ý kiến góp ý. Các ý kiến chưa thể giải đáp được ngay thì ghi nhận, tiếp thu, xem xét và hẹn thời gian trả lời.

Khi có ý kiến góp ý, cấp uỷ, tổ chức đảng cũng phải có trách nhiệm thông báo nội dung góp ý và yêu cầu tập thể, cá nhân được góp ý báo cáo, giải trình cụ thể về những nội dung được góp ý; tổ chức xác minh làm rõ từng nội dung và kết luận cụ thể, xử lý nghiêm các khuyết điểm, sai phạm (nếu có); thông báo đến chủ thể góp ý về kết quả tiếp thu và xử lý ý kiến góp ý; công khai nội dung tiếp thu ý kiến góp ý (nếu cần thiết).

Xử lý người cản trở, trả thù, trù dập người tố cáo

Về giám sát, theo hướng dẫn của Ban Bí thư, người dân có thể thực hiện vai trò của mình thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, thông qua gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; qua phản ánh của báo chí truyền thông, của người có uy tín trong cộng đồng hoặc thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát của cộng đồng dân cư.

Các tổ chức, cấp ủy Đảng phải cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến nội dung, đối tượng được giám sát; trao đổi những vấn đề liên quan theo đề nghị của chủ thể giám sát; yêu cầu đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị giám sát khi cần thiết; tổ chức thực hiện và trả lời kiến nghị giám sát bằng văn bản cho chủ thể giám sát.

Quyết định của Ban Bí thư quy định rõ, lãnh đạo cấp ủy Đảng phải giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo đúng quy định. Khi có đơn, thư, ý kiến phản ánh của nhân dân, phương tiện truyền thông đại chúng đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuộc cấp nào quản lý thì cấp uỷ, tổ chức đảng cấp đó có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý; khẩn trương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan giải quyết và có văn bản để trả lời chủ thể gửi đơn, thư, ý kiến phản ánh theo quy định.

Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết xử lý người có hành vi cản trở hoạt động giám sát hoặc trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

P.Thảo