Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Sửa “lỗi” tuyển sinh trong đợt 2
(Dân trí) - Xác nhận nhiều bất cập phát sinh do lỗi kỹ thuật đã bộc lộ qua đợt 1 tuyển sinh ĐH vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, đợt 2 đã điều chỉnh, thu ngắn thời gian đăng ký, không cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký…
Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều muộn ngày 1/9, trước hết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, tiếng nói của người dân trên các diễn đàn để chia sẻ về kỳ thi thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng như tinh thần chung tại cuộc họp Chính phủ đều thông nhất, cần đánh giá cao quyết tâm nỗ lực để đổi mới theo tinh thần Nghị quyết TƯ của lĩnh vực giáo dục thể hiện vừa qua. Tinh thần đổi mới và cải cách, theo Bộ trưởng Nên, cần tiếp tục đẩy mạnh.
“Kỳ thi vừa qua có nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã khắc phục được nhiều hạn chế bất cập trước nay, đã hạn chế được chi phí xã hội rất đáng kể, giảm bớt những phiền hà cho thí sinh và gia đình, phản ánh kết quả học tập của học sinh khách quan, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Chính phủ đánh giá rất cao những kết quả đó” - người phát ngôn Chính phủ nói.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng xác nhận, trong khâu sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng đã bộc lộ một số bất cập do lỗi kỹ thuật liên quan đến quy trình đăng ký và thay đổi nguyện vọng, thời gian xét tuyển. Chính vì muốn tạo điều kiện cho thí sinh nên phương án ban đầu được xây dựng là mở rộng khả năng đăng ký nguyện vọng, kéo dài thời gian đăng ký nhưng không ngờ việc này lại gây phiền hà cho chính thí sinh, gia đình và cả các trường.
Việc này sau khi nghe thông tin, Thủ tướng đã chỉ đạo hướng khắc phục cho đợt 2 tuyển sinh sinh đồng thời yêu cầu tổng kết kết quả kỳ thi chung năm nay để tiến hành tốt hơn cho năm sau.
Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về những hạn chế, bất cập, trong đợt 2 thí sinh sẽ không điều chỉnh nguyện vọng đăng ký và thời gian đăng ký cũng rút ngắn lại.
“Mặt nào hạn chế thì ta tiếp tục góp ý để điều chỉnh nhưng ta cũng phải công bằng thừa nhận những điểm được. Bộ trưởng GD-ĐT đã rất thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm của mình cho những vấn đề xảy ra trong kỳ thi và nghiêm túc rút kinh nghiệm cho lần tới đây” - người phát ngôn Chính phủ lưu ý.
Nói thêm về việc này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - người phát ngôn của Bộ GD-ĐT có mặt tại cuộc họp báo một lần nữa xác nhận những bất cập thể hiện qua kỳ họp. Những điểm chưa khắc phục được thì Bộ trưởng GD-ĐT đã nhận trách nhiệm về các vấn đề như cần đồng thời cho đăng ký 4 nguyện vọng, điều chỉnh việc kéo dài thời gian đăng ký nguyện vọng tới 20 ngày.
Trong đợt tuyển sinh thứ 2, các biện pháp được triển khai như Bộ chỉ đạo cho các Sở mở ra kênh đăng ký tại các Sở để giảm phiền hà và tốn kém đi lại. Những vấn đề kỹ thuật như đăng ký nhiều nguyện vọng, thay đổi liên tục thì cũng được khắc phục trong các đợt tuyển sinh tiếp theo.
Bộ đã gửi thông tin đến các gia đình nói rõ thời gian đăng ký nguyện vọng đợt 2 giảm xuống chỉ còn 10 ngày và không cho thay đổi nguyện vọng đăng ký nữa. Thí sinh được tạo điều kiện để nộp phiếu đăng ký nguyện vọng một cách thuận lợi nhất, có thể qua bưu điện, có thể qua mạng thông tin…
“Hiện nay đang trong giai đoạn tuyển sinh đợt 2 và các biện pháp này đã được triển khai tại tất cả các trường, các Sở GD-ĐT địa phương” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói.
Ngay sau kỳ thi kết thúc, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức hội nghị để đánh giá về việc triển khai hướng đổi mới năm nay để lấy ý kiến của các trường, các Sở để khắc phục những vướng mắc kỹ thuật chưa lường trước được , sao cho kỳ thì năm tới có chất lượng, gọn gàng, nhẹ nhàng hơn với thí sinh, người nhà và xã hội.
Về trường hợp thí sinh đạt 26,5 điểm vẫn trượt ở Đại học Y dược Cần Thơ, người phát ngôn Bộ GD-ĐT cho biết khi có thông tin từ báo chí về việc có nhầm lẫn tại Bình Thuận là thí sinh này không phải là viên chức được cử đi thi để học liên thông nên dù điểm cao nhất vẫn không đỗ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trao đổi trực tiếp với Sở y tế Bình Thuận và trường Đại học Y dược Cần Thơ để xử lý. Cụ thể, hướng giải quyết được thống nhất là nếu thí sinh không phải là viên chức thì chuyển sang xét như đối với một thí sinh tự do và trường đã thực hiện chỉ đạo này, chuyển thí sinh sang hệ thí sinh tự do để vừa đảm bảo đúng đối tượng, vừa không thiệt thòi cho thí sinh.
P.Thảo