Các dự án BOT giao thông: Quá đỗi tù mù!
(Dân trí) - Câu chuyện về các dự án BOT giao thông vẫn đáng rất "nóng", kể cả khi vụ trạm thu phí BOT Cai Lậy, chủ đầu tư và Bộ Giao thông vận tải đã phải giảm giá phí. Bởi mọi chuyện quanh các dự án BOT vẫn rất tù mù.
Sự bất bình của người dân về các trạm thu phí BOT đã không dừng ở chuyện một vài trạm thu phí BOT nữa mà người ta đang thấy có quá nhiều vấn đề, thể hiện qua cách phát ngôn, hành động của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trong việc giải quyết, xử lý những bất cập trong chính sách phát triển các dự án BOT, trong việc giám sát, kiểm soát việc triển khai các dự án này.
Hiện nay, đã quá rõ những bất hợp lý trong việc đầu tư, thu phí các dự án BOT giao thông nhưng Bộ GTVT dường như cố tình làm như không hiểu hoặc bao biện cho những câu chuyện này.
Thứ nhất, đại đa số các dự án BOT giao thông thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, một sự chà đạp lên các quy định về Luật Đấu thầu. Mặc dù Bộ GTVT giải thích rằng, việc chỉ định thầu do tính cấp bách của các dự án. "Nếu không sẽ không kịp"- đó là cách nói của lãnh đạo Bộ này. Nhưng điều này thật khó xuôi tai bởi không thể nào tất cả các công trình đó đều là "cấp bách".
Con số có Thanh tra Chính phủ mới nêu: hơn 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT tại Bộ GTVT đều không lựa chọn nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu quả là một thách thức lớn về vấn đề chấp hành quy định luật pháp của Bộ GTVT.
Thực tế, có rất nhiều công trình cấp bách hơn các dự án BOT của ngành giao thông: Phòng chống bão lụt, xây dựng công trình nguồn điện, xây dựng bệnh viện, trường học... nhưng hầu hết đều phải tổ chức đấu thầu để đảm bảo cạnh tranh, minh bạch, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Với cách giải thích như Bộ GTVT, người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ rằng, nó chỉ nhằm bảo vệ, che giấu cho những việc chỉ định thầu tùy tiện, mang lại lợi ích cho những nhà đầu tư và có thể cho chính những người trực tiếp ký quyết định chỉ định thầu.
Thứ hai, về việc cố tình làm trái quy định của Nhà nước về yêu cầu mỗi trạm thu phí BOT phải cách nhau ít nhất 70 km thì Bộ GTVT cũng đã không giải thích hợp lý.
Cuối tuần qua, như Dân trí đã đưa tin, qua công bố kết quả thanh tra 7 dự án BOT giao thông, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng đã khẳng định phần lớn các trạm thu phí BOT đều đặt vị trí quá gần nhau, không đảm bảo quy định trên, giá phí đều tăng nhanh.
Tệ hại hơn nữa, như Thanh tra Chính phủ chỉ ra, có những dự án chỉ trải thêm nhựa, sửa chữa mặt đường và thu phí còn cao hơn cả mức thu ở các đường cao tốc được đầu tư lớn như dự án đường Pháp Vân-Cầu Giẽ- một tuyến đường có lưu lượng xe cộ đi qua rất lớn.
Điều này đã chứng thực mối nghi ngờ lâu nay của người dân, các chủ phương tiện giao thông là đúng: Đã có những chủ đầu tư làm ăn dối trá, tạm bợ được chỉ định thầu để "đánh quả", "gặt hái" quá nhiều tiền thu phí, gây thiệt hại quá lớn đến lợi ích của các chủ phương tiện giao thông khi đi qua các tuyến đường này.
Đằng sau những câu chuyện trên, ẩn chứa rất nhiều vấn đề tù mù, thiếu minh bạch trong việc chỉ định thầu, kiểm tra, kiểm soát các dự án BOT giao thông mà lãnh đạo Bộ GTVT có trách nhiệm rất lớn với vai trò của một bộ được giao trách nhiệm chính về quản lý trong lĩnh vực này.
Vấn đề là sau một loạt vấn đề bất cập, sai phạm trong triển khai các dự án BOT giao thông như vậy, lãnh đạo Chính phủ, Thanh tra Chính phủ , Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an... sẽ tiếp tục kiểm tra, ra quyết định xử lý như thế nào để lập lại trật tự, đảm bảo các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, thu phí ở các dự án này như thế nào cho hợp lý, bảo vệ lợi ích của người dân, sự nghiêm minh của pháp luật.
Mạnh Quân