Bài 6:

Vụ sổ đỏ trên đất “ma” tại Hoài Đức: Có thể vừa kiện vừa tố cáo

(Dân trí) - “Sau khi quá thời hạn quy định về giải quyết khiếu nại, gia đình bà Ái có quyền khiếu nại lần 2 lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội hoặc khởi kiện ra TAND huyện Hoài Đức để đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, vụ việc này có rất nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của một số cá nhân, cán bộ có liên quan, do vậy gia đình bà Ái có quyền gửi Đơn tố cáo đến cơ quan điều tra”, luật sư Nguyễn Hoàng Việt phân tích.

Liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho mảnh đất không hề tồn tại trên địa bàn huyện Hoài Đức, qua buổi làm việc trực tiếp với PV báo Dân trí, đại diện UBND huyện Hoài Đức cho biết hiện Phòng Tài nguyên và môi trường, Thanh tra Nhà nước huyện Hoài Đức đang kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình cấp sổ đỏ với trường hợp của bà Nguyễn Thị Ái theo chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên, quy trình này của UBND huyện Hoài Đức lại quá chậm trễ so với quy định pháp luật.

Sau khi phát hiện thấy những điểm bất thường trong việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình mình, bà Ái đã trực tiếp gửi đơn thư cũng như đã ủy quyền cho ông Nguyễn Tuấn Nam thay mặt mình gửi đơn thư và làm việc trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ về các vấn đề liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ.

Cụ thể, ngày 21/5/2015, bà Ái đã gửi đơn đề nghị tới UBND huyện Hoài Đức và các cơ quan khác để yêu cầu giải quyết. Sau đó, ông Nam cũng tiếp tục gửi đơn lần 2 vào tháng 6/2015, nhưng cho tới nay gia đình bà Ái và ông Nam vẫn chưa nhận được bất cứ kết quả giải quyết nào từ phía UBND huyện Hoài Đức.

Đến khi báo Điện tử Dân trí liên tiếp đăng tải loạt bài chỉ rõ những dấu hiệu bất thường trong vụ việc này thì UBND huyện Hoài Đức mới triển khai lịch làm việc với đại diện của gia đình bà Ái. Tuy nhiên kết quả giải quyết đơn thư của gia đình bà Ái thì vẫn chưa có kết quả, dù đã 6 tháng trôi qua, khiến cho công luận không khỏi hồ nghi trước câu hỏi: Tại sao UBND huyện Hoài Đức chậm giải quyết đơn thư của công dân?

 

Vụ sổ đỏ trên đất “ma” tại Hoài Đức: Có thể vừa kiện vừa tố cáo - 1

 


2 cuốn sổ đỏ được cấp trên đất ma do ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký.

2 cuốn sổ đỏ được cấp trên đất "ma" do ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký.

Liên quan đến quy định pháp luật về quá trình giải quyết đơn thư của công dân, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoàng Việt - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội dưới góc độ pháp lý để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: Theo tài liệu mà bà Ái cung cấp, ngày 21/5/2015 bà Ái đã gửi Đơn đề nghị tới các cơ quan trong đó có UBND huyện Hoài Đức để yêu cầu giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền sử dụng đất mà gia đình bà Ái nhận chuyển nhượng từ ông Thọ. Vậy xin luật sư cho biết cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng quy trình nào để xử lý Đơn đề nghị này?

Luật sư Nguyễn Hoàng Việt: Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011 thì: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khoản 2 Điều 8 Luật khiếu nại cũng quy định về hình thức khiếu nại như sau: “Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.”.

Như vậy, đơn khiếu nại không bắt buộc phải có tiêu đề là “Đơn khiếu nại” mà chỉ cần trong đó thể hiện nội dung khiếu nại: đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Xét đối với “Đơn đề nghị” ngày 21/5/2015 của bà Ái có thể thấy rằng đơn đề nghị này thỏa mãn các dấu hiệu của một đơn khiếu nại bởi vì:

Thứ nhất, đơn này chứa đựng nội dung đề nghị UBND huyện Hoài Đức làm rõ việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Thọ (GCNQSDĐ là căn cứ để ông Thọ chuyển nhượng đất cho bà Ái) có đúng quy định pháp luật hay không? Tính pháp lý của Hợp đồng chuyển nhượng số 747 đã ký kết giữa các bên? Xác định rõ địa chỉ thửa đất theo GCNQSDĐ số S726928 mà UBND huyện đã cấp cho gia đình bà Ái;


Cận cảnh mảnh đất ma tại huyện Hoài Đức khiến người dân điêu đứng.

Cận cảnh mảnh đất "ma" tại huyện Hoài Đức khiến người dân điêu đứng.

Bà Ái đưa ra những đề nghị trên vì có những căn cứ cho rằng việc xác nhận trong Hợp đồng chuyển nhượng và việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình mình và ông Thọ có dấu hiệu của vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cụ thể:

- Trên GCNQSDĐ của gia đình bà Ái xác định là đất ở và bà Ái cũng đã đóng thuế sử dụng dất ở 10 năm qua nhưng nay UBND xã Đức Thượng lại xác định đây là đất nông nghiệp với chủ sử dụng đất là người khác;

- Một số người đã xác nhận có dấu hiệu lừa đảo trong việc cấp GCNQSDĐ số S726276 cho ông Thọ (gia đình bà Ái có ghi âm về việc này).

Thứ hai, trong đơn đề nghị này có đầy đủ các nội dung của một đơn khiếu nại đó là: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại (trong đơn thể hiện rõ UBND huyện Hoài Đức là cơ quan đã thực hiện các công việc mà gia đình đang đề nghị xem xét lại tức là bà Ái đã xác định người bị khiếu nại ở đây chính là UBND huyện Hoài Đức); nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

Ngoài việc gửi tới UBND huyện Hoài Đức thì đơn này còn thể hiện bà Ái gửi tới nhiều cơ quan khác như: Huyện ủy huyện Hoài Đức, Hội đồng nhân dân huyện Hoài Đức… Tuy nhiên, trường hợp này không thể xác định đây là đơn có nhiều nội dung khác nhau bởi vì trong đơn bà Ái cũng xác định rõ chỉ gửi tới các cơ quan trên để báo cáo về sự việc và để các cơ quan này chỉ đạo, giám sát vụ việc hay chính là việc giải quyết vụ việc của UBND huyện Hoài Đức. Toàn bộ phần yêu cầu của bà Ái đều là thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Hoài Đức.

Như vậy, có thể khẳng định rằng mặc dù tiêu đề đơn là “Đơn đề nghị” nhưng đơn này chính là một đơn khiếu nại của gia đình bà Ái gửi tới UBND huyện Hoài Đức để đề nghị giải quyết. Do đó, việc xử lý đơn này sẽ tuân thủ theo các quy định về thủ tục giải quyết đơn khiếu nại. Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011 thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.

PV: Thưa luật sư, theo quy định pháp luật thì UBND huyện Hoài Đức có căn cứ để kéo dài thời hạn giải quyết các đơn thư của gia đình bà Ái hay không?

Luật sư Nguyễn Hoàng Việt: Căn cứ theo quy định tại Luật khiếu nại năm 2011, Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 về quy trình giải quyết khiếu nại hành chính và Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh thì trong vụ việc này, UBND huyện Hoài Đức phải thực hiện quy trình giải quyết khiếu nại bao gồm các bước như sau:

- Phải tiếp nhận và xử lý đơn của gia đình bà Ái. Trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền hoặc không đủ điều kiện thụ lý thì phải có văn bản trả lời hoặc hướng dẫn gia đình bà Ái gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền hoặc hướng dẫn cho gia đình bà Ái biết rõ lý do không được thụ lý giải quyết hoặc bổ sung những thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại.

Vụ sổ đỏ trên đất “ma” tại Hoài Đức: Có thể vừa kiện vừa tố cáo - 4

Vi bằng xác định chủ sở hữu của thửa đất số 75 là của ông Nguyễn Văn Tác và ông Tác chưa bao giờ bán thửa đất cho ai.

Vi bằng xác định chủ sở hữu của thửa đất số 75 là của ông Nguyễn Văn Tác và ông Tác chưa bao giờ bán thửa đất cho ai.

- Thụ lý giải quyết khiếu nại của gia đình bà Ái trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại và phải thông báo việc thụ lý bằng văn bản đến gia đình bà Ái. Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải có thông báo và nêu rõ lý do trong văn bản thông báo.

- Tiến hành xác minh và giải quyết nội dung khiếu nại bằng các công việc:

Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính (Căn cứ pháp lý, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục ban hành… của quyết định hành chính, việc thực hiện hành vi hành chính). Nếu thấy khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng thì Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay; Làm việc trực tiếp với các bên, yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu; Tiến hành xác minh thực tế, tham khảo ý kiến tư vấn; Tổ chức đối thoại (Việc tổ chức đối thoại được thực hiện nếu trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính mà yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau).

- Ban hành, gửi và công khai kết quả giải quyết khiếu nại.

Rõ ràng sau khi nhận thấy có vấn đề khuất tất trong việc cấp GCNQSDĐ ông Thọ và cấp GCNQSDĐ cho mình, ngày 21/05/2015 bà Ái đã gửi đơn đề nghị lần đầu và sau đó, tháng 6/2015 ông Nam (người đại diện theo uỷ quyền của bà Ái) đã gửi tiếp một Đơn đề nghị (thực chất là đơn khiếu nại) đến UBND huyện Hoài Đức, đúng nơi có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Vậy Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức phải tiến hành thụ lý, giải quyết đơn theo đúng quy trình, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại (kéo dài không quá 45 ngày). Tuy nhiên, tính đến thời điểm này thì việc thụ lý, giải quyết khiếu nại của bà Ái và ông Nam đã bị kéo dài hơn sáu tháng mà chưa có bất cứ văn bản trả lời nào về việc giải quyết khiếu nại. Điều này cho thấy người tiếp nhận, xử lý đơn và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thời gian, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của công dân.

PV: Pháp luật quy định về quyền của gia đình bà Ái được làm gì để bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp UBND huyện Hoài Đức không giải quyết hoặc chậm giải quyết khiếu nại, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Hoàng Việt: Căn cứ theo quy định tại Điều 7 và Điều 32 Luật khiếu nại năm 2011 thì trong vòng 30 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Trường hợp không lựa chọn khiếu nại lần hai thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính ngay từ thời điểm kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu.

Như vậy, sau khi quá thời hạn quy định về giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết thì gia đình và Ái có quyền khiếu nại lần 2 lên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hoặc khởi kiện ra TAND huyện Hoài Đức để đề nghị giải quyết.


Công văn hồi âm của UBND huyện Hoài Đức gửi báo Dân trí về vụ sổ đỏ trên đất ma.

Công văn hồi âm của UBND huyện Hoài Đức gửi báo Dân trí về vụ sổ đỏ trên đất "ma".

Tuy nhiên, vụ việc này có rất nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của một số cá nhân, cán bộ có liên quan, do vậy gia đình bà Ái có quyền gửi Đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra - công an huyện Hoài Đức để tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật đó và đề nghị điều tra, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với những cá nhân, cán bộ có hành vi nói trên.

Như Dân trí đã thông tin, ngày 25/02/2004 ông Ngô Đăng Thọ (trú tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội)) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 474/CN để chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Ái thửa đất số 75, tờ bản đồ số 4B phần diện tích 308m2 đất ở tại Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Thửa đất này ông Thọ được cấp sổ đỏ số S726276 theo Quyết định số 3871/QĐ-UB ngày 18/12/2003.

Sau khi mua mảnh đấy, ngày 30/3/2004, bà Ái làm thủ tục sang tên sổ đỏ và được UBND huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ số S726928 do ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện ký. Những năm sau đó, bà Ái đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế hàng năm cho Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Tháng 5/2014, do không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thửa đất, bà Ái muốn bán cho người khác. Tuy nhiên, khi đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng thì bà Ái được UBND xã Đức Thượng thông báo thửa đất của bà nhận chuyển nhượng từ ông Thọ không có trong bản đồ địa chính đất thổ cư của xã.

Quá bất ngờ, ngày 19/12/2014, bà Ái đã gửi đơn yêu cầu UBND xã Đức Thượng xác định nguồn gốc đất đối với thửa đất này.

Ngày 28/12/2014, bà Ái nhận được Công văn số 45/UBND của UBND xã Đức Thượng về việc trả lời đơn yêu cầu, trong đó có những nội dung xác định: thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B có địa chỉ tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, có diện tích 321m2 được cấp GCNQSDĐ ngày 15/5/1991 cho ông Nguyễn Văn Tác. Hiện ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất này.

Còn thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái vào tháng 3/2014 là thửa đất có địa chỉ tại khu Rảnh, thôn Cao Xá, xã Đức Thượng với diện tích 285m2, mục đích sử dụng là đất canh tác. Nguồn gốc của thửa đất này là do ông Ngô Khắc Quy chuyển nhượng cho ông Thọ theo Hợp đồng chuyển nhượng số 485 ngày 09/9/2003. Thửa đất này được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSDĐ số S726276 và vẫn đứng tên ông Thọ cho đến thời điểm này trên hồ sơ quản lý đất của địa phương.

Cho tới thời điểm này, bà Ái không hiểu lý do tại sao mình ký hợp đồng mua quyền sử dụng đất ở và đã được các cấp chính quyền huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ là đất ở mà nay vị trí thửa đất bà nhận chuyển nhượng lại được UBND xã Đức Thượng xác định là đất canh tác, điều đặc biệt là thửa đất này vẫn đứng tên ông Thọ trong sổ quản lý đất đai của địa phương.

Bà Ái càng không hiểu được tại sao vào thời điểm năm 2004, UBND xã Đức Thượng lại xác nhận thửa đất ông Thọ bán cho bà Ái là “đất thổ cư, không có tranh chấp, đủ điều kiện chuyển nhượng”?

Theo điều tra của PV Dân trí, trong tài liệu của các cơ quan chức năng thể hiện: Ngày 05/12/2003, ông Nguyễn Văn Tác và bà Đỗ Thị Đào (vợ ông Tác) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng cho ông Thọ thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B (GCNQSDĐ số A490094 cấp ngày 10/5/1991) có địa chỉ tại xóm Rảnh, thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng cho ông Thọ. Trong hồ sơ cũng bao gồm cả giấy tờ về việc nộp tiền sử dụng đất, quyết định của UBND huyện Hoài Đức về việc cấp sổ đỏ số S726276 cho ông Thọ.

Tuy nhiên, theo nội dung trả lời tại Công văn số 45 của UBND xã Đức Thượng thì thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B đã được cấp sổ đỏ số A490094 cho ông Nguyễn Văn Tác ngày 15/5/1991 chứ không phải ngày 10/5/1991 như nội dung hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Tác, bà Đào và ông Thọ. Bên cạnh đó, địa chỉ thửa đất là tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng chứ không phải tại xóm rảnh, thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng như Hợp đồng trên đã nêu.

Qua xác minh của PV Dân trí, sự thật là hiện gia đình ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất số 75 này. Theo Vi bằng số 238/2015/VB-TPLHĐ do Văn phòng thừa phát lại quận Hà Đông lập ngày 18/11/2015 tại nhà ông Tác (thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) thì ông Tác đã xác nhận rằng: Thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B có nguồn gốc do cha mẹ ông để lại. Ông sinh sống trên thửa đất này từ năm 1939 đến nay, năm 1991 thì được UBND huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ. Đến năm 2002 ông Tác đã tiến hành tách thửa và chia thửa đất trên cho hai con trai, cơ quan nhà nước đã tiến hành đo đạc và xác định diện tích thực tế của thửa đất là 330m2, tách thành hai thửa: thửa 75a tờ bản đồ số 4B mang tên anh Nguyễn Văn Phong có diện tích 177m2 (đã được cấp GCNQSDĐ số S553413 ngày 25/2/2002); thửa 75b tờ bản đồ số 4B mang tên anh Nguyễn Văn Luyến có diện tích 153m2 (đã được cấp GCNQSDĐ số S553414 ngày 25/2/2002). Ông Tác và các con dâu là chị Nguyễn Thị Phương, chị Đàm Thị Hoa đều khẳng định gia đình không hề chuyển nhượng thửa đất này cho bất cứ ai.

Được biết, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, người ký quyết định cấp cuốn sổ đỏ với mảnh đất “ma” cho bà Ái là ông Nguyễn Xuân Lĩnh. Ông Lĩnh hiện đang giữa cương vị Phó ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức hiện tại là ông Nguyễn Quang Đức

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế