Bộ trưởng Luận sẽ dũng cảm bước tiếp trên con đường nhiều chông gai

(Dân trí) - Chính phủ đánh giá cao đổi mới trong kỳ thi vừa qua. Đó là nhận xét của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều muộn ngày 1/9.

 

Bộ trưởng Luận sẽ dũng cảm bước tiếp trên con đường nhiều chông gai - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nguyên văn, ông Nên nói: “Kỳ thi vừa qua có nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã khắc phục được nhiều hạn chế bất cập trước đây, đã hạn chế được chi phí xã hội rất đáng kể, giảm bớt những phiền hà cho thí sinh và gia đình, phản ánh kết quả học tập của học sinh khách quan, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Chính phủ đánh giá rất cao những kết quả đó”.

Đây là nhận xét khách quan, chính xác những gì đang diễn ra đối với kỳ thi tốt nghiệp đồng thời cũng là kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua.

Đối với chi phí cho kỳ thi, có thể nói với cách thi hiện nay, phụ huynh không còn mối lo rất lớn về tài chính. Trước đây mỗi khi ăn tết xong, nhiều gia đình có con dự thi đã phải chắt bóp để có một khoản tiền không nhỏ dành cho việc này.

Đã không còn cảnh “náo loạn” ở bến tàu, bến xe, nạn tắc đường ở Thủ đô Hà Nội và một số thành phố lớn do dòng người từ các nơi đổ về.

Kết quả học tập cũng được đánh giá khách quan hơn, các em được nhiều quyền lựa chọn hơn và công bằng hơn rất nhiều so với những năm trước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên còn cho biết, Chính phủ thống nhất đánh giá cao quyết tâm nỗ lực đổi mới theo tinh thần Nghị quyết TW trong lĩnh vực giáo dục đồng thời nhấn mạnh tinh thần đổi mới và cải cách cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Những sai sót xảy ra trong kỳ thi được vừa qua đánh giá là “do lỗi kỹ thuật liên quan đến quy trình đăng ký và thay đổi nguyện vọng, thời gian xét tuyển. Chính vì muốn tạo điều kiện cho thí sinh nên phương án ban đầu được xây dựng là mở rộng khả năng đăng ký nguyện vọng, kéo dài thời gian đăng ký nhưng không ngờ việc này lại gây phiền hà cho chính thí sinh, gia đình và cả các trường”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết.

Về trách nhiệm của người đứng đầu, Bộ trưởng Nên đánh giá: “Mặt nào hạn chế thì ta tiếp tục góp ý để điều chỉnh nhưng ta cũng phải công bằng thừa nhận những điểm được. Bộ trưởng GD&ĐT đã rất thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm của mình cho những vấn đề xảy ra trong kỳ thi và nghiêm túc rút kinh nghiệm cho lần tới đây”.

Những nhận định trên phù hợp với đánh giá của các nhà khoa học, nhà chuyên môn, báo chí và người dân.

Trên trang facebook của mình, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: "Về phía dư luận, tôi nghĩ rằng trước khi phê bình chính quyền cũng nên đặt mình vào ví trí của họ xem mình thực sự có thể làm tốt hơn hay không. Khi phê bình những gì chính quyền làm chưa tốt, cũng nên ghi nhận những gì họ làm tốt, hoặc làm tốt hơn trước".

Trả lời báo chí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận xét: “Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT đã làm một việc rất tốt, đó là đổi mới. Chúng ta phải đổi mới, không thể chấp nhận mãi cái cũ. Đã chấp nhận đổi mới thì phải đương đầu với trở lực, trở ngại, những rủi ro. Chúng ta cần đồng cảm với Bộ GD&ĐT. Bộ đã dám đổi mới, chúng ta nên chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn”.

Theo ông Nguyễn Chí Dương, Hiệu trưởng Trường PTTH Cẩm Giàng II, đợt thi này đánh giá rất sát trình độ học lực của các em. Học sinh có học lực giỏi thì vào được các trường đại học tốp đầu, những học sinh lực yếu có thể đỗ được tốt nghiệp và đi học nghề.

Trên báo Lao động, Nhà báo Đào Tuấn viết: “Hãy cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thêm thời gian, thêm một sự thông cảm để ông dũng cảm bước tiếp con đường biết chắc là còn nhiều chông gai. Bởi nếu hôm nay, chúng ta đồng lõa với những tiếng kêu đang ngập tràn dư luận, phải chăng là chúng ta muốn kéo lùi trở lại như những gì của ngày hôm qua!”.

Trên Dân trí, bạn đọc Phan Ngọc Quang trong thư điện tử (comment) gửi về, viết: “Một cuộc cách mạng ta nên đánh giá nó ở mặt thành công về mục đích, còn những vấn đề xẩy ra khi tiến hành, không ai dám khẳng định 100% là không có. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đứng ra nhận trách nhiệm và tin rằng kỳ thi tới chắc chắn sẽ khắc phục được những gì chưa tốt vừa qua và có thể còn có những nội dung hoàn chỉnh hơn…".

Dựa trên kết quả kỳ thi năm nay, tại Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục Trung học năm 2015-2016 do Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT tổ chức tại TPHCM ngày 29/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết năm 2016 sẽ vẫn sử dụng phương án thi THPT quốc gia như năm 2015. Đây là một quyết định đúng và dũng cảm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT bởi không có thành công nào là dễ dàng cả. Dám dũng cảm đương đầu với khó khăn hay không, điều đó phụ thuộc vào bản lĩnh của một chính khách.

Chắc chắn Bộ trưởng Luận sẽ dũng cảm bước tiếp trên con đường dù có nhiều “chông gai” bởi đổi mới giáo dục là niềm mong mỏi, khát khao của nhân dân cả nước.

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!